Bến phà Chèm

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bến phà ngày xưa không còn nữa nhưng hình bóng của một thời tuổi thơ nghèo khó lam lũ bên bến sông thì vẫn còn vẹn nguyên với đầy ắp kỷ niệm.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1185 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1185 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Làng tôi nằm bên vạt bãi bồi ven con sông Hồng quanh năm ngầu đỏ phù sa, nơi có bến phà Chèm nổi tiếng đã đi vào thi ca của cố nhà thơ Huy Cận với bài Tràng giang, như một dấu ấn khó có thể mờ phai, nên tuổi thơ tôi cũng như bao thế hệ người của làng đều có đầy ắp những kỷ niệm về hình ảnh của những chuyến phà, những con đò nhịp nhàng đưa rước khách vượt qua sông đêm, ngày hối hả...

Ngày tôi sinh ra, cầu Thăng Long vẫn còn chưa có, mà khi đó chỉ có cầu Long Biên cách cả hơn chục km phía dưới hạ lưu, chính vì thế mà bến phà Chèm là nơi trung chuyển quan trọng của tất cả các phương tiện giao thông, cũng như mọi người từ nội thành Hà Nội tới các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Vì làng nằm ở ngoài sông, và chủ yếu là dân chài vãng lai nên nên dân làng tôi không có đất nông nghiệp để canh tác, mà sống chủ yếu vào nghề chài lưới với con tôm, con cá đánh bắt dưới sông. Ngay cả cái tên làng cũng rất mộc mạc và bình dị như chính sự quần tụ của những người có cùng nghề và cảnh ngộ, đó là làng Chài!

Nhưng khi tôi lớn lên, gia đình tôi không còn sống bằng nghề bám vào sông nước nữa mà cha mẹ tôi đã chuyển qua kinh doanh buôn bán nông thổ sản từ vùng ven ngoại vào trung tâm nội đô. Bến phà Chèm càng trở nên gần gũi và thân quen hơn với tôi, khi năm tôi lên 9 bà nội bắt đầu mở quán bán hàng thuốc, nước cho khách chờ phà qua sông. Vì học nửa buổi nên nửa ngày còn lại tôi vẫn phụ giúp nội bán hàng, và đôi khi còn thay nội quán xuyến quán hàng cả ngày luôn nếu như hôm đó bà có công chuyện hay cỗ bàn gì đó!

Hàng ngày, cứ tầm 5 giờ sáng là bến phà mở cửa đón khách cho chuyến đầu tiên, thì nội thường phải dậy sớm để dọn bàn ghế, bày biện hàng hóa trước đó cả tiếng đồng hồ. Nhiều hôm nội đánh thức tôi dậy phụ giúp dọn hàng, trong khi vẫn còn ngái ngủ, hai con mắt nhập nhèm.

Dịp đầu do chưa quen dậy sớm nên tôi hay lè nhè, chẳng muốn dậy để làm giúp nội. Về sau, thấy nội già rồi mà quá vất vả nên tôi trở giấc ngay mỗi khi nghe thấy tiếng gọi khe khẽ: “Dậy dọn hàng giúp nội nghe con!”. Bao giờ cũng vậy, cứ bê được mấy chiếc ghế băng dài, chiếc bàn kê ngay ngắn và bày biện mấy lọ kẹo lạc, kẹo vừng, cùng mấy gói thuốc lào… xong, là tôi lại trở vào giường lăn quay ra ngủ cho đến khi mặt trời lên cao mới thức dậy.

Lớn hơn chút nữa, năm vào cấp hai, do bố mẹ thường xuyên vắng nhà do công việc buôn bán từ sáng tới tối khuya mới về, và vì nữa là nội đã già yếu hơn nên tôi cùng đứa em phải thường xuyên đảm nhận công việc dọn hàng bán hàng nước. Nội tôi lúc này chỉ đóng vai phụ giúp nếu như lúc nào nội cảm thấy khỏe khoắn thì mới ra ngồi bán hàng mà thôi.

Tôi học sáng, nhiệm vụ của tôi là dọn hàng xong để em trai ngồi bán và đi học. Buổi chiều tôi lại phải thay em bán quán hàng để nó tới trường. Công việc không đến nỗi vất vả nhưng thời gian gò bó khiến nhiều lúc tôi có ý định bảo nội “dẹp” luôn cái quán trà nước ngoài bến cho đỡ mệt! Thế nhưng, khi nghĩ lại tôi thấy thu nhập từ cái quán cóc nhỏ xíu hàng ngày này cũng là kha khá, và phần nào cũng phụ giúp được chút ít cho sự mưu sinh vất vả của bố mẹ, nên chị em chúng tôi đều cố gắng lao động.

Công việc bán hàng có vẻ nhàm chán, buồn tẻ ấy dần dà cũng khiến tôi quen và… mê, bởi tôi biết có nhiều hôm vì một lý do công việc gì đó mà không ra được bến là nhớ nao lòng hình bóng của những hành khách qua phà, những khách hàng của quán nước…, rồi tiếng xình xịch của máy chạy phà, tiếng gọi đò muộn của khách qua sông khi phà đã đóng bến…

Vâng, tuổi thơ tôi gắn trọn với bến phà này và mãi cho đến năm 16 tuổi tôi mới theo gia đình đi lập nghiệp ở một miền quê mới vì thế có rất nhiều, rất nhiều những kỷ niệm về bến phà này sẽ không bao giờ mờ phai trong ký ức…

Bến phà Chèm cũng đã đi vào dĩ vãng từ lâu khi cầu Thăng Long hoàn thành những năm sau này, và giờ nhắc đến bến phà này chắc nhiều người của thế hệ trẻ ngày hôm nay không hề biết song thế hệ của tôi, của nhiều người của gần hai chục năm về trước thì nơi này đều đã quá thân quen, vì ai cũng đã có đôi ba lần phải qua đây…

Gần đây, khi trở về thăm quê cũ, tôi tần ngần dạo gót quanh quẩn nơi mà ngày xưa tấp nập người xe ngày đêm qua sông, và nơi có cái quán nước nhỏ xinh đã góp phần ít nhiều nuôi chị em chúng tôi lớn khôn mà lòng thấy bùi ngùi. Một nỗi buồn man mác thoảng qua khi những kỷ niệm, những ký ức tuổi thơ cứ hiện về như một thước phim dài bất tận quay chậm.

Bến phà ngày xưa không còn nữa nhưng hình bóng của một thời tuổi thơ nghèo khó lam lũ bên bến sông thì vẫn còn vẹn nguyên với đầy ắp kỷ niệm. Sự vắng lặng, im lìm của một bến phà đã trở thành hoài niệm, từng tấp nập đông vui là hình ảnh trái ngược với nhịp sống hối hả trên cây cầu Thăng Long phía xa xa…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.