Ngày đó, đang học lớp 3, tôi ngồi bàn nhất, bạn ngồi bàn nhì. Áo trắng mà ngày nào tôi đi học về cũng bị dính mực sau lưng. Một hôm, tôi bắt “tại trận”, bạn cố tình để mũi viết ngay cạnh bàn, hễ tôi dựa lưng vào là “dính chấu”. Lần thứ nhất, tôi nhỏ nhẹ: “Bạn để viết vậy, dính mực áo mình”. Bạn nhe răng cười. Lần thứ hai: “Mình không thích giỡn kiểu vậy”. Bạn vẫn cười kiểu đắc chí. Và lần thứ ba thì… bạn đã hứng trọn bình mực tím của tôi. Hic… hic…!
Buổi chiều, cô giáo mời phụ huynh hai “đương sự” vào làm việc. Mẹ tôi thất kinh khi thấy bạn kia “tím rịm”. Mẹ rối rít xin lỗi cô giáo, xin lỗi ba của bạn kia, hứa là sẽ đền lại một chiếc áo trắng khác cho bạn. Cũng may là ba của bạn không làm khó, chỉ cười trừ: “Không sao, con nít mà!”.
Về nhà, mẹ bắt tôi nằm sấp lên giường, nhịp nhịp roi vào mông: “Đi học có việc gì thì thưa cô hoặc về nhà nói với ba mẹ. Tại sao dữ như vậy? Còn tái phạm nữa không?”. "Dạ không", tôi lí nhí. "Đánh một roi cho chừa nghe chưa" và mẹ đánh thật. Đó là lần đầu tiên tôi bị đòn mà bà ngoại không can kịp. Tôi khóc, thật ra, không phải vì bị đòn đau, cũng không hối hận vì đã tạt mực bạn kia lắm đâu (hì hì) mà vì tôi cảm thấy có lỗi khi để mẹ mình phải đi năn nỉ, xin lỗi người khác như vậy. Từ ngày đó, tôi đã tự hứa với lòng, không bao giờ để ba mẹ phải cúi đầu trước ai vì những sai phạm của mình như thế nữa.
Cũng buổi chiều, trên xe buýt, người mẹ dẫn đứa con trai vừa thi đậu đại học lên Sài Gòn tìm chỗ trọ để nhập học. Ở quê lên, đường sá không rành, bà đưa địa chỉ cho tiếp viên bán vé xe buýt: “Cho tui xuống đây”. “Bà xuống trạm nào, chứ đưa địa chỉ ai mà biết”, tiếp viên gắt. “Tui không biết, bên chỗ trọ cho địa chỉ này”, bà nài nỉ. Gặp phải nhà xe khó tính, họ đòi cho mẹ con bà xuống xe, nếu không biết trạm. Bà mẹ quýnh quáng: “Đừng, đừng, để tui gọi chỗ trọ hỏi kỹ lại”.
Cũng may là phía đầu dây bên kia người ta đã chỉ được trạm xuống cho mẹ con bà. Xe dừng, trời mưa lất phất, tôi nhìn qua kính xe, thấy người mẹ nắm tay đứa con trai, lấy nón lá của mình che cho con khỏi ướt… Bất giác, lời ru thuở nào vọng lại trong tôi: “Ầu ơ,… ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dẫn con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời… Ơ…ầu ơ…”.
2. Tôi đang ở chùa, mẹ gọi điện, giọng run run: “Ông Năm có kết quả xét nghiệm rồi, bị ung thư thời kỳ cuối”. Tôi buông điện thoại, thở dài, có lẽ phép mầu chỉ có trong những câu chuyện cổ tích với ông Bụt, bà tiên.
Ông Năm là cậu của mẹ, tôi gọi bằng ông cậu. Ông cùng gia đình sang Pháp định cư đã lâu. Những ngày đầu nơi xứ người, chỉ có một mình ông biết tiếng Pháp, nên ông phải đi làm để nuôi vợ và 4 đứa con. Những khó khăn, vất vả và cả sự tủi thân khi bị kỳ thị nơi đất khách, ông đều giấu nhẹm, sợ nói ra làm con mình buồn, nản chí. Có lần, trên đường đi làm về khuya, ông còn bị bọn người xấu chặn đường, xịt hơi cay để giựt túi xách. Một mình ông chống cự, cũng may, lần đó, ông không sao.
