Sở dĩ năm nay, hình ảnh ấy bỗng dưng bị dư luận “soi” là tại y phục hóa trang không phù hợp, được cho là “áo cưới”...
Ý kiến của Ban Tổ chức (BTC)
Việc hóa trang giống hình tượng hóa thân Bồ-tát Quán Thế Âm là một phần thuộc nội dung dâng lễ phẩm của các đoàn chúng, đạo tràng, tại buổi lễ chính thức sáng 19-6 âm lịch, diễn ra tại Trung tâm Du lịch Tâm linh Phật giáo Quán Thế Âm (núi Tứ Tượng, thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, TX.Hương Thủy), tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trao đổi với PV Báo Giác Ngộ về vấn đề này, HT.Thích Đức Thanh, UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh, Trưởng BTC lễ hội cho biết sơ suất đó là vô tình của người thực hiện, trang phục như vậy được cho là “tương đương” với hình tướng ứng thân của Đức Quán Thế Âm.
Trả lời câu hỏi việc hóa trang có trong nội dung chương trình của lễ hội quy mô ở tỉnh nhà được BTC duyệt trước không, HT.Thích Đức Thanh cho biết là “không duyệt” nội dung này, với lý do lễ hội này diễn ra hàng năm đã quen thuộc. Hòa thượng cho rằng trang phục hóa trang của cô gái hôm đó “không phải là áo cưới” như dư luận phê phán.
Khi đặt vấn đề trách nhiệm nội dung lễ hội, Hòa thượng cũng cho biết “trách nhiệm là trách nhiệm chung”. Nhưng Hòa thượng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến xây dựng, rút kinh nghiệm, sẽ chấn chỉnh trong các lễ hội tiếp theo, tránh việc sử dụng người hóa trang thành hình tượng Đức Bồ-tát, mà sẽ dùng các tôn tượng tĩnh để cung rước.
Nói với PV Báo Giác Ngộ, HT.Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS đồng thời là Phó Trưởng ban Thường trực BTC lễ hội xác nhận có sự cố trên. Hòa thượng cho biết “do sơ suất không kiểm soát chặt chẽ” trong khâu tổ chức. Khi diễn ra nội dung các đoàn dâng lễ phẩm, BTC đã nhận thấy và cũng đã có khuyến cáo với đơn vị thực hiện việc hóa trang. “Đây là kinh nghiệm để BTC lưu ý chặt chẽ hơn trong các lễ hội các năm sau”, Hòa thượng nói.
Qua tìm hiểu, HT.Thích Khế Chơn cho biết thêm, việc hóa trang hình tướng Đức Quán Thế Âm được báo cáo trước trong phiên họp của BTC, có mẫu ghi đăng ký về số lượng người, lễ phẩm, nội dung các đoàn tham dự lễ hội theo quy định. Tuy nhiên, do chủ quan, đồng thời vị phụ trách quá nhiều việc nên đã không quan sát hết, để xảy ra sự thiếu sót đó, gây nên dư luận không hay.
Hòa thượng cũng nói “rất xót xa” trước sự cố trên, dù xuất phát từ sự vô tình nhưng đã làm cho “dư luận xôn xao”. “Năm sau sẽ giảm phần hóa trang này, để giảm đi những phiền phức như đã xảy ra”, HT.Thích Khế Chơn nói.
Không nên “lộng giả thành chơn”
Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn khi nói về việc hóa trang các hình tượng Bồ-tát, Phật trong các lễ hội diễn ra gần đây, không chỉ ở Huế mà còn ở Đà Nẵng cùng một số nơi khác, vào dịp lễ hội Quán Thế Âm. Ông Sơn cho rằng, đó là biến tướng của hiện tượng sân khấu hóa lễ hội. Nó được quan tâm vì điều đó diễn ra trong lễ hội có tính thiêng liêng, liên quan tới Bồ-tát Quán Thế Âm, dân gian gọi là “Phật Bà”, đối tượng của sự cầu nguyện, tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức của số đông.
Với người Phật tử, Đức Quán Thế Âm là vị Bồ-tát hạnh nguyện đại từ bi, luôn lắng nghe tiếng kêu khổ của chúng sinh để cứu độ. Ngài có 32 hóa thân, tùy căn cơ, hoàn cảnh cụ thể của chúng sinh để giúp đỡ. Trong trường hợp cần có hình thức sinh động mang tính hội trong một lễ hội để thu hút sự hiếu kỳ của quần chúng, thì cũng không nên dùng cách hóa trang thô thiển đó, mà có nhiều cách làm khác phù hợp hơn.
