LTS.GNO - Liên quan tới vụ việc Sư cô Thích nữ Hạnh Thảo, người có hành vi đánh trẻ trong một clip trên mạng xã hội 11-6, ngay sau đó báo chí phản ánh và các cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ vụ việc. Thông tin này được chia sẻ, lan truyền với tốc độ rất nhanh trên các diễn đàn, trang thông tin cá nhân.
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã tìm hiểu, làm việc với Ban Trị sự Phật giáo Q.4, Phân ban Ni giới Q.4, sau đó có phiên họp các ban ngành thuộc Ban Trị sự Phật giáo TP, Phân ban Ni giới, với sự tham dự của Sư cô Thích nữ Hạnh Thảo (thế danh Nguyễn Thị Minh Hiếu, SN 1974, trụ trì chùa Long Nguyên - Q.4) chiều 12-6-2020 tại Việt Nam Quốc Tự.
Sau khi lắng nghe tường trình, các ý kiến; Xét việc Sư cô Thích nữ Hạnh Thảo đã không thực hiện lời đã hứa trong các phiên họp xử lý vụ việc trước đây của Ban Trị sự GHPGVN Q.4 cũng như Phân ban Ni giới Q.4, xét tính nghiêm trọng của vụ việc, cuộc họp đã thống nhất kết luận nội dung xử lý như đã thông báo trong khi chờ kết luận điều tra từ các cơ quan chức năng. Việc xử lý chính thức sẽ được tiến hành sau khi có quyết định của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM theo quy trình.
Nhân vụ việc đang rất “nóng” trong dư luận, Giác Ngộ online giới thiệu góc nhìn sau đây của Phật tử Diệu Kim (nhà báo Hoàng Kim, phóng viên Báo Thanh Niên), cư ngụ gần chùa Long Nguyên - Q.4. Bài viết được đăng trên Giác Ngộ online với sự đồng ý của tác giả.
***
Sau vụ clip Sư cô Hạnh Thảo đánh bé Đ.Ph nặng tay được đăng lên mạng xã hội, Giáo hội đã nhanh chóng vào cuộc xử lý. Có lẽ mọi người cũng đã bằng lòng với việc xử lý này. Tuy nhiên, lòng mọi người vẫn chưa an, và đã có rất nhiều ý kiến. Riêng tôi, đứng ở góc độ một người Phật tử lâu năm gắn bó với Phật giáo, tôi xin có vài ý mọn trao đổi cùng chư vị. Tôi cũng xin được lắng nghe và tiếp thu trên tinh thần xây dựng Phật pháp, mong sao Phật pháp trường tồn và hưng thịnh.
1. Về việc nuôi dạy chúng đệ tử
Ai từng làm cha làm mẹ mới hiểu, nuôi và dạy một đứa trẻ lớn lên thành người tốt không hề đơn giản. Nuôi ăn, nuôi mặc, lo chuyện học hành, coi vậy mà còn dễ làm. Nhưng dạy dỗ, huấn luyện về đạo đức, về kỹ năng sống, thực sự khó trăm ngàn lần. Vì vậy, trong quá trình giáo dục, ắt sẽ sinh ra một số sự cố không mong muốn.
Đầu tiên, phải công nhận là người nuôi dưỡng cũng có cái tâm mới nhận nuôi đứa nhỏ, chứ nếu không có tâm thì chẳng cưu mang chi cho cực. Thà ở một mình, hoặc nuôi đứa lớn cho khỏe. Giai đoạn vất vả nhất là từ nhỏ cho tới tuổi dậy thì, giai đoạn khờ khạo nhất rồi lại trở chứng nhất của một đời người, phải cần biết bao công lao chăm sóc và huấn luyện.
Nếu may mắn, đứa nhỏ có chủng tử tốt lành, thì nó sẽ tương đối ngoan ngoãn, nếu ngược lại, nó có chủng tử xấu kém, thì người nuôi dưỡng sẽ rất mệt mỏi. Ngay cả một đứa trẻ ngoan, mà cha mẹ có khi còn phải dùng đến roi vọt. Cha mẹ lắm lúc còn phải “phát khùng” với con ruột của mình, huống chi sư cô không phải là ruột thịt với các đệ tử, khó mà tránh khỏi sự cố.
