GNO - Để giúp chư Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc có những thông tin căn bản về chăm sóc sức khỏe và y tế phổ thông phù hợp với môi trường tự viện, tư gia, đặc biệt với người có lối sống ăn chay thường ngày, Giác Ngộ Online đã mời Bác sĩ Phật tử Võ Khắc Khôi Nguyên (pháp danh Pháp Đức), Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 1, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park cộng tác, có những chia sẻ trên mục Y học - Sức khỏe.
Bác sĩ Phật tử Võ Khắc Khôi Nguyên |
Sau đây là những hướng dẫn của ThS.BSCK1 Võ Khắc Khôi Nguyên:
"Chúng ta đang trải qua đợt dịch bệnh phức tạp nhất từ trước đến nay. Dưới góc độ y tế, chúng tôi xin cung cấp những điều cần làm để chúng ta vượt qua đợt dịch này:
1. Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ
Chế độ dinh dưỡng thuần chay vẫn nên được duy trì nếu quý vị là người trường chay. Người ăn chay cần ăn phong phú các loại rau củ quả và nên là đồ tươi sạch. Chính các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật sẽ cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hoá giúp tăng cường hệ miễn dịch. Quý vị nên bổ sung thêm nước trái cây tươi, nhất là họ cam chanh vì chứa nhiều vitamin C tốt cho sức đề kháng của cơ thể.
2. Uống đủ nước
Nước là dung môi cần cho các hoạt động chuyển hoá trong cơ thể. Nếu thiếu nước, cơ thể có thể bị rối loạn nhiều hoạt động và gây sốt. Đảm bảo rằng mỗi ngày cơ thể được cung cấp từ 2,0-2,5 lít nước. Nếu quý vị bị đổ mồ hôi nhiều do thực hành các thời khóa tụng niệm vì đang trong mùa An cư kiết hạ và làm việc nặng nhọc thì nên bổ sung nhiều lượng nước nhiều hơn. Có thể bổ sung thay thế bằng nước dừa, dung dịch oresol để cung cấp thêm các chất điện giải.
3. Duy trì chế độ làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý
Chú ý ngủ đủ giấc tránh thức khuya. Giấc ngủ sẽ giúp hồi phục sức khoẻ và tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn, rửa mũi với nước muối sinh lý, ngậm súc miệng với nước muối. Giữ ấm cho cơ thể.
4. Tránh căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ trước những thông tin về dịch bệnh không chính thống
Chúng ta biết sợ để bảo vệ bản thân, cộng đồng Tăng đoàn nơi mình tu học hay gia đình đối với Phật tử tại gia, nhưng không hoảng sợ. Khoảng 80% trường hợp nhiễm Covid-19 là nhẹ và tự khỏi. Các trường hợp còn lại sẽ được sự hỗ trợ y tế cần thiết.
Xem video |
5. Chuẩn bị cho việc tiêm ngừa vắc-xin Covid-19
Đảm bảo sức khoẻ đầy đủ và sẵn sàng cho mũi tiêm theo sự hướng dẫn của ngành y tế. Cho đến hiện nay, các loại vắc-xin đưa vào sử dụng đều đã được thử nghiệm và phê duyệt về tính an toàn. Tránh tâm lý hoài nghi, phân vân lựa chọn loại vắc-xin. Vắc-xin vẫn là công cụ hữu hiệu làm giảm thiểu nguy cơ nhiễm và mắc bệnh nặng.
6. Tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế
Mặc dù nhân loại đã có những tiến bộ rất lớn trong việc điều trị, tìm ra vắc-xin và kiểm soát dịch bệnh. Mặc dù một số quốc gia vẫn còn đắn đo về khẩu trang và giãn cách xã hội, nhưng tổ chức y tế thế giới khẳng định dù bạn đã tiêm vắc-xin đầy đủ thì khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn, giữ khoảng cách an toàn, không tập trung đông người, khai báo y tế vẫn là những vấn đề căn bản để bảo vệ chúng ta khi đại dịch đang bùng phát trở lại.
7. Chuẩn bị những nhu yếu phẩm và cơ số thuốc đủ dùng trong tự viện, gia đình
Các thuốc thông thường như Paracetamol, Vitamin C, Oresol là những loại cơ bản có thể chuẩn bị tại nhà.
Lưu ý không nên dự trữ nhiều thuốc vì điều kiện bảo quản tại nhà không đảm bảo sẽ làm hỏng thuốc và tạo ra tình trạng khan hiếm thuốc cho điều trị.
Không nên dự trữ ôxy, máy trợ thở tại nhà vì nguy cơ cháy nổ.
Ôxy khi dùng không đúng cách có thể gây xơ phổi và ôxy không phải là cách duy nhất để giúp bạn khỏi bệnh.
Chúng ta cần hiểu rằng cho đến nay vẫn chưa có cách đặc trị cho bệnh nhân Covid-19. Điều này có nghĩa là có thể chỉ cần với những điều trị nâng đỡ và thông thường vẫn giúp người bệnh bình phục.
Các biện pháp dân gian được lan truyền là không chính thống, thiếu khoa học, chúng ta không nên tin và làm theo. Khi cần sự hỗ trợ về y tế, hãy liên lạc với đường dây nóng của ngành y tế trước khi tự ý đến bệnh viện".