Đưa mẹ qua sông…

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1169 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1169 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bà Mây ngồi trước cửa nhà con gái cả nhìn đàn cỏ sải cánh bay qua dòng sông Hồng. Trên trời những đám mây trắng xốp thong thả trôi dần về phía núi. Dưới chân bà xác pháo giấy lấp lánh bay tung tóe mỗi khi có cơn gió nào thổi đến.

Bà vịn ghế đứng dậy, lấy chiếc chổi chầm chậm quét đi xác pháo. Sáng nay, đứa cháu gái đã đi lấy chồng. Bà vừa thấy nhẹ nhõm vừa trống trải trong lòng. Tối đó, lúc ngồi ăn cơm bà bảo con gái cả:

- Chắc mai mẹ về bên nhà thu xếp gọn gàng, vài hôm nữa mẹ sang chùa ở làm công quả.

- Thì bao năm nay mẹ vẫn sang chùa làm công quả đều đặn đấy thôi.

- Nhưng lần này mẹ sang đó ở luôn. Sư thầy bên ấy già yếu, đêm hôm trái gió trở trời không ai biết đấy là đâu. Chùa cũng ít Phật tử qua lại mà việc thì nhiều. Mẹ qua đấy ở luôn khỏi phải ngày hai lần chờ đò vất vả.

- Nhưng mẹ cũng có tuổi rồi, đêm hôm ở bên đấy con không yên tâm được. Chùa vắng, nhà dân thì xa. Sư thầy thì cũng không còn đủ minh mẫn nữa. Điện thoại có khi bấm mãi cũng không gọi được. Lỡ có chuyện gì…

- Trời ơi, có xa xôi gì đâu con. Chùa ngay trước nhà, đứng bên này thì thấy bên kia. Con đừng lo.

Nói thì nói thế nhưng làm sao có thể không lo. Xuyên biết mẹ tha thiết được sang chùa từ nhiều năm trước. Khi ấy mẹ hay bảo: “Bao giờ các con lấy chồng hết thì mẹ sẽ quy y, sang sống trông nom dọn dẹp chùa”. Nhưng ước muốn của mẹ cứ bị níu lại bởi trách nhiệm với cháu con. Hết đứa lớn lấy chồng lại lo cho đứa bé. Lo hết cho con thì từng đứa cháu ngoại lần lượt ra đời. Mà chẳng đứa nào không đến tay bà ôm ấp, vỗ về, thuốc thang, bú mớm. Đẻ toàn con gái cứ tưởng gả chồng xong là nhàn. Nhưng thấy con mình vất vả đâu thể không đỡ đần, thu vén. Bà Sáu hàng xóm khuyên:

- Kệ chúng nó chị ạ. Ngày xưa mình một nách mấy đứa đâu có ai giúp gì mà vẫn nuôi chúng lớn. Chị vất vả cả đời rồi, giờ thích đi đâu cứ đi. Thích làm gì cứ làm.

- Trước đói khổ nhưng có mấy ai ôm con nhảy xuống sông đâu. Cũng chẳng biết thế nào là trầm cảm sau sinh. Giờ áp lực cuộc sống nhiều mà ngưỡng chịu đựng của tụi trẻ cũng giảm đi. Chị sợ mình không để tâm đến lúc có chuyện gì xảy ra thì ân hận không kịp nữa.

- Nghĩ như chị chỉ khổ cả đời.

Mẹ chỉ cười, nhấc thằng cháu ngoại lên hôn hít vào cái bụng trắng ngần của nó. Xuyên nhìn mẹ thương quá chừng thương. Chị cứ mải tất bật lo toan chuyện cơm áo gạo tiền, lúc ngoảnh lại tóc mẹ đã bạc rồi. Các con đi lấy chồng nhà rộng càng thêm rộng. Ban ngày bốn, năm đứa cháu tíu tít quây quần nhưng tối đến đứa nào về nhà nấy chỉ còn lại mình bà.

Trời nhập nhoạng tối, bà ngồi trước hiên nhà nhìn lũ dơi bay toán loạn ngoài sân. Vọng lại bên tai bà tiếng đàn gà chen chúc nhau lúc vào chuồng, tiếng chú chó dồn bắt chuột ngoài bãi dong riềng. Chút âm thanh cuối cùng của một buổi chiều tàn cũng chìm trong bóng tối. Ngay cả bà cũng bị bóng tối nuốt chửng không một dấu vết nào. Nếu như bà không đứng dậy với tay bật công-tắc điện. Thứ ánh sáng vàng hoe của chiếc bóng điện sắp hỏng khiến mọi thứ trở nên mờ ảo trong mắt bà. Nếu con mèo không kêu “ngoeo ngoeo” đòi ăn và con chó loanh quanh xem chừng đã đói thì bà cũng quên mất bữa tối của mình.