Xin ghi chú thêm một chút, nhiều đứa trẻ sinh ra trong nhà nghèo, ít giáo dục, nên hay đem bỏ vô chùa, phó mặc cho thầy hoặc sư cô. Xuất thân như thế, bảo nó làm sao tốt và ngoan cho được, rõ ràng chủng tử đã yếu kém sẵn rồi. Thầy hoặc sư cô lãnh đủ sự mệt mỏi với nó.
Vì vậy, người nuôi dưỡng phải có cách dạy dỗ đứa trẻ phù hợp, bởi vì nuôi cùng lúc nhiều đệ tử thì càng mệt mỏi, và càng phải chú ý từng đứa căn tánh thế nào để có cách dạy khác nhau. Trong trường hợp đứa trẻ lì, quậy, nhiều tật xấu, nếu khuyên lơn từ bi mãi không được, thì trong chùa thường hay cho quỳ hương, chép kinh, hoặc lao động. Tệ hơn nữa thì có đánh đòn, y như cha mẹ đánh đòn con vậy thôi, có gì mà ầm ĩ.
Nhưng vấn đề là đánh như thế nào để không gọi là bạo hành. Chúng tôi cũng từng trải qua những trận đòn của cha mẹ và thầy cô, rồi cũng nên người thôi. Thường thì bắt đứa nhỏ nằm úp xuống, dùng roi quất vào mông vài cái là đủ. Hoặc bắt nó xòe tay ra khẽ vào tay. Hoặc giận quá thì quất đâu đó chứ tuyệt đối không đụng tới những chỗ nguy hiểm, nhất là vùng đầu, mặt, cổ, dễ sinh chấn thương. Nhưng cũng chỉ đánh một ít thôi, chứ nghe tiếng kêu la của đứa nhỏ ai mà không động lòng, sẽ dừng tay ngay. Đánh nhiều, nó sẽ thành chai lì, càng tệ hơn.
Và cuối cùng, xin khuyên một câu, nếu dạy không được nó, chứng tỏ mình không có duyên với nó, thì thôi hãy trả lại cho gia đình nó, hoặc trao đi nơi khác, biết đâu sư phụ nơi khác lại dạy nó nghe lời. Kỳ lạ vậy đó. Phật dạy chữ “duyên” rồi, cố gắng hết sức mà không có duyên thì buông tay. Còn với con cái trong nhà, có khi cha mẹ không đủ duyên dạy dỗ, thì phải quán lời Phật nói, nó là “nợ” đầu thai lên đòi mình trả, không quăng đi đâu được thì ráng tụng kinh, sám hối, bố thí, phóng sanh, hồi hướng công đức cho nó chuyển đổi. Hoặc cho nó tham gia những khóa tu, những lớp học gì đó, mong có người đủ duyên dạy nó dùm mình. Vậy thôi, chứ đánh con cho tới thương tật, mình ở tù, thì hậu quả kinh khủng lắm.
2. Nói về lòng từ bi hay sân hận của sư cô
Thực sự thì ai cũng có sẵn tham sân si trong lòng, kể cả những vị tu sĩ. Bởi họ chưa phải là thánh, họ còn đang trên bước đường “sửa mình” cơ mà. Chữ “tu” ý nghĩa là “sửa” đó thôi. Do đó, họ vẫn còn nhiều cái xấu chưa sửa hết, ta đừng bắt họ phải thành người tốt 100%. Hãy có sự thông cảm, độ lượng.
Nhưng dù sao thì người tu cũng phải tốt hơn người thường mới được. Dù sao khi chư vị đã khoác lên mình cái áo nâu sòng, cạo tóc, ăn chay, thì đương nhiên chư vị phải tiến bộ hơn người thường chúng tôi. Do vậy, chư vị phải kiểm soát tham sân si tốt hơn chúng tôi. Nếu có nổi sân lên vì chú tiểu lì lợm, thì đánh nó một chút, cũng phải hạ cơn sân xuống, chứ có đâu mà đánh cả chục cái mạnh tay như thế vẫn còn đùng đùng muốn đánh tiếp, lại còn dùng từ “hành hạ”. Hóa ra đánh vì hành hạ chứ không vì dạy dỗ. Chính chỗ này mà sư cô bị người đời lên án. Chứ nếu đánh theo kiểu dạy, thì họ đâu có bức xúc đến mức đó.
3. Người quay clip và đưa clip lên mạng có lỗi không?
Một số người đã quay sang bắt lỗi người đã lén quay clip và đăng lên mạng. Có hai lập luận: thứ nhất cho rằng tại sao không xử lý nội bộ mà lại công khai tùm lum; thứ hai cho rằng Phật giáo bị công kích, bị thiệt thòi, mất niềm tin.
Thiết nghĩ, không phải một lần phạm lỗi mà người ta đã vội vàng phản ánh kiểu như thế. Thường thì các vị tu sĩ lẫn Phật tử rất che chở cho nhau, hay khuyên nhủ khi có ai phạm lỗi, chứ ra ngoài là im lặng không kể lể, tố cáo. Bởi ai cũng hy vọng người đó sẽ sửa lỗi, tiến bộ. Nhưng, có những người đã không hề nghe lời khuyên nhủ, không hề tiến bộ dù cả chục năm sai phạm, nhất là những người có quyền thế một chút càng bỏ ngoài tai những lời khuyên chân tình, thậm chí khi có ai lên tiếng thì lại quay sang “đì” họ. Người ấy cứ trượt mãi, trượt mãi, cho tới một ngày ly nước đã đầy thì chỉ cần một giọt cũng đủ làm tràn. Cho tới khi người ta bức xúc quá nhiều, mà nội bộ cũng không xử lý được, thì người ta sẽ dùng tới “vũ khí” nặng tay. Vũ khí hiện nay chính là mạng xã hội. Nó có sức mạnh lan tỏa và áp lực rất kinh khủng, sẽ gây chú ý và bắt buộc các ban ngành phải vào cuộc để xử lý, không thể thông cảm hay chở che gì được nữa.
Nói về chuyện xử lý nội bộ, chúng ta cũng biết Phật giáo luôn lấy tinh thần từ bi mà cảm hóa đối tượng, cho nên thường khuyên nhủ, nhắc nhở là chính, hoặc khiển trách vừa phải, với hy vọng giữ lại được đời tu của người đó, không nỡ triệt hạ con đường xuất gia của họ. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều vị xem thường, cứ làm tới, không coi Giáo hội và đồng môn của mình ra gì. Rồi nhân quả cứ chồng chất, cho tới ngày quả chín thì nó tự rụng chứ biết sao bây giờ.
Mà ai làm cho nhân quả chín muồi đó phải rụng? Người quay clip đó. Họ có thể là đồng tu hoặc Phật tử trong chùa, quá bức xúc, không chịu đựng hay khuyên lơn được nữa, muốn làm một lần cho dứt khoát. Họ cũng có thể là người mới đi chùa, hoặc người ngoài đạo, chưa biết nhiều về Phật pháp, chưa có độ thông cảm, chỉ do tình cờ chứng kiến nên ngỡ ngàng, hụt hẫng, tức giận, rồi quay và đăng. Chưa biết là ai, nhưng chúng ta đừng truy tìm làm gì, hãy quay lại với tự thân mình mà kiểm thảo và sửa đổi. Họ chỉ là một mắt xích trong chuỗi nhân quả thôi, không có người này rồi cũng có người khác, làm sao cho nhân quả phải lộ diện. Thí dụ 500 người Phật tử chúng tôi đã im lặng từ lâu, coi như đã thông cảm và chở che lắm rồi, nhưng đến người 501 thì chưa chắc họ im lặng. Vì thế đừng trách họ.
Phật từng dạy, nhờ có người hàng xóm nhiều chuyện mà ta dè chừng hơn, không dám làm bậy. Bây giờ “người hàng xóm” đó là Facebook, Zalo, hãy dè chừng. Ai trong chúng ta cũng có lỗi, ai dám nói mình trong sạch? Nhưng lỗi mà hối hận, ăn năn, sửa đổi, hoặc lỗi mà còn giữ cho kín đáo, đừng lộ liễu kẻo ảnh hưởng tới uy tín Phật giáo, thì còn chút thông cảm. Chứ lỗi mà cứ nhơn nhơn ra đó, không giữ thể diện cho Phật giáo, thì khó thông cảm quá. Và khi cứ lộ liễu thì người ta mới quay được. Vậy trách người hay trách ta?
Suy cho cùng, thì việc quay clip này cũng giống như việc mình đánh đòn đứa nhỏ, bảo khuyên mi mãi không được thì ta phải dùng biện pháp mạnh. Thôi thì, thuốc đắng giã tật, một lần mà chặn được sai lầm của người, còn hơn để người trượt mãi, mất cả đường tu.
