Con cái trong liên hệ cộng nghiệp với cha mẹ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ai cũng mong con cái ngoan hiền, hiếu thảo với cha mẹ và thành công trong cuộc sống. Hầu hết mọi người đều tin tưởng rằng, tình yêu thương và nỗ lực giáo dục nuôi dạy của cha mẹ sẽ khiến con cái nên người.

Tuy vậy, thực tiễn lại cho thấy có những trường hợp cha mẹ đã hết lòng nhưng phải đành bất lực vì con không hiếu thuận. Ngược lại, có trường hợp cha mẹ sinh con rồi vì nhiều nhân duyên mà dường như bỏ mặc, thiếu trách nhiệm nhưng con cái vẫn ngoan hiền và hiếu thuận. Thế nên người đời mới kinh nghiệm rằng “Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh”. Trời là nói theo quan niệm dân gian, thực chất là biệt nghiệp của con cái trong liên hệ cộng nghiệp với cha mẹ.

Không ai có thể chọn cho mình cha mẹ và một gia đình để sinh ra. Tại sao mình sinh ra trong gia đình của mình, với cha mẹ và anh chị em như vậy? Đây là một câu hỏi lớn với những người thường suy tư về thân phận. Không ít người cho rằng đó là số phận, là ngẫu nhiên, là ý chí của các đấng thiêng liêng. Đạo Phật với tuệ giác nhân duyên sinh thấy rõ mỗi cá nhân mang một biệt nghiệp (nghiệp riêng), và cha mẹ anh chị em là những người có cộng nghiệp (nghiệp chung) nên kết lại thành gia đình. Cha mẹ và con cái là biểu hiện sinh động của biệt nghiệp và cộng nghiệp. Dân gian diễn đạt rằng “con là nợ” cũng khá chính xác, nợ thì có tốt xấu, có trả có vay.

Kinh Tiểu bộ (kinh Phật thuyết như vậy, chương Ba pháp, phẩm 3), Đức Phật đã khái quát về ba hạng con cái, cũng là tổng quan về ba mối liên hệ giữa biệt nghiệp và cộng nghiệp của con cái với cha mẹ. Nói theo cách của dân gian, có hạng con cái đến để “trả nợ” và có hạng đến để “đòi nợ”.

“Này các Tỷ-kheo, có ba hạng con trai này xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Ưu sanh, tùy sanh và liệt sanh.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là người con trai ưu sanh? Ở đây, cha mẹ của người con không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới theo ác pháp. Còn người con trai của họ quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp”.

Hạng ưu sanh là những người con sinh ra trong môi trường khá bất hạnh, cha mẹ không tu dưỡng đạo đức, sống theo ác giới và ác hạnh. Lẽ thường, khi cha mẹ không thực hành đạo đức (không giữ năm giới) thì những gia đình này khá bất ổn, nhiều trục trặc, cha mẹ không làm gương sáng nên con cái vì thế cũng bị ảnh hưởng theo. Thế mà con cái của họ vẫn đàng hoàng, hướng thiện và hiếu thuận; con cái không than van hờn trách mà tự phấn đấu học tập để vươn lên, phụng sự cha mẹ với tâm hoan hỷ. Gọi những người con này là ưu sanh chính vì lẽ này. Dù trường hợp này trong xã hội không nhiều, dưới góc độ nghiệp chung, có thể thấy rõ ràng những người con này kết duyên với cha mẹ để “trả nợ”.

“Này các Tỷ-kheo, thế nào là người con trai tùy sanh? Ở đây, cha mẹ của người con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp. Người con trai của họ cũng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp”.

Hạng con cái tùy sanh thì dễ hiểu. Cha mẹ và con cái có cộng nghiệp thiện lành. Nhờ giữ gìn và phát huy các nền tảng đạo đức, cha mẹ tiếp tục giáo dục con cái đi theo truyền thống tâm linh và đạo đức của gia đình. Những gia đình này khá an ổn, hòa thuận, trên dưới một lòng, mẹ cha gương mẫu, con cái hiếu thuận.

Tuy vậy, có một số gia đình khá bất hạnh, con cái không vâng lời, chẳng hiếu thuận khiến mẹ cha đau buồn. Dù cha mẹ là người thực hành đạo đức và tâm linh, nỗ lực nuôi dạy con mỗi ngày nhưng con cái chỉ sống theo sở thích, nghe theo bè bạn xấu ác bên ngoài, chẳng quan tâm đến các giá trị và thực hành đạo đức như cha mẹ thường dạy. Không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà những người con này còn vạ lây cho cha mẹ. Đó là hạng con cái liệt sanh.

“Này các Tỷ-kheo, thế nào là người con trai liệt sanh? Ở đây, cha mẹ của người con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp. Và người con trai của họ không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới theo ác pháp”.

