Những việc đã làm có thiện và bất thiện. Có những việc xấu, việc ác mình trót đã làm, khi nhìn lại, nhớ lại mình sinh tâm hối hận, ăn năn, tâm sở này là thiện; nhưng cũng với việc xấu, việc ác ấy mà mình không làm, khi nhìn lại, nhớ lại mình thấy đã tuột mất cơ hội, mình thấy tiếc, tâm sở này là bất thiện.
Trong trường hợp đối với những việc thiện lành, như báo hiếu cha mẹ, quy y Tam bảo, bố thí cúng dường… mình không chịu làm, sau đó khởi tâm truy hối, mình nhớ lại, thấy hối tiếc vì đã đánh mất cơ hội làm việc thiện lành, tâm sở này là thiện; nhưng cũng với việc thiện lành ấy mình đã làm, sau đó sinh tâm hối hận, mình nhớ lại thấy không ưa, tâm sở này là bất thiện.
Như vậy, cùng một tâm sở hối hay ố tác, nhưng có khi thiện, có khi bất thiện, nên gọi là tâm sở bất định. Với việc thiện mà mình chưa làm hay chưa kịp làm và với việc xấu ác đã làm rồi sinh tâm truy hối, thấy tiếc, thấy hối hận thì tâm sở này là thiện, rất đáng quý, cần nuôi dưỡng và phát triển. Nhưng trong cuộc sống có đôi khi người ta không hối hận với việc xấu ác đã làm, hay cảm thấy tiếc nuối hoặc ray rứt khi không làm, chưa làm một việc tốt đẹp nào đó, mà nhiều người lại cảm thấy không ưa thích, cảm thấy hối tiếc với những việc thiện đã làm. Trưởng giả Sa-đề trong câu chuyện được kể trong kinh Tăng nhất A-hàm sau đây là một ví dụ.
Trưởng giả Sa-đề, một người giàu có, của cải vô lượng, lại không con cái, nhưng tham lam keo kiệt, không dám ăn, không dám mặc, chẳng dám tiêu xài. Sống trên đống tài sản kếch xù nhưng chỉ ăn cơm hẩm, mặc áo vá, lại chẳng bao giờ chia sẻ, giúp đỡ hay chu cấp cho cha mẹ, người thân… Sau khi trưởng giả Sa-đề qua đời, vì không con cái, gia sản bị nhà vua trưng dụng, sung vào công quỹ.
Tại sao trưởng giả Sa-đề giàu có mà lại sống nghèo hèn như vậy? Vua Ba-tư-nặc, người dân trong nước, cũng như các thầy Tỳ-kheo đều thắc mắc, và không biết sau khi qua đời Sa-đề sẽ tái sinh vào đâu, nên cùng nhau đến hỏi Đức Phật.
Đức Phật cho biết, vào thời quá khứ xa xưa, thời Phật Ca-diếp, trưởng giả Sa-đề ở trong thành Xá-vệ là con một nhà nông. Sau khi Phật Ca-diếp nhập diệt, có vị Bích-chi Phật (Độc giác) xuất hiện ở đời, đến nhà của anh nông dân này khất thực. Khi anh nông dân thấy vị Bích-chi Phật đứng ở trước cửa, liền nghĩ thầm: “Như Tôn giả này xuất hiện ở đời rất khó. Nay ta hãy đem đồ ăn thức uống đến bố thí cho người này”.
Bấy giờ, anh nông dân bố thí cho vị Bích-chi Phật kia. Vị Bích-chi Phật ăn xong, liền bay lên hư không mà đi. Khi anh nông dân thấy vị Bích-chi Phật hiện thần túc, liền phát thệ nguyện như vầy: “Nguyện đem gốc thiện này, khiến cho đời đời sinh ở chỗ nào cũng không đọa vào ba đường dữ, thường được nhiều của báu”. Tuy nhiên sau đó bỗng nhiên lại sinh tâm hối tiếc: “Những thức ăn vừa rồi đáng lẽ thí cho nô bộc chứ không cho đạo nhân đầu trọc này ăn”. Anh nhà nông thuở đó nay chính là trưởng giả Sa-đề này!
Trưởng giả Sa-đề thấy vị Bích-chi Phật thì phát tâm cung kính, cúng dường, dù chỉ một bát cơm. Thấy Bích-chi Phật hiện thần thông thì phát nguyện hồi hướng công đức khiến cho đời đời sinh ra ở chỗ nào cũng không đọa vào ba đường dữ, thường được nhiều của báu. Do cái nhân này nên ông không bị đọa đường dữ, sinh nhà phú quý, lắm của nhiều tiền, không thiếu thốn thứ gì. Nhưng sau đó lại sinh tâm hối tiếc, do vì nguyên nhân này nên dù ông rất giàu có mà chẳng hưởng thụ được gì, cũng không thích sống trong năm dục.
Bản thân ông không cúng dường, lại không cho cha mẹ, anh em, vợ con, tôi tớ, bạn bè, thân thích; không bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, các vị tôn trưởng. Ông chỉ thừa hưởng nghiệp cũ mà không tạo thêm nghiệp mới, do vậy, sau khi chết ông bị đọa vào địa ngục Thế khốc. Đức Phật sau khi kể lại câu chuyện liền khuyến tấn vua Ba-tư-nặc: “Đại vương! Cho nên, người có trí được của cải hãy ban thí rộng khắp, đừng có tiếc nuối”.