Nếu rước thì cũng nên tổ chức rước các thánh tượng, hoặc biểu tượng cho các hóa thân của Ngài. Khó có thể chấp nhận việc một cô gái ngẫu nhiên nào đó, chỉ vì chút ngoại hình, với chút trang điểm và thay bộ xiêm y, bỗng thành… “Phật Bà”. Hóa trang đó lại được các thanh niên trong trang phục Gia đình Phật tử khênh trên kiệu, ngồi trên tòa cao, tiến vào trước lễ đài, ngang qua chư tôn đức giáo phẩm, quan khách, trong không gian lẽ ra cần sự thiêng liêng của nghi lễ truyền thống vốn rất phong phú - đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể, có quy chuẩn hẳn hoi của Phật giáo ở cố đô.
Khi chúng ta dùng hình thức sân khấu để đưa vào các buổi lễ tâm linh, tùy tiện trong việc thể hiện các biểu tượng, thánh tượng thiêng liêng, chỉ để đáp ứng thị hiếu, thì vô hình trung, chính chúng ta đang tự đánh mất giá trị của chính mình - vai trò kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, di sản quý giá đã trở thành chuẩn mực mà các thế hệ tiền nhân đã dày công tạo dựng, bảo tồn bao đời. Và như thế, nguy cơ hủy hoại văn hóa không phải đến từ bên ngoài mà chính bởi sự thiếu nhận thức đầy đủ và cần có, nhất là đối với xứ sở được từng mệnh danh là thiền kinh - trung tâm của Phật giáo”.
Nếu cần một hình thức hội để làm phong phú cho lễ hội này, còn nhiều cách phù hợp với văn hóa hơn. Có thể dành một buổi cho chương trình văn nghệ, ở đó, trình diễn lại các vở truyền thống liên quan tới Bồ-tát Quán Thế Âm, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Cần có sự phân biệt không gian sân khấu hoàn toàn với không gian lễ hội, vì nếu nhầm lẫn sẽ đưa tới sự bi hài, “lộng giả thành chơn”, gây nên sự phản cảm, bị dư luận phản ứng. Trường hợp vừa rồi là như vậy. Đó là chưa kể tới những yếu tố rủi ro khác.
Một vị giáo phẩm lãnh đạo cao cấp của Giáo hội cũng đã từng có ý kiến về việc này, rằng không nên dùng người “đóng vai” Phật, Bồ-tát để cung rước lên lễ đài trong các lễ hội, sự kiện tâm linh thiêng liêng của Phật giáo, như cung rước Thánh tượng của Phật, Bồ-tát. Việc đóng vai Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng trên sân khấu, cả điện ảnh, cũng cần hết sức thận trọng.
Sự cố vừa diễn ra tại cố đô chỉ là giọt nước tràn ly. Vấn đề không phải ở trang phục hóa trang, mà hơn thế nữa, việc dùng người thật chỉ vì một chút ngoại hình để hóa trang các thánh tượng diễn ra trong các lễ hội thiêng liêng, như dùng các người nữ để hóa trang thành hình tượng Đức Bồ-tát Quán Thế Âm - hình tượng tín ngưỡng đã trở thành truyền thống, cung rước lên cả lễ đài một cách trang trọng, là khó chấp nhận.
Nhiều năm trở lại đây, tình hình lễ hội ở nước ta diễn ra với nhiều sự hỗn loạn. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đã có các công văn nhằm chấn chỉnh tình trạng này. Theo đó, hơn nửa năm trước, Giáo hội cũng ban hành công văn kêu gọi gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, loại bỏ các hủ tục, phô trương hình thức trong các lễ hội Phật giáo.
Tuy nhiên, công văn chỉ mang tính kêu gọi và khuyến khích, mà không hề có biện pháp cụ thể và trách nhiệm giám sát, nên các lễ hội vẫn cứ diễn ra theo năng lực của địa phương, người tổ chức. Do đó, cảnh tự phát, thiếu sự định hướng theo chủ trương của Bộ, của Giáo hội vẫn cứ lặp lại khi thì ở nơi này, lúc xảy ra nơi khác. Mong rằng Giáo hội không thờ ơ với dư luận cho là “chỉ một vài người” trong bối cảnh thông tin bùng nổ như hiện nay, mà có sự lắng nghe, tiếp thu những điều hợp lý để có những điều chỉnh, hướng dẫn nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội ở các cơ sở thuộc hệ thống của GHPGVN, như chủ trương đúng đắn mà Giáo hội đã ban hành.