4. Phật giáo có bị công kích và mất niềm tin?
Có. Thời gian này dân mạng chửi bới um sùm trên mạng, nghe mà đau lòng. Tuy nhiên, cần phân biệt, đa số người chỉ “chửi” cá nhân sư cô, chứ họ không chửi Phật giáo. Số người liên hệ công kích Phật giáo chiếm rất ít. Đa số họ muốn loại sư cô ra để giữ cho Phật giáo trong sạch, chính là vì họ còn mến Phật giáo. Như vậy, ta đừng quá hoang mang.
Niềm tin đương nhiên có sụt giảm đôi chút, nhưng không có nghĩa mất đi, không có nghĩa tuyệt vọng. Ta còn hàng trăm hàng ngàn vị chân tu, chắc chắn sẽ lấy lại niềm tin trong lòng người. Vấn đề là gương tốt thì ta ít nêu, cho nên cái tốt ít lan truyền trên mạng hơn cái xấu, nhưng cái tốt vẫn tiềm tàng và lưu chuyển trong nhân gian, người đời cảm nhận được hết, và họ vẫn đi theo Phật giáo, không hề rời bỏ. Có chăng là họ đi theo những vị chân tu một cách lặng lẽ, ít phô trương, ít ai biết. Người tu thật là vậy, lặng lẽ mà an nhiên, tự tại, giữ cho Phật giáo mãi mãi trường tồn dù có phong ba sóng gió thì cũng sẽ trôi qua. Nếu bớt đi sự sùng bái ầm ĩ, sự phô trương hình thức, chỉ còn lại những vị tu sĩ và Phật tử lặng lẽ giữ gìn cái đẹp của Phật giáo thì không chừng lại tốt hơn. Lọc bớt chất tạp nham chỉ còn lại những tinh thể thuần khiết, cũng đáng lắm chứ.
Chúng ta phải thật lòng nói với nhau rằng, Phật giáo sau này đã không bằng như ngày xưa. Một vài cá thể đã làm Phật tử xấu đi. Phật từng nói “Sư tử trùng thực sư tử nhục”, cho nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên. Như người mang một số bệnh tật, thì phải chẩn bệnh, nói ra bệnh gì, rồi cho uống thuốc, thậm chí nặng quá thì phải lấy dao cắt đi, làm một cuộc phẫu thuật, từ đó sẽ khỏe mạnh trở lại. Có bệnh mà cứ che giấu, hoặc khi bác sĩ bảo là có bệnh, lại la bác sĩ hay sao? Lâu lâu cũng cần một cuộc tổng kiểm tra sức khỏe, hoặc phẫu thuật mạnh tay thì Phật giáo mới hồi phục. Người ta sẽ yêu Phật giáo trong sự khỏe mạnh này, chứ không phải yêu vì Phật giáo che giấu tật bệnh, chỉ thấy một vẻ ngoài “khỏe ảo”.
Bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Trong tập thể nào cũng có người này người nọ, có gì lạ đâu. Cho nên người ta có thông cảm nhưng cũng có phản biện, mình cứ chấp nhận và sửa chữa.
5. Khẩu nghiệp
Nhiều người chửi bới sư cô với lời lẽ không chấp nhận được. Đúng là sư cô có sai, nhưng nếu anh chị dùng lời lẽ như thế để chửi thì anh chị cũng không ra gì. Thí dụ nói “tu hành gì mà chẳng từ bi tí nào” thì còn nghe lọt lỗ tai. Chứ dùng từ “con chó” thì quá đáng rồi. Nói gì thì nói, sư cô cũng không phải cướp của, giết người, chưa đến mức xấu xa như nhiều kẻ quậy phá khác. Cái sai của sư cô còn ở mức sửa đổi được, thì những lời cảnh cáo chừng mực đã đủ. Cái clip đã có sức cảnh cáo quá mạnh, chúng ta chửi nặng thêm là chúng ta mang khẩu nghiệp.
Phật tử thì không vào chửi sư cô, họ chỉ trách thôi. Nhưng dù chúng ta là ai đi nữa, thì cũng xin dè lời. Bởi nhân quả cũng là có thật. Xin hãy cẩn thận.