Hạng con cái liệt sanh không phải là hiếm trong các gia đình hiện nay. Không phải cha mẹ chẳng gương mẫu, không yêu thương, thiếu trách nhiệm, ít quan tâm giáo dục mà ngược lại cha mẹ đều sẵn lòng dành mọi thứ cho con. Dĩ nhiên thực trạng này còn vì nhiều nguyên nhân khác nữa ảnh hưởng từ môi trường cộng đồng, xã hội làm thay đổi nhận thức, quan niệm sống của giới trẻ.

Những bậc cha mẹ thời hiện đại tôn trọng quyền tự do của con, không bắt buộc hay áp đặt khắt khe như ngày trước. Nhưng trải nghiệm thăng trầm cuộc sống giúp các bậc cha mẹ nhận ra rằng, con cái cần một điểm tựa tâm linh (với Phật tử là quy kính Phật-Pháp-Tăng và thờ phụng ông bà tổ tiên) và thực hành đạo đức căn bản (với Phật tử là giữ gìn năm giới quý báu) mới có thể thiết lập thành công, an vui và hạnh phúc lâu dài. Mong mỏi sâu thẳm nhất của cha mẹ là con cái nên người, nhận ra những giá trị đạo đức cốt lõi này để quan tâm gìn giữ. Ngay cả mong ước giản đơn con cái bớt chơi bời, chăm lo học tập để xây dựng sự nghiệp cho bản thân cũng không như nguyện. Và tệ hại hơn, một vài người con trở thành gánh nặng, hệ lụy cho gia đình và cả xã hội.

Khi hoàn cảnh gia đình có con cái thuộc hạng liệt sanh, các bậc cha mẹ cũng không nên quá đau lòng. Hãy tự vấn mình đã thương yêu, giáo dưỡng hết lòng trong khả năng của mình hay chưa? Nếu đã tạm yên lòng về trách nhiệm thì hãy suy ngẫm sâu hơn về cộng nghiệp của mình với con cái. Đó là hạng con đến kết duyên để “đòi nợ”. Nhân quả-nghiệp báo liên tục luân chuyển, biệt nghiệp và cộng nghiệp ân oán lẫn nhau trùng trùng hình thành nên hiện thực khổ vui cho từng người, mỗi gia đình.

Những bậc cha mẹ thời hiện đại tôn trọng quyền tự do của con, không bắt buộc hay áp đặt khắt khe như ngày trước. Nhưng trải nghiệm thăng trầm cuộc sống giúp các bậc cha mẹ nhận ra rằng, con cái cần một điểm tựa tâm linh (với Phật tử là quy kính Phật-Pháp-Tăng và thờ phụng ông bà tổ tiên) và thực hành đạo đức căn bản (với Phật tử là giữ gìn năm giới quý báu) mới có thể thiết lập thành công, an vui và hạnh phúc lâu dài.

Sự “đòi nợ” của hạng con cái liệt sanh mang nhiều hình thức, cấp độ và thời hạn khác nhau tùy thuộc vào nhân duyên quá khứ và nỗ lực hiện tại của cha mẹ và cả con cái. Sau khi đã cố gắng yêu thương và khuyên bảo hết lòng, tha thứ bao dung cho những lỗi lầm của con cái, cha mẹ hãy bình thản chấp nhận thay vì quá đau khổ, sinh thêm tật bệnh. Sám hối những nghiệp chướng trong quá khứ, kham nhẫn với hiện tại, nỗ lực làm thêm việc lành, từng bước chuyển hóa cộng nghiệp xấu ác là một ứng xử tuệ giác.

Nhân quả luôn đúng đắn nhưng không cố định mà có thể bổ khuyết, bù trừ, tác động lẫn nhau. Giống như trong việc làm ăn, khi nợ xấu bao trùm thì cần bình tĩnh để tháo gỡ đúng hướng. Chán nản, đau khổ, tuyệt vọng không giải quyết được vấn đề. Kinh nghiệm dân gian quy kết “con hư tại mẹ” chỉ đúng một phần về phương diện giáo dưỡng trong hiện tại. Vì thực tiễn có nhiều bậc cha mẹ đã dày công thương yêu và nuôi dạy con cái nhưng không mấy thành công. “Con hư tại nghiệp” mới là nguyên nhân sâu xa. Khi lâm vào hoàn cảnh này, nếu các bậc cha mẹ cần quán thấu do những nghiệp duyên bất thiện trong quá khứ đang trổ quả mạnh mẽ lấn át nỗ lực giáo dục của cha mẹ hiện tại. Từ đó thực hành kham nhẫn, chấp nhận để sống nhẹ nhàng hơn, mở rộng tấm lòng đón nhận nghịch cảnh và từng bước vun bồi công đức để chuyển nghiệp.

Quá trình này, có gia đình không vượt thắng được nghiệp chướng đeo đẳng sâu dày nhưng chí ít họ cũng bớt dằn vặt, đau khổ và cắn rứt lương tâm trước thực trạng của con cái. Cũng có nhiều gia đình nhờ tìm đúng nguyên nhân và khắc phục được nên đã đi đến thành công, chuyển hóa được cộng nghiệp bất thiện từ con cái.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.