Về truyện tu tại gia trong sách Cổ học tinh hoa

NSGN - Sách Cổ học tinh hoa do Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890 - 1942) và Tử An Trần Lê Nhân biên soạn, được xuất bản lần đầu vào năm 1926 (in làm 2 tập). Sau 1954 ở miền Nam, rồi sau ngày đất nước thống nhất, sách được tái bản nhiều lần. Bản chúng tôi hiện có là bản do NXB.Tổng Hợp Đồng Tháp tái bản  năm 1997, gồm 1 tập, hơn 306 trang với 247 truyện kể.

Gần 50 năm đã trôi qua kể từ ngày chúng tôi lần đầu tiên được đọc qua sách Cổ học tinh hoa kia (khoảng 1965 - 1966). Một số truyện đã được đọng lại và gắn liền với vùng trí nhớ của đời mình trải qua nhiều thời gian, như các truyện: Ôm cây đợi thỏ, Tăng Sâm giết người, Họa phúc khôn lường (Tái Ông thất mã), Vẽ gì khó… Truyện “Đánh dấu thuyền tìm gươm”, vì được Trúc Lâm Đại Sĩ Trần Nhân Tông (1258-1308) nhắc đến nơi bài kệ Hữu cú vô cú nổi tiếng của mình(1), nên đối với chúng tôi, truyện ấy cũng thuộc vào loại nhớ lâu. Bây giờ đọc lại (2014) đọc kỹ tất cả 247 truyện kể nơi tập sách ấy, với con mắt của người học Phật, chúng tôi rất thích truyện Tu tại gia (truyện số 194), kể về danh Nho Dương Phủ, lúc nhỏ nhà nghèo nhưng luôn siêng năng làm việc để phụng dưỡng cha mẹ, vì ông là đứa con hiếu thảo, lại mộ Phật(2). Do một nhân duyên thuận hợp, đã khiến ông hiểu ra rằng: Phải nên hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, vì đấy là 2 vị Phật trong nhà mình.
co hoc.jpg

Nhân mùa Vu lan, chúng tôi xin trích giới thiệu truyện Tu tại gia kia cũng nêu bày một số ghi nhận.

* Truyện kể: “Dương Phủ, lúc nhỏ nhà nghèo, nhưng hết sức chăm việc cày cấy để phụng dưỡng song thân.

Một hôm, ông nghe bên đất Thục có vị Vô Tế đại sĩ, ông bèn nói với song thân xin từ biệt ít lâu để đến hầu bậc Vô Tế. Đi được nửa đường ông gặp một vị Lão Tăng bảo ông rằng:

- Được gặp bậc Vô Tế chẳng bằng được gặp Phật.

Ông hỏi: - Phật ở đâu?

Lão Tăng nói: - Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này, thì chính là Phật đấy.

Dương Phủ nghe lời quay về, đi đường chẳng gặp ai như thế cả. Khi ông ấy về tới nhà, đêm khuya, trời tối, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng qua, tức thì vội vã khoác chăn, đi dép ngược, ra mở cửa cho ông. Bấy giờ ông trông ra thì như hình dáng Phật mà Lão Tăng đã nói chuyện cho ông nghe.

Từ đấy, ông biết cha mẹ trong nhà tức là Phật, chẳng phải cầu kỳ đi mộ Phật đâu xa nữa”.

Lý Nguyên Dương (Cổ học tinh hoa, truyện số 194, NXB.Đồng Tháp, 1997, trang 235).

Một số ghi nhận

1- Về tác giả

Những người biên soạn sách chỉ ghi là Lý Nguyên Dương và không cho biết gì thêm. Còn nhân vật Dương Phủ trong truyện thì cho biết: Dương Phủ, người đời Minh, đỗ Tiến sĩ, làm Ngự sử, có tiếng là ông quan thanh liêm (sđd, trang 235 - 236).

Về Lý Nguyên Dương, chúng tôi tra nơi Từ Hải (Tối Tân Tăng đính bản, 4 tập) không có. Lại tra nơi Phật Quang Đại từ điển thì có. Tức Phật Quang Đại từ điển (tr.1923B) mục Hoằng Thánh tự (chùa Hoằng Thánh) nêu rõ: “Chùa ở vào khoảng chân núi của 7 ngọn núi thuộc dãy Điểm Thương Sơn, huyện Đại Lý, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Căn cứ theo sách Vân Nam thông chí ghi lại, thì nền chùa ở tại hướng Tây nam thành của huyện Thái Hòa, có tháp cao 10 trượng, gồm 10 bậc, thế gian truyền là tháp do vua A Dục tạo lập. Đời Minh (1368-1644), trong khoảng niên hiệu Gia Tĩnh (1522-1566), quận nhân là Lý Nguyên Dương (…) đã trùng tu tháp ấy. Lại, Dương Thận (1488-1559) nơi bài Du điểm Thương Sơn ký cũng chép: “Chùa Hoằng Thánh có phù đồ (tháp) cao 200 thước (xích) quy chế nghiêm chỉnh. Khảo xét về dã sử, hoặc cho là do vua A Dục tạo, cũng có chỗ cho là tháp được tạo vào thời vua Tùy Văn Đế (581-604).

Như vậy, Lý Nguyên Dương là người đời Minh (thế kỷ XV - XVI) người tỉnh Vân Nam, hẳn là một cư sĩ tu Phật hoặc là một danh sĩ mộ Phật, đã từng lo việc trùng tu tháp ở chùa Hoằng Thánh, cùng với thời Dương Phủ, nhân vật chính trong truyện.

2- Về vị Đại sĩ Vô Tế

Đại sĩ là một tên gọi khác của Bồ-tát. Đời Đường, Đại sư Thạch Đầu Hy Thiên (700-790) đã được tôn xưng là Vô Tế đại sư (Xem: Phật Quang Đại từ điển, tr.2140A). Cũng trong Phật Quang Đại từ điển, tr.1468A.B, mục Thiền sư Nguyệt Đàm, đã cho thấy: “Nguyệt Đàm là một vị Thiền Tăng đời Minh, 18 tuổi xuất gia, tham bái khắp chư vị kỳ túc đương thời như Bạch Trai, Vô Tế, Biến Dung…”. Như thế, Thiền sư Vô Tế là một vị sư có thật ở đời Minh, thuộc hàng cao tăng thạc đức, nên được tôn xưng là Vô Tế đại sĩ, chứ không phải là “Một nhà tu hành đắc đạo vô cùng” như soạn giả đã “giải nghĩa”.

3- Về lời bàn của người biên soạn

Lời bàn ấy (sđd, tr.236) không có gì sai trái nhưng cần được bổ sung. Soạn giả viết: “Bài này cốt dạy ta về chữ hiếu, vì cha mẹ như Phật, con phải phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật vậy”. Bàn như vậy là đúng nhưng chưa đủ, phải nói rõ đó là chữ Hiếu theo quan điểm của Phật giáo, vì cho cha mẹ là 2 vị Phật sống ở trong nhà, đấy là lời khẳng định của Phật giáo, chứ không phải của Nho giáo hay Lão giáo. Vả lại, những người theo đạo Nho, đạo Lão không tin Phật, thì sao có thể dạy họ: “Con phải phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật vậy” như soạn giả đã viết. Do đấy, cần phải nói rõ như chúng tôi đã nêu.

Hơn nữa, nội dung của truyện đã cho chúng ta thấy rõ điều ấy. Nhân vật Dương Phủ tuy là nhà Nho nhưng mộ Phật. Vì mộ Phật nên ông mới  tìm sang đất Thục để tham bái vị Đại sĩ Vô Tế kia. Rồi người đã cản đường ông, khuyên ông nên trở về để được gặp Phật, là một Lão Tăng, tức cũng là người của Phật giáo. Vì mộ Phật nên Dương Phủ đã nghe theo lời khuyên của Lão Tăng nọ, trở về để được gặp Phật, thay vì phải sang đất Thục để tham bái Đại sĩ Vô Tế. Và cũng vì mộ Phật nên sau khi hiểu ra cha mẹ chính là hai vị Phật sống trong nhà, Dương Phủ đã hoàn toàn tin theo và càng thành kính phụng dưỡng cha mẹ.

Đoạn tiếp theo, soạn giả bàn: “Phật xa, cha mẹ gần, con cái hãy nên một niềm thành kính mà thờ phụng lấy mẹ cha trước. Thứ nhất thì tu tại gia…” (sđd, tr.236).

Bàn như thế là chưa chính xác. Ở đây không hề có chuyện Phật xa, cha mẹ gần, hoặc là tu tại gia, tu xuất gia, cái nào thứ nhất cái nào thứ nhì. Ở đây, như chúng tôi đã nói ở trên, tác giả của truyện là một người theo Phật, thông qua chuyện hiếu thảo của Dương Phủ, tức muốn khuyên nhắn người Phật tử tại gia cũng như xuất gia, cùng những người mộ Phật nhưng chưa là Phật tử, ngoài việc tín kinh Tam bảo, phụng thờ Phật, thì đối với cha mẹ phải luôn thành kính phụng dưỡng, vì cha mẹ chính là hai vị Phật sống như kinh điển Phật giáo đã giảng dạy. Cũng nhằm khuyên nhắn cả những người không theo Phật, nên thấy rõ và đúng là Phật giáo không hề xem nhẹ chữ Hiếu, vì chỉ có Phật giáo mới tôn kính cha mẹ tột bậc, xem cha mẹ như là Phật, phụng dưỡng cha mẹ là phụng dưỡng Phật.

4- Dẫn chứng

Chúng tôi xin trích dẫn một số tư liệu để làm sáng tỏ vấn đề vừa nêu.

a) Hòa thượng Trí Quang, nơi bản Việt dịch kinh Vu lan do mình thực hiện, phần Lược giải kinh văn, đoạn giải thích câu: Một thời Đức Thế Tôn”… đã viết: “Nay, ở đây, bằng kinh Vu lan, Đức Phật dạy cách báo hiếu cho muôn đời đệ tử  của Ngài. Nhưng tất cả và hết thảy, không quan trọng bằng khi mới thành đạo, ngay dưới gốc Bồ-đề đại thọ, Phật đã kiết Bồ-tát giới, rằng hiếu là giới, vì lục đạo chúng sinh đều là cha mẹ. Chính điều này cho thấy, đối với Phật, hiếu hạnh là Luật”. (Kinh Vu lan, HT. Trí Quang dịch, bản in 1994, tr.62). Rồi nơi đoạn giải thích câu: “Đền đáp ân đức sinh thành dưỡng dục”, HT.Trí Quang viết: “Cái lý nói cha mẹ vì sinh lý mà có con chứ có ơn gì, chỉ nên để cho kẻ khác nói. Còn những kẻ làm con Phật thì phải biết: “Có 2 việc làm cho hàng phàm phu đạt được đại công đức, thành tựu đại quả báo, được vị cam-lồ, đến chỗ vô vi (giải thoát), ấy là phụng sự cha và phụng sự mẹ. Phụng sự cha mẹ, đạt được đại công đức, thành tựu đại quả báo, cũng y như đạt được đại công đức, thành tựu đại quả báo, khi hiến cúng vị Bồ-tát chỉ còn một đời nữa là thành Phật (Bồ-tát Nhất Sanh Bổ Xứ). Vì vậy, các thầy Tỳ-kheo hãy luôn luôn nhớ mà hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ”. “Các thầy Tỳ-kheo, có 2 người mà các thầy có hướng dẫn làm điều thiện đi nữa, cũng vẫn chưa trả hết ơn được, đó là cha và mẹ. Các thầy phải phụng dưỡng cha mẹ, luôn luôn hiếu thuận cho đúng lúc, không lỡ mất cơ hội” (Chính 2/601) (3) (kinh Vu lan, sđd, tr.66).

Và: “Đại sư Trí Húc (Tức Đại sư Ngẫu Ích: 1599 - 1655, một vị danh tăng thông tuệ, cuối đời Minh, đầu đời Thanh) đã dẫn lời Phật dạy: “Có 2 vị Phật đang sống trong nhà các người, đó là cha và mẹ” (Vạn 35/154A)(4). Bởi vì kinh Bảo Tạng đã dạy: “ Hiếu sự với cha mẹ thì Vua trời Đế Thích ở trong nhà các người. Thực hành hiếu sự thì chủ trời Đại Phạm ở trong nhà các người. Và hành hiếu sự tận lực thì Đức Đại giáo Thích Tôn ở trong nhà các người” (Vạn 59/210A, dẫn) (5) (kinh Vu lan, sđd, tr.67).

co hoc 2.jpg

b) Kinh Tứ thập nhị chương (Đại đức Chúc Phú biên dịch, đối chiếu):

* Chương 9: Phân biệt cúng dường:

Chánh Văn:

Đức Phật dạy: “Bố thí thức ăn cho một trăm người bình thường không bằng hiến cúng cho một người thiện… (lược). Cúng thức ăn cho trăm ức vị Bích Chi Phật không bằng đem giáo lý Phật đà mà hóa độ cha mẹ hiện thời… Cúng thức ăn cho một người thiện thì phước đức đã rất sâu dày. Việc phụng thờ trời đất, quỷ thần, không bằng hiếu thảo với cha mẹ, vì cha mẹ là những vị thần tối thắng”.