Chuyện lên chùa bà Mây cứ khất lần nữa mãi. Có lần đã thu xếp đầy đủ quần áo, thuốc men. Đã gọi Xuyên sang mang chó mèo về nuôi. Đã bán hết mấy đàn gà. Đã nhờ hàng xóm thỉnh thoảng ngó giùm nhà, nếu có gì thì gọi. Ấy thế mà cái tin thằng cháu ngoại đau ruột thừa phải mổ gấp khiến bà buông rơi tay nải, hớt hải nhờ người đèo lên bệnh viện đa khoa. Ở chăm cháu vài ngày thì đến cái giỗ nhà chồng cần phải cơm canh thờ cúng.

Lần khác bà tính không cần mang gì nhiều, càng chuẩn bị kỹ thì càng khó đi, chỉ cần vài bộ quần áo là xong. Ấy thế mà bước chân ra đến cổng chợt nhớ ra còn nợ người này người kia chưa kịp trả vậy là lại quay vào. Tính sáng hôm sau đi từng nhà trả cho hết nợ nần để thanh thản sang chùa.

Ai ngờ sáng hôm sau đứa con gái út nhắn “mẹ sang trông cháu hộ con mấy ngày. Cơ quan cử con đi công tác”. Lần khác tính đi thì thấy con chó xoay xở lót ổ đẻ. Lần khác đã toan gọi đò thì hội phụ nữ xóm gọi đi xới cỏ ven đường chào mừng ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Rồi con gái tự nhiên muốn đẻ thêm đứa thứ ba cho vui cửa vui nhà và thế là tóc bà lại bạc thêm một chút. Đến giờ đứa cháu ngoại lớn nhất cũng đã lấy chồng…

Xuyên nói:

- Ngày mai, để con đưa mẹ đi. Mà mẹ tính đi sáng hay chiều?

- Sáng mai mẹ đi sớm. Thôi, có đâu xa mà phải tiễn đưa nhau. Chùa ngay bên kia sông, mẹ qua đò là đến.

- Mẹ cần thêm gì không để con mua?

- Không cần mua bán gì đâu con. Vài bộ quần áo mang theo là đủ. Con cũng đừng nói gì với mấy đứa, mất công chúng can ngăn.

- Nhưng không nói sao được. Chuyện mẹ sang chùa ở đâu phải chuyện nhỏ.

- Thì cũng đâu phải là chuyện lớn. Để cho các em con chuyên tâm chuyện nhà chồng. Cả con nữa, cũng phải sống cho cuộc đời mình, đừng có quanh quẩn bên mẹ mãi.

Xuyên muốn nói gì đó mà không thể cất lời. Xuyên biết mẹ không muốn làm gánh nặng cho các con. Nhưng mấy chị em Xuyên chỉ có mẹ là chốn bình yên để đi về. Chùa thì ngay bên kia sông thôi chứ đâu xa. Nếu không vướng những tán cây cổ thụ trong vườn thì ngồi ở hiên nhà cũng có thể nhìn thấy chùa rõ mồn một.

Nhưng cứ nghĩ một buổi chiều nào đó tạt qua nhà mà không thấy mẹ đâu, cửa im ỉm khóa, bụi im ỉm phủ chắc là sẽ hụt hẫng và trống vắng. Khu vườn vẫn những mùa quả ngọt, các cháu về chắc sẽ hỏi bà đâu? Nghĩ đến đó thôi mà lòng Xuyên đã thấy nghẹn ngào. Ừ mà biết đâu sang chùa có sư thầy chuyện trò mẹ sẽ bớt buồn. Ở đó mẹ sẽ thấy thanh thản hơn cũng không phải vướng bận chuyện cháu con. Thôi thì cứ nghĩ thế đi để lòng nhẹ nhàng khi nhìn mẹ sang chùa.

*

Mờ sớm, bà Mây đã dậy lục đục thu xếp trong nhà, dù thật ra cũng chẳng có gì để thu xếp cả. Thắp mấy nén hương lên bàn thờ bà lẩm bẩm khấn ông bà tổ tiên và người chồng quá cố. Sợ không thể kìm chế cơn xúc động bà vội vàng khóa cửa lầm lũi đi ra cổng. Đúng lúc đó thì Xuyên đến, chị bảo:

- Còn sớm mà mẹ, làm gì đã có đò.

- Ở nhà cũng chẳng biết làm gì. Luẩn quẩn mãi sợ lại không đi được.

- Con có mang biếu mẹ lọ trà tâm sen. Mẹ quay vào nhà đi con đun nước pha uống thử.

