Từ thuở nằm nôi, ta đã sợ bóng tối khi thiếu mẹ. Lớn một chút ta lại sợ ma, đi chơi về khuya sợ bố mắng, đi học sợ bị điểm kém, bị thi lại; khi trưởng thành sợ gặp phải bạn đời không chung thủy, ra làm kinh tế sợ bị thua lỗ, đến tuổi bóng xế thì sợ bệnh, sợ chết… Cái sợ vây bủa cả kiếp người!
Thời buổi này, dù là thiếu niên hay hoa niên, trung niên hay lão niên, tất cả đều chung một nỗi sợ, đó là sợ bệnh dịch Covid-19.
Thượng tọa Thích Trí Chơn - Ảnh: TVKA |
Mỗi ngày đọc báo, mắt nhìn số ca nhiễm, ca tử vong, tai nghe âm thanh còi cứu thương, khiến ta bàng hoàng, hoang mang. Đối mặt với lẽ tử sinh vì bệnh dịch không phải để ta buông xuôi, phó mặc hay buồn rầu mà là để chiêm nghiệm lại đời mình.
Mấy hôm nay đi tặng quà từ thiện, tôi có dịp ra ngoài, chứng kiến những hình ảnh trái ngược khá thú vị. Những con phố ngày nào xe chen cứng như nêm, ngột ngạt khói bụi, thì nay những đàn chim bay lượn khắp nơi, thậm chí có cả hàng trăm con chim bồ câu đáp xuống sảnh của những tòa cao ốc giữa trung tâm Sài Gòn. Trong khi đó con người thì ở kín trong nhà, thỉnh thoảng mới có một vài ánh nhìn thập thò đằng sau song cửa. Điều đó cho thấy trước giờ, con người “lấn sân” nhiều quá khiến chim phải trốn trong lùm cây, thú phải đi vào trong rừng sâu. Mà rừng bây giờ không còn sâu nữa. Có những đàn voi giờ vào “phá làng phá xóm” (Định Quán, Đồng Nai); có những đàn voọc “ra đường” gây gổ với con người (Hướng Hóa, Quảng Trị).
Bình tâm mà suy xét, sẽ thấy rằng, có phải làng xóm của con người hôm nay chính là “làng xóm” của voi, của voọc ngày xưa. Chúng phá làng phá xóm con người, hay chính con người mới là thủ phạm tàn hại thiên nhiên, phá làng phá xóm chim muông, thú rừng. Chúng uy hiếp con người hay chính chúng là đối tượng bị uy hiếp và đang tìm đến con người để xin lại “xóm làng”, xin quyền được sống.
Hạnh phúc sẽ có mặt khi con người ứng xử hài hòa với thiên nhiên và tôn trọng sự sống muôn loài.
Tôi có cảm nhận mùa dịch, con người quay về với chính mình, thực tập giáo pháp nhiều hơn. Số lượng người vào Zoom thiền tọa, tụng kinh trực tuyến đông gấp nhiều lần so với Phật tử đến chùa tụng kinh ngày thường. Như vậy để thấy, chí nguyện tu tập của Phật tử là rất cao. Chỉ là khi gian nan mới chịu quay về.
Tôi mong người Phật tử luôn duy trì nếp sống thánh thiện này. Cho đến ngày hết dịch bệnh, người Phật tử vẫn tiếp tục thực tập nếp sống tâm linh ngay nơi nhà mình để gột rửa phàm tâm, nuôi dưỡng thiện tâm để có được cuộc sống thanh tịnh, an nhiên cho hôm nay và mai sau.
Thượng tọa Thích Trí Chơn/Báo Giác Ngộ
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Đức Dalai Lama |
"Nỗi sợ hãi về cái chết luôn luôn có mặt trong tàng thức của ta. Khi ta được tin mình phải chết, ta thường có phản ứng chống lại, không chịu chấp nhận sự thật này. Tôi đã chứng kiến nhiều người bạn thân khi được báo tin có bệnh Aids hoặc bệnh ung thư, họ quyết liệt từ chối, không muốn tin. Họ không ngừng đấu tranh với nỗi sợ hãi này trong một thời gian dài. Cho đến khi họ chịu chấp nhận sự thật thì ngay lúc đó họ có bình an. Khi có bình an, có sự thư giãn, ta có cơ hội điều trị cơn bệnh. Tôi có biết nhiều người mắc bệnh ung thư vẫn có thể sống thêm mười năm, hai mươi năm, hay ba mươi năm sau khi được chẩn đoán có bệnh, ấy là nhờ họ có khả năng chấp nhận căn bệnh và biết sống bình an với nó".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh