"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Độc cùng chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử (Xá-lợi-phất). Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.
Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử đi chẳng bao lâu, cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn dạy:
- Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được. Xá-lê Tử, thầy nên xác nhận rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không còn sinh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sinh tử nữa. Sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau.
…
Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử tự niệm tưởng Giới, giới này không sứt mẻ, không rách nát, không ô uế, không cấu bẩn, vững như mặt đất, không hư vọng, đó là điều mà Đức Phật ngợi khen, thọ trì đầy đủ tốt đẹp. Người ấy tự nhớ nghĩ giới như vậy, nếu có những điều ác dục, liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, sầu khổ, nhớp nhơ, âu lo cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử duyên vào giới, tâm định được hỷ. Nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ tư, đối với hiện pháp lạc trú dễ được chứ không phải khó được.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Ưu-bà-tắc, số 128 [trích])
Tâm tăng thượng nghĩa là tâm được định tĩnh, an trú, định tâm. Kinh tạng Pàli, vị Thánh đệ tử tùy niệm giới như sau: “Giới không bị bể vụn (như tấm vải rách hai đầu), không bị sứt mẻ (như tấm vải bị thủng ở giữa), không bị vết chấm (như tấm vải bị vá chồng lên), không có uế tạp (lốm đốm), đưa đến giải thoát (thoát khỏi sự nô lệ cho dục ái), được người trí tán thán, không bị chấp thủ (không liên hệ với dục và tà kiến), đưa đến thiền định (định cận hành hoặc an chỉ)”. Niệm giới trong kinh tạng A-hàm tuy có chút khác biệt về từ ngữ nhưng đại thể vẫn tương đồng.
Niệm giới là luôn nhớ nghĩ đến các giới luật đã thọ. Thấy hiểu được các phương diện và lợi ích của thọ trì giới pháp. Giữ giới để ngăn chặn bản thân sa ngã vào đường ác. Giữ giới trọn vẹn sẽ giúp tâm an tịnh và hoan hỷ. Giữ giới là nền tảng của việc thành tựu chánh định. Khi chuyên tâm vào việc niệm giới, hành giả được tám lợi ích: “Tôn trọng các học pháp, sống hòa hợp với những bạn đồng phạm hạnh, chuyên cần chào đón, không tự trách mình, thấy sự sợ hãi trong những lỗi nhỏ, đạt đến viên mãn về tín, có nhiều hạnh phúc an lạc, nếu không đạt đến quả vị gì cao hơn thì ít nhất vị ấy cũng hướng đến một cõi lành”.