Chưa bao giờ Xuyên mong ấm nước lâu sôi, ấm trà lâu nguội và trời lâu sáng tỏ như hôm nay. Bà Mây nhấp hụm trà thấy cái đắng vừa kịp lan khắp khoang miệng thì vị ngọt ứa ra. Ngày xưa chồng bà thích uống nhất trà sen pha bằng nước mưa đun sôi. Giờ đang cuối mùa sen, nếu còn sống chắc là ông đã dậy sớm bơi thuyền ra đầm hái sen rồi. Chẳng mấy mà đến mùa thu, sen hết, tàn dần dần rồi lụi. Ủ sẵn dưới lớp bùn một mùa vụ mới. Đời người có khi cũng vậy. Sống hết một kiếp rồi tàn, ủ sẵn trong luân hồi một kiếp sống khác. Ông chắc là đang thong thả thưởng trà đợi bà đâu đó. Bà cố gắng thoát khỏi mớ suy nghĩ hỗn độn bằng một cái rướn vai. Xuyên ngước lên nhìn mẹ hỏi:

- Mẹ có mang theo thuốc đau vai gáy đi không ạ?

- Đủ cả rồi con à.

- Cứ cuối tuần mẹ lại về chơi không các cháu lại mong.

- Ừ, thỉnh thoảng mẹ sẽ về.

Ngoài vườn những chú chim đã bắt đầu cất tiếng hót. Bên hàng xóm đã dậy, tiếng xoong nồi, cuốc xẻng va vào nhau. Ngoài đường tiếng xe đạp lọc cọc của những người đi chợ sớm vọng vào nghe vừa xa vừa gần. Bà Mây trút tiếng thở dài quay sang bảo Xuyến:

- Cái Hạnh nó lấy chồng rồi, thôi cũng coi như yên phận. Còn con, nếu thương ai thì về chung một nhà mà nương tựa nhau lúc tuổi già. Không phải lo gì cho mẹ cả. Mẹ nương tựa nơi cửa Phật, làm công quả hồi hướng phước báu cho con cháu. Mẹ vẫn còn khỏe lắm.

- Nhà có mẹ không ở. Mẹ phải để cho chúng con được chăm sóc mẹ lúc tuổi già chứ.

Xuyên hực lên một tiếng rồi bật khóc. Bà vỗ vỗ vào tay con an ủi:

- Thì nhà còn đây, mẹ còn đây có xa xôi gì đâu mà phải nghĩ ngợi. Chỉ cần các con sống tốt là mẹ yên lòng.

Đò sớm, chỉ có hai mẹ con bà đứng đợi. Ông lái đò như chưa tỉnh khỏi giấc mộng, dụi mắt nhìn mặt sông hỏi “trăng sao chưa mọc?”. Rồi như chợt bừng tỉnh,ông vội cởi dây buộc đò mời khách bước lên. Sông chảy êm đềm, mái chèo khua nước tạo thành những vệt sóng dài lan ra mãi. Ông lái đò cất giọng:

- Hai mẹ con bà đi đâu sớm thế?

- Mẹ con tôi sang chùa.

- Vậy cho tôi gửi lời hỏi thăm sư thầy nhé. Cũng đã lâu tôi không ghé chùa thưởng trà cùng sư thầy. Chùa nghèo, sư thầy sống cả một đời thanh bạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chùa hiện ra trước mặt, gần mà xa, xa mà gần. Một ngôi chùa không tên, nằm trên mảnh đất bồi ra gần nửa con sông. Nơi đây được gọi là eo gió, cũng là nơi chững lại của dòng chảy xiết trong mùa nước lớn. Những thanh gỗ từ đầu nguồn dạt vào. Thỉnh thoảng người ta còn tìm thấy cả xác người trầm mình xuống sông trên phía thượng nguồn, đã trôi dạt cả trăm cây số về đây. Có thể tiếng tụng kinh niệm Phật đã níu họ dừng lại ngay dưới chân chùa. Đò cập bến, ngước mặt lên những bậc đá xám thấy sư thầy đang lom khom quét chùa. Tiếng chổi va vào không gian tĩnh lặng của buổi sớm mai, loẹt xoẹt. Bà Mây quay ra bảo Xuyên:

- Đưa mẹ đến đây là được rồi. Tiện đò con về luôn đi.

Nói rồi bà quay bước đi lên chùa. Xuyên đứng đó nhìn mẹ bước lên những bậc đá xám rồi lẫn trong vòm xanh và những tiếng chuông chùa. Trong mắt chị còn lưu lại hình ảnh tóc mẹ như một vầng mây trắng thong thả bay vào cõi Phật…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.