Có thể vẫn còn một vài hạt sương ngụ trên mép lá, sáng lấp lánh như những ánh mắt nhìn tôi. Tôi tưởng tượng ra cả một vũ trụ kỳ vĩ ẩn trong vật thể bé nhỏ ấy. Cả trời đất còn có thể đặt gọn trên đầu sợi tóc, và cả nhật nguyệt có thể nhét vừa trong một hạt cải, như cách nói của Thiền sư Khánh Hỷ, thì cớ gì cái hạt sương trên mép lá kia không nhiếp cả muôn trùng vào đó được?
Có lần, trong một buổi ngó lá nhìn sương như thế, tôi sáng tác được bài thơ:
“Lặng nghe mai sớm gọi sương
Có con dế ngủ bên đường vô tư
Long lanh đôi mắt hiền từ
Biếc trong nhiếp cả thái hư muôn trùng!”
Đất trời thu gọn vào đôi mắt dế. Đẹp lắm chứ!
Nhưng mà, có vẻ như thầy tôi là người không thích thơ, chẳng mến sương và không ưa... lá. Lá ở đây mà tôi nói tới là lá vàng. Lá vàng rụng đầy cả một khoảng sân chùa. Thầy tôi bắt tôi quét cho kỳ sạch. Thậm chí thầy còn lấy sào chọc lá vàng cho nó rụng xuống rồi gọi tôi quét. Thầy la tôi lười biếng, có cái sân bé bằng bàn tay mà quét từ lúc công phu xuống cho đến khi mặt trời lên vẫn chưa xong. Thầy đâu biết tôi còn quán chiếu vũ trụ ở hạt sương trên mép lá. Thậm chí thầy còn không thèm liếc mắt xem bài thơ tôi sáng tác hay dở thế nào...
Nhưng, đó là chuyện đã trôi qua ngót 30 năm, lúc tôi còn là một chú điệu mộng mơ. Bây giờ, tôi hầu như không ngắm lá vàng cũng chẳng nhìn mây bay. Tôi thấy mình bận kinh khủng, dù nhiều khi đó chỉ là những chuyện không đâu vào đâu, được gán cho cái nhãn “Phật sự”.
Cuối năm, tôi về thăm thầy. Thầy đã yếu lắm rồi, không sao còn cầm nổi cái sào để chọc lá. Góc sân lá rụng đầy. Nhìn chiếc lá còn đọng sương, tôi không thấy càn khôn ở đó, chỉ thấy một thế giới tuổi thơ muôn trùng, thấy yêu thương chan đầy nơi cuống lá vàng cỗi, sắp sửa héo khô...