Câu chuyện cho chúng ta thấy, cùng một việc thiện lành, đó là thấy người tu thì phát tâm cung kính, cúng dường, nhưng lại đưa đến hai quả báo trái ngược nhau, nguyên nhân là do sự truy hối của tâm có thiện và bất thiện. Với tâm thiện, tức là tâm cung kính, tâm hoan hỷ, việc bố thí cúng dường đưa đến quả báo giàu sang, đầy đủ tiện nghi vật chất; với tâm bất thiện, tức là sinh tâm hối hận, tiếc nuối sau khi bố thí, cúng dường đưa đến quả báo sống trên khối tài sản mà không thể hưởng thụ, thậm chí còn không thể chia sẻ tài sản ấy cho ai, dù là cha mẹ, vợ con, anh em, thân thích, bạn bè.
Nhân quả rất rõ ràng. Gieo nhân nào gặt quả nấy. Bố thí cúng dường là cái nhân cho quả báo được giàu sang phú quý. Bố thí cúng dường rồi sinh tâm hối hận, tiếc nuối thì quả báo giàu sang phú quý không mất; dù vẫn giàu sang nhưng với tâm hối hận, tiếc nuối đã tạo quả báo câu hữu với nó là tham lam keo kiệt với chính bản thân mình.
Cho nên sống trên khối tài sản lớn mà không hưởng thụ được gì, chỉ ăn cơm hẩm, mặc áo vá, chẳng có tâm sẻ chia nên đoạn mất căn lành, sau khi chết tái sinh vào địa ngục Thế khốc. Giống như người nhà nông chỉ thu hoạch mà không gieo trồng vụ mùa sau, nên sau khi tiêu dùng hết lại bị khốn cùng, đói nghèo cho đến chết. Vì sao vậy? Vì chỉ tiêu dùng sản nghiệp cũ mà không tạo dựng sản nghiệp mới. Trưởng giả Sa-đề cũng như thế, chỉ hưởng phước cũ mà không tạo phước mới.
Cho nên, với việc bất thiện trót đã làm, sự truy hối của tâm đưa đến hành vi ăn năn, hối cải, sửa đổi lỗi lầm, nguyện không tái phạm là thiện tâm cần nuôi dưỡng; cũng với việc bất thiện nhưng chưa làm, sự truy hối của tâm đưa đến hành vi tiếc nuối là bất thiện tâm cần loại bỏ, diệt trừ.
Với việc thiện mà chưa kịp làm, như chưa báo hiếu cho cha mẹ… sự truy hối của tâm đưa đến hành vi ăn năn, tiếc nuối, ray rứt khi không còn cơ hội bởi cha mẹ đã qua đời, tâm sở này là thiện, cần nuôi dưỡng và rút ra bài học giáo dục cho con cháu thế hệ tương lai; cũng với việc thiện, đã làm rồi, như bố thí cúng dường cho ngôi chùa nào đó, cho vị Tăng Ni nào đó… sự truy hối của tâm đưa đến hành vi hối hận, tiếc nuối, tâm sở này là bất thiện cần loại bỏ, đoạn trừ.
Thiết nghĩ, trong trường hợp sau cùng, đã làm được việc thiện mà sau đó vì nhiều lý do dẫn đến không ưa, hối tiếc thì tâm sở này là bất thiện, nhiều người còn vướng mắc. Ở đâu đó trong cuộc sống này, thi thoảng chúng ta sẽ bắt gặp những người đã từng đi chùa hộ trì Tam bảo, những người đã từng hăng say làm công tác từ thiện… rồi vì một lý do nào đó, khiến mất đi niềm tin, quay lưng với Tam bảo, hối hận về việc tốt đã làm, thậm chí phỉ báng cả Tam bảo. Thật đáng tiếc thay!
Hãy nhớ rằng, Sa-đề chỉ cúng dường cho người xuất gia một bữa cơm, rồi sau đó sinh tâm hối tiếc, nhân quả vẫn phân minh rõ ràng. Do cúng dường một bữa cơm, Sa-đề hưởng phước báo sinh ra trong gia đình giàu có, của cải dư thừa. Vì hối tiếc, Sa-đề có của cải vật chất mà không hưởng thụ được, bởi tâm hối tiếc tạo nên bản tính tham lam, keo kiệt với chính bản thân mình, suốt đời ăn cơm hẩm, mặc áo vá; sau khi qua đời, tài sản bị sung công, lại đọa vào địa ngục. Tất cả đều do tâm tạo mà thôi!
Còn nhớ, tiền thân của Tôn giả A-na-luật từng là một người nông dân nghèo khó, sống bằng việc lượm mót, nhờ có nhân duyên cúng dường một bữa ăn cho Bích-chi Phật Vô Hoạn mà bảy lần được sinh lên trời, được làm Thiên vương; bảy lần tái sinh vào loài người lại làm bậc Nhân chủ; rồi được tái sinh vào dòng họ Thích, giàu có vô cùng; lại được xuất gia; sau khi xuất gia được vua chúa, vương thần, Bà-la-môn, cư sĩ và dân chúng thấy là tiếp đãi; bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di thấy thì kính trọng… Tất cả phước báo ấy đều nhờ vào việc cúng dường một bữa cơm với tâm thanh tịnh, trước sau đều hoan hỷ.
Cho nên, đã bố thí cúng dường rồi, đừng hối tiếc. Vì sự hối tiếc sẽ khiến bạn trở thành người giàu có mà ích kỷ, keo kiệt, bần tiện!