Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Trí Chơn khẳng định:
“Phật giáo là tôn giáo lớn của nhân loại. Hình tượng Đức Phật là biểu tượng tôn kính thiêng liêng, viên mãn trên hai phương diện trí đức và bi đức. Hình tượng chư Bồ-tát là biểu tượng của hạnh nguyện dấn thân, độ đời. Chiêm ngưỡng tôn tượng Phật và chư Bồ-tát là để tiếp xúc với năng lượng từ và bi, đồng thời cũng để thực tập công hạnh của chư vị nhằm chuyển hoá tự thân, cứu độ tha nhân.
Ở phương diện tín ngưỡng, chư vị là đối tượng cầu nguyện, chiêm bái, với tâm thanh tịnh vô cấu nhiễm, đã vượt thoát khỏi những thế tục tầm thường. Bản thể của chư vị là thanh tịnh, thân vô cấu, tâm vô nhiễm, vượt thoát thế tục tầm thường. Dẫu ở nơi đời vẫn không nhiễm đời (cư trần bất nhiễm). Bồ-tát Quán Thế Âm có hạnh nguyện là "Lắng nghe (Quán) thế gian (Thế) với âm thanh (Âm) đau khổ mà ngay nơi đó thị hiện cứu độ".
Với bản thể thân vô cấu tâm vô nhiễm, tuyệt nhiên thanh tịnh, nhiễm trần còn chưa vướng thì nói gì đến nhiễm bệnh. Mặt khác, biểu tượng của tinh thần độ đời mà còn… “sợ đời”, phải trang bị thiết bị này, công cụ kia thì sao gọi là cứu khổ độ sinh.
Do vậy, việc áp đặt, suy tưởng tư duy thế gian lên hình tượng thiêng liêng, đại diện cho tôn giáo, xem đó như là thông điệp tuyên truyền cho việc phòng dịch là không phù hợp, làm mất đi sự tôn nghiêm của tôn giáo nói riêng và giá trị văn hoá tâm linh nói chung.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, thực hiện công tác tuyên truyền những giải pháp về phòng, chống dịch bệnh là thiện ý, nhưng hạ thấp hình ảnh các đấng tôn thờ thiêng liêng xuống vị trí con người, trang bị lên tôn tượng chiếc khẩu trang để gọi là … tránh dịch, chống dịch là điều không nên”.
Ở góc độ văn hóa, có thể khẳng định đó là một việc làm phản cảm, thiếu ý thức tôn trọng tôn giáo. Do vậy, việc tuyên truyền cho hành động này cũng cho thấy một sự thiếu chuyên nghiệp và cân nhắc trong quản lý thông tin. Dường như có một sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm ‘lan tỏa thông điệp’ và ‘tuyên truyền thông điệp'.