Góc an nhiên: Những cội mai già

0:00 / 0:00
0:00
GN - 15 tháng Chạp, hẳn sẽ được coi là ngày lặt lá mai… thế giới (nếu thế giới có mai, hẳn là vậy rồi), nhưng hình như, chỉ Việt Nam mới có mai thì phải.
Cội mai già

Cội mai già

Mai Việt Nam được trồng co cụm nhiều nhất là trong những nhà vườn. Một trong những làng mai được biết đến khá nhiều là làng mai Háo Đức (Bình Định). Cây mai vàng ở đây được nuôi bằng hạt, chăm đến khi tạo được dáng thế đẹp, thường khi ra thị trường ít nhất cây đã 3 - 5 tuổi.

Ngoài giống mai bản địa dáng đẹp hoa thơm thì còn nhiều loại hoa mai được ong bướm tình cờ thụ phấn cho ra một loại tên là cúc mai từ 40-100 cánh, xếp chồng như hoa cúc. Người nông dân ở đây cũng vừa ghép vừa nhân giống loại cúc mai quý hiếm này. Chính vì vậy mà mai Bình Định mang trong mình sứ mệnh di chuyển: năm nào cũng du hành vào Nam ra Bắc, lên non (Tây Nguyên), thậm chí còn len lỏi cả về thủ phủ mai miền Tây với những dáng thế đặc biệt của riêng mình. Đó là một hành trình, thông thường khá suôn sẻ.

Nhưng không phải hành trình nào cũng thuận buồm xuôi gió như vậy.

Có những chuyến đi về “buồn như rệp”, theo cách nói thô mộc của người Bình Định. Nhưng năm nào, dù bán được hay không, việc gả những cây mai ra đi cũng chỉ là đoạn cuối của bao nhiêu cơ cực. Chăm mai như chăm con mọn, mỗi ngày quan sát từng chiếc lá để biết nó no nước hay thừa hay thiếu, canh từng con kiến con sâu và vô số các loài bọ gây bệnh. Mai dễ trồng nếu để nó lây lất sống, nhưng để chăm đúng thời, đúng vụ, khỏe mạnh sai bông lại là chuyện khác. Chăm cực cả năm đã đành, cực nhất là một tháng trước Tết, đúng nghĩa “Trông trời trông đất trông mây. Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”. Cả năm chăm sóc đôi khi chỉ thu về... những nỗi lo âu và những phiền muộn.

Năm ngoái, ba tôi thuê một chỗ bán mai trong khu đô thị sầm uất gần Lotte Mart, quận 7. Cuối cùng, chỉ bán được một số cây cho người quen và duy nhất một cây cho người lạ. Đận đó không có xe tải để quay về, vì ba đã cầm cự đến tận 30 Tết. Ba ở lại Sài Gòn chờ bay về chuyến sớm ngày mùng một. Đành gởi lại đàn mai tá túc nhà người, rồi thuê người tưới sáng chiều cùng một lô một lốc những lời dặn dò, và mỗi ngày đều gọi điện hỏi thăm bọn cây. Mãi đến mười tám tháng Giêng, ba mới kiếm được tải để vô rước mai về.

Cuối cùng đàn mai cũng trở về, sau một chuyến đi phơi gió, phơi nắng, phơi sương xứ người. Một cuộc hồi hương buồn. Tôi nhớ buổi chiều cuối năm đó, tôi tránh không nhìn dáng ba lầm lũi cầm kéo cắt trụi hết những cây cành đang búp mởn xanh. Không dám hình dung cảm giác của ông khi tự tay mình cắt đi những cây cành bông búp đã chắt chiu nuôi nấng cả năm ròng. Tôi nghĩ chắc ông hẳn phải nghiến răng, cắn răng mà cắt. Cắt cho cây đỡ mất sức. Cắt để dưỡng nuôi hy vọng cho mùa sau, và cả để lại một gốc rễ đơn giản nhất cho người giữ cây. Họ có tưới thế nào thì cây vẫn có thể sống, với dưỡng chất tối thiểu nhất là nước. Thương mấy cây cành chưa kịp nở, tôi lọ mọ đi lượm lại mang về cắm đầy những xô chậu có thể trưng dụng trong nhà mình. Cho tụi nó sống nốt những ngày sau cuối. Tôi cố hình dung cảm giác của ba. Năm nào trở về sau một đợt bán mai, ba cũng nói: Ba bán năm nay nữa thôi. Rồi năm sau chở mai vô, lại nghe ba nói: Ba bán năm nay nữa thôi!

Nghĩ thương cảnh ông già tuổi ngoài 70 vẫn còn “màn trời chiếu đất”. Con cái đứa nào cũng có gia đình riêng, gặp hôm đứa em trai út tình nguyện ra ngủ canh một bữa, “bộ xương già” xem như được đi ăn đám giỗ (được nằm thẳng thớm trên nệm, quấn trong chăn ấm, ngủ trong nỗi thanh thản như ở nhà: không lo trộm cắp, không lo bật dậy thay phiên cho người bán cùng được ngủ). Đất Sài Gòn đắt đỏ, dĩa cơm tấm, ly trà đá sương sương năm chục ngàn. Ăn xong lè lưỡi. Cái túi ngủ, cái võng dù ngăn được cái lạnh nhưng không ngăn nỗi lũ muỗi vo ve. Ban ngày thì nắng, nắng rát. Nắng tiếp sinh lực cho cây mai bừng nở, nhưng lại rút đi chút sức tàn của những người ngày phơi trong nó, đêm phủ trong sương. Người thực dụng hay trêu: Mai mốt trồng cây gì chơi được quanh năm. Đừng trồng cây chăm quanh năm mà chơi được mấy ngày. Chính vì vậy cây mai mới quý, ba cũng đùa lại, dẫu có đôi chút ngậm ngùi. Để chăm sóc cốt cách của mai, người làm vườn hẳn cũng phải mang một cốt cách nào đó: ít nhất là tình yêu và sự chấp nhận. Mai khó chăm đã đành, phân thuốc nước đủ loại đã đành, đi đâu cũng không dám đi lâu vì sợ ở nhà không ai tưới.

Năm nay, thời tiết bất thường đến mức đâu từ 20 tháng 11 âm lịch, ba tôi đã bắt đầu lặt lá thăm dò. Cuối cùng vừa lạnh vừa sương muối, những búp xanh núp trong vỏ trấu “quyết liệt” không bung. Không lẽ lại chở vô phương Nam hong nắng? May thay, trời lại hửng lên vài đợt nắng, hy vọng lóe lên khi một số thương lái tìm đến đặt cọc, rồi tất cả hy vọng, khấp khởi,… đùng một cái tắt ngấm, khi tin Covid trở lại, họ đồng loạt hủy cọc, phần lớn là khách từ Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội,...

Dẫu biết hy vọng là một hình thức bám chấp thì cũng phải hành động. Cùng một số người quen, ba quyết định mang mai ra quốc lộ bán cho những chuyến xe Nam Bắc. Chúng tôi trêu cuộc bán mai gỡ gạc của ba, gọi cho ba dặn dò mang vớ quấn khăn và nhớ là ba đã có tuổi, đừng quên mà mang vác nặng nghe. Giọng ba một đêm ngủ ngoài trời đã nhuốm mùi sương giá (nghe nghẹt và mệt): Ba không sao đâu, các con đừng lo. Có điều đứa nào về sớm được thì về với má, để má con ở nhà lủi thủi tội nghen con!!!

Người đàn ông hào sảng, lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với số phận đã bắt đầu nghĩ thương những điều bé mọn từ bao giờ không biết. Có phải từ ngày làm bạn với lũ mai, hay từ ngày làm bạn với vô thường tuổi tác?

Thương mấy cây cành chưa kịp nở, tôi lọ mọ đi lượm lại mang về cắm đầy những xô chậu có thể trưng dụng trong nhà mình. Cho tụi nó sống nốt những ngày sau cuối. Tôi cố hình dung cảm giác của ba. Năm nào trở về sau một đợt bán mai, ba cũng nói: Ba bán năm nay nữa thôi. Rồi năm sau chở mai vô, lại nghe ba nói: Ba bán năm nay nữa thôi!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.