Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2020, hàng triệu học sinh phải tự học tại nhà, một nhóm các nhà nghiên cứu của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tự hỏi liệu các phương pháp thực hành chánh niệm từ xa, dựa trên nền tảng của các ứng dụng có thể mang lại những lợi ích tương tự hay không. Cuối cùng, một nghiên cứu vào năm 2020 và 2021 cho thấy rằng những đứa trẻ sử dụng ứng dụng chánh niệm tại nhà trong vòng 40 ngày sẽ cải thiện được một số vấn đề thuộc sức khỏe tâm thần, bao gồm giảm thiểu căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực như cô đơn và sợ hãi.
Các phát hiện cho thấy rằng các can thiệp của phương pháp chánh niệm từ xa thông qua các ứng dụng, có khả năng tiếp cận số lượng trẻ em lớn hơn so với các phương pháp tiếp cận trực tiếp như khi học ở trường lớp.
John Gabrieli, giáo sư khoa học não bộ và nhận thức tại MIT, và cũng là người thực hiện nghiên cứu này đã cho biết trên tạp chí Mindfulness: “Có rất nhiều bằng chứng khoa học có sức thuyết phục cao về việc chánh niệm có thể hỗ trợ và nâng cao sức khỏe tinh thần của cả trẻ em lẫn người trưởng thành”.
Các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Gabrieli gần đây cũng báo cáo rằng những đứa trẻ thể hiện mức độ chánh niệm sâu hơn sẽ có khả năng phục hồi cảm xúc tốt hơn trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. “Ở một mức độ nào đó thì tác động của Covid nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta, nhưng cách chúng ta nhìn nhận và phản ứng lại nó có thể kiểm soát được thông qua phương pháp chánh niệm”. Isaac Treves, sinh viên của MIT và cũng là người cùng thực hiện nghiên cứu, cho biết.
Khả năng hồi phục trong đại dịch
Sau khi đại dịch bắt đầu vào đầu năm 2020, phòng thí nghiệm của Gabrieli đã quyết định tìm hiểu sự ảnh hưởng của chánh niệm đối với trẻ em khi chúng phải nghỉ học và cách ly với bạn bè. Các nhà nghiên cứu đã khám phá xem liệu chánh niệm có thể thúc đẩy khả năng phục hồi cảm xúc ở trẻ em từ những vấn đề tiêu cực (như thất vọng, cô đơn hay chán nản) do đại dịch gây ra hay không.
Làm việc với nhóm học sinh từ 8 đến 10 tuổi, các nhà nghiên cứu đã đo lường chánh niệm của trẻ em bằng cách sử dụng một đánh giá cơ bản để nắm bắt xu hướng cảm giác tự dằn vặt, suy ngẫm về những suy nghĩ tiêu cực và kìm nén cảm xúc của trẻ.
Các nhà nghiên cứu cũng đặt câu hỏi cho trẻ về mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của chúng, cũng như các câu hỏi để đánh giá mức độ lo lắng, trầm cảm, căng thẳng và cảm xúc tiêu cực như lo lắng hoặc sợ hãi của trẻ.
Kết quả là trong số những đứa trẻ thể hiện mức độ chánh niệm sâu sắc, hầu như chúng không bị tác động bởi đại dịch và hiếm khi vấp phải những cảm xúc tiêu cực hơn nhóm trẻ có mức độ chánh niệm thấp hơn. Nhóm thứ nhất ít có khả năng bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực hoặc tự trách mình về những điều tiêu cực mà chúng đã trải qua trong đại dịch.
“Bài báo cáo này là nỗ lực của chúng tôi hướng đến việc xem xét việc áp dụng phương pháp chánh niệm trong bối cảnh Covid và lợi ích của chánh niệm đối với trẻ em khi hoàn cảnh thay đổi. Không phải là chúng ta không nên lo lắng về đại dịch mà là mọi người, cho dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, cũng hãy giúp con em mình sống có chánh niệm”. Treves cho biết.
Can thiệp từ xa
Dựa vào nghiên cứu trên, các nhà khoa học sau đó đã thiết lập một dự án nghiên cứu xem liệu sự can thiệp từ xa dựa trên các ứng dụng có thể tăng cường chánh niệm và cải thiện sức khỏe tinh thần một cách hiệu quả hay không.
Đối với nghiên cứu mới, được đăng tải gần đây trên Mindfulness, các nhà nghiên cứu đã chia trẻ ra thành ba nhóm, mỗi nhóm khoảng 80 học sinh.
Một nhóm đã được đào tạo chánh niệm thông qua một ứng dụng được thiết lập bởi Inner Explorer, một tổ chức phi lợi nhuận phát triển các chương trình thiền định tại trường học. Những đứa trẻ đó được hướng dẫn tham gia tập luyện chánh niệm năm ngày một tuần, bao gồm các bài tập thư giãn, bài tập thở và các hình thức thiền định khác.
Với mục đích so sánh, nên hai nhóm còn lại được yêu cầu sử dụng một ứng dụng để nghe sách nói (không liên quan đến chánh niệm). Một nhóm chỉ đơn giản là được cung cấp ứng dụng sách nói và được khuyến khích nghe theo tốc độ của riêng chúng, trong khi nhóm còn lại cũng có các cuộc họp trực tuyến hàng tuần với người hướng dẫn.
Vào cuối đợt khảo sát, trẻ em trong nhóm chánh niệm cho thấy một số cải thiện rõ rệt mà các nhóm khác không có, bao gồm giảm căng thẳng đáng kể hơn. Họ cũng phát hiện ra rằng các bậc cha mẹ trong nhóm chánh niệm báo cáo rằng con cái họ đã thực sự giảm thiểu đáng kể nhóm cảm xúc tiêu cực như tức giận và buồn bã. Những học sinh thực hành các bài tập chánh niệm trong nhiều ngày nhất thu được nhiều lợi ích hơn. Những tác động tiêu cực từ bên ngoài hầu như không ảnh hưởng quá nhiều đến chúng, và chúng vẫn giữ được sự vui vẻ mỗi ngày.
Nhìn chung, những kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc đào tạo chánh niệm từ xa thông qua các ứng dụng cũng có thể giúp ích cho trẻ em, đặc biệt là khi trẻ thực tập kiên trì một phương pháp nhất quán và nhận được sự khuyến khích từ cha mẹ.
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Sáng kiến Chan Zuckerberg, Viện Y tế Quốc gia và Quỹ Khoa học Quốc gia.