Biết pháp, biết nghĩa, biết thời

0:00 / 0:00
0:00

GN - Ai cũng biết muốn tu thì phải học tập giáo pháp. Nếu không học mà cố gắng tu thì gọi là tu mù, có thể tu sai với Chánh pháp.

Đức Phật đã xác định trong bảy pháp “được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận” thì trước cần phải biết pháp, biết nghĩa và biết thời.

buddha-5144187_1280.jpg

Để được an lạc, từng bước đoạn trừ phiền não, đệ tử Phật cần lần lượt tu học: Biết pháp, biết nghĩa và biết thời

“Một thời Đức Thế Tôn du hóa tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng lâm vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là: 1-Biết pháp, 2-Biết nghĩa, 3-Biết thời, 4-Biết tiết độ, 5-Biết mình, 6-Biết chúng hội và 7-Biết sự hơn kém của người.

1- Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết pháp? Nghĩa là Tỳ-kheo biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo biết pháp. Nếu Tỳ-kheo không biết pháp, tức không biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Tỳ-kheo như vầy là không biết pháp. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp, đó là biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp.

2- Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết nghĩa? Nghĩa là Tỳ-kheo biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo biết nghĩa. Nếu Tỳ-kheo không biết nghĩa tức là Tỳ-kheo không biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia; không biết điều này có nghĩa như thế kia, điều kia có nghĩa như thế này. Tỳ-kheo như vậy là không biết nghĩa. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ nghĩa, đó là biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo khéo biết rõ nghĩa.

3- Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết thời? Đó là Tỳ-kheo biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo biết thời. Nếu có Tỳ-kheo không biết thời tức là không biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Tỳ-kheo như vậy là không biết thời. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ thời, đó là biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ thời.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Thiện pháp, số 1 [trích])

Biết pháp tức tìm hiểu, học tập 12 bộ kinh, nói rộng ra là toàn bộ giáo pháp của Thế Tôn. Biết nghĩa là nắm được tôn chỉ, ý chỉ lời Đức Phật dạy trong mỗi bài kinh, từng pháp thoại, tức thông hiểu giáo nghĩa căn bản của ba tạng Kinh-Luật-Luận.

Biết thời là sau khi đã biết pháp và biết nghĩa thì vận dụng vào sự tu tập hàng ngày. Tùy thuộc vào nghiệp lực, căn cơ, hoàn cảnh của mỗi người, của từng hội chúng mà có pháp tu khác biệt nhau. Pháp vốn bình đẳng, không cao thấp nhưng vì con người khác nhau nên chọn lựa (trạch pháp) cho mình một pháp môn tu thích hợp là điều vô cùng quan trọng. Nếu không biết thời thì sẽ khó tu tiến. Dụng công nhiều mà kết quả không cao.

Vì thế, để được an lạc, từng bước đoạn trừ phiền não, hàng đệ tử Phật cần lần lượt tu học: Biết pháp, biết nghĩa và biết thời (ba pháp đầu tiên của bảy pháp).

Quảng Tánh / Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.