Khi cuộc sống dần ổn định, ông cố gắng chạy lo giấy tờ để bảo lãnh từng cô con dâu sang, rồi dựng vợ, gả chồng cho các con yên bề gia thất. Ông về hưu chỉ mong được sống gần con cháu để vui vầy và cũng để xoa dịu đi phần nào nỗi nhớ quê hương da diết. Nhưng tiếc thay… Ở với đứa con trưởng thì con dâu đổ thừa nhà chật chội; ở với đứa thứ ba, thì “ba mẹ dậy sớm, cứ lục đục hoài, con cháu không ngủ được”; cô con dâu thứ tư thì hứa sẽ lo chu đáo, nhưng cương quyết không ở chung; còn đứa con gái út thì kẹt “thằng rể”… Quay qua, ngoảnh lại, cuối cùng, ông bà phải thuê nhà trong khu dành cho người già neo đơn. Dù rằng những người con của ông bà đều thay phiên nhau đến thăm, nhưng có lẽ, nỗi đau bị con cái bỏ rơi ở tuổi xế chiều là một vết xước rỉ máu trong tim ông, không thể nào vá víu cho lành lại được.
Có lần, ông kể với tôi, ông chưa bao giờ quên sự dằn hắt những khi còn sống chung và nụ cười mỉa của cô con dâu trưởng ngày ông bà dọn đồ ra đi. Nhưng ông thương người con trai tật nguyền, sợ nói ra thì gia đình con lục đục, nên ông đành im lặng giả vờ cho qua.
Cánh cò cõng nắng qua sông
Chở luôn nước mắt cay nồng của cha…
Tôi nhớ, có một câu chuyện kể mà tôi đã từng đọc ở đâu đó, rằng: Có một người cha ở với con trai, con dâu và cháu trai bốn tuổi. Ông đã yếu, hai tay run rẩy, mắt mờ nên việc ăn uống khó khăn. Ông thường làm đổ cơm, đổ nước, bể chén dĩa,… Người con trai thấy thế, bèn làm cho ông một cái chén gỗ để ăn cho đỡ phiền hà.
Vào một buổi tối nọ trước bữa ăn, người cha thấy đứa con đang chơi với mấy miếng gỗ vụn trên sàn nhà. Anh ta dịu dàng hỏi đứa bé: “Con đang làm gì đấy?”. Cậu bé cũng nhẹ nhàng trả lời: “Ồ, con đang làm cái chén nhỏ cho ba và mẹ để ba mẹ ăn khi về già”. Rồi cậu bé vui cười tiếp tục công việc của mình…
Cuộc sống luôn vần xoay với những luân hồi vay - trả như thế. Giọt mưa trước tới đâu, giọt mưa sau sẽ tới đó. Chỉ có điều, giọt mưa sau bao giờ cũng phũ phàng và quất rát mặt hơn giọt mưa trước… Thế thôi!
Sẽ không có bút mực, ngôn từ nào có thể diễn tả hết tình yêu thương, sự hy sinh vô bờ bến của cha mẹ dành cho những đứa con của mình. Dù đẹp hay xấu, dù sang hay hèn, dù thành công hay thất bại,… đối với cha mẹ, những đứa con luôn là trân bảo.
Một mùa Vu lan - Báo hiếu đã khép lại với những nỗi niềm riêng, tâm tình riêng. Nhưng chỉ mong sao giữa dòng đời ngược xuôi tấp nập, tôi, bạn và chúng ta luôn khắc ghi hình bóng, công ơn cha mẹ trong tim, trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động của mình, chứ đừng chỉ rưng rưng lau dòng lệ nhỏ qua những dòng cảm niệm được nhắc nhở, khơi gợi mỗi độ Vu lan về hay ngậm ngùi tiếc thương khi phải cài đóa hồng trắng trên ngực áo. Bởi lẽ, Vu lan, không chỉ có một mùa…