Đối chiếu:

a) Tư liệu Hán Tạng:

- ĐTK/ĐCTT, tập 3, số 152: Kinh Lục độ tập, quyển thứ 3. Kinh Bố thí độ vô vô cực, số 17. Đời Đông Ngô, Sa-môn Khương Tăng Hội, người nước Khương Cư, Hán dịch: “…Lại như Duy Lam, trước bố thí và dâng cơm cho các bậc Hiền thánh, không bằng hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ…” (ĐTK Linh Sơn Pháp Bảo, dịch).

- ĐTK/ĐCTT, tập 3, số 174, kinh Bồ-tát Thiểm Tử, mất tên người Hán dịch, phụ vào dịch phẩm đời Tây Tấn:

“Phụng sự cha mẹ như con người thờ trời”

(Phụng sự phụ mẫu như nhân sự thiên).

- ĐTK/ĐCTT, tập 8, số 245: kinh Phật thuyết nhân vương Bát-nhã Ba-la-mật, quyển Hạ, Pháp sư Cưu Ma La Thập Hán dịch vào đời Diêu Tần.

“Thờ cha mẹ như thờ vua trời Đế Thích” (Sự phụ mẫu như sự Đế Thích).

- ĐTK/ĐCTT, tập 16, số 678: kinh Phật thuyết hiếu tử. Mất tên người Hán dịch, phụ vào dịch phẩm đời Tây Tấn.

“…Đức Phật nói với chư vị Sa-môn: Xem trong cuộc đời, sự hiếu thảo không gì bằng việc có thể khiến cho cha mẹ bỏ ác làm thiện, phụng giữ năm giới, tự quy ngưỡng nơi ba ngôi báu. Còn như sớm chiều lo phụng dưỡng, đối với ân sâu nặng đã từng cho bú mớm, dưỡng nuôi của cha mẹ, dù có dùng vô lượng sự báo đáp, nếu chẳng đem ba sự cao tột của 3 ngôi báu để giáo hóa cha mẹ, thì tuy làm công việc hiếu dưỡng cũng hãy còn là bất hiếu”. (Nguyên Huệ dịch).

b) Tư liệu Nikaya:

- Kinh Tăng chi bộ: kinh Ngang bằng với Phạm thiên:

“Này các Tỳ-kheo! Những gia đình nào, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Này các Tỳ-kheo! Những gia đình nào, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Này các Tỳ-kheo! Những gia đình nào, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường. Này các Tỳ-kheo! Phạm thiên là đồng nghĩa với cha mẹ. Này các Tỳ kheo! Các Đạo sư thời xưa là đồng nghĩa với cha mẹ. Này các Tỳ-kheo! Đáng được cúng dường là đồng nghĩa với cha mẹ…”.

(Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương 3 pháp, phẩm Sứ giả của trời, kinh Ngang bằng với Phạm Thiên. Thích Minh Châu dịch. Viện NCPHVN, 1996, tr.236).

- Kinh Tăng chi bộ, kinh Đất:

“Này các Tỳ-kheo! Ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích hướng dẫn an trú, các vị ấy vào lòng tin. Đối với cha mẹ theo giới ác, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào giới thiện. Đối với cha mẹ tham lam keo kiệt, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào bố thí. Đối với cha mẹ theo trí tuệ ác, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ thiện. Này các Tỳ-kheo! Cho đến như vậy là làm đủ và trả ơn đủ đối với cha mẹ”. (Kinh Tăng chi bộ 1, chương 2 pháp, phẩm Tâm thăng bằng, kinh Đất, Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN, 1996, tr.119 - 120.

Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, mục Nguyễn Văn Ngọc, đã cho biết: “Năm Giáp Tuất 1934, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã cùng với các học giả bạn tham gia vào việc thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ, và có công góp phần xây dựng chùa Quán Sứ làm Hội quán Trung ương”. (sđd, bản in 1999, tr.701).

Sách Việt Nam Phật giáo sử lược III của Nguyễn Lang còn cho biết, trong thời gian ấy, Nguyễn Văn Ngọc đã biên soạn sách Thuyết nghiệp báo. Rất tiếc là chúng tôi không tìm được tư liệu này để xem Nguyễn Văn Ngọc đã nêu dẫn bao nhiêu truyện kể có giá trị minh họa cho thuyết nhân quả, nghiệp báo của đạo Phật, coi như là những bổ sung cho mảng truyện thuộc ảnh hưởng của Phật giáo còn quá ít trong bộ sách Cổ học tinh hoa kia.

 Đào Nguyên

 _________________________

(1) Xem nguyên văn chữ Hán và bản Việt dịch bài kệ Hữu cú vô cú của Trần Nhân Tông trong Tam Tổ thực lục, HT.Phước Sơn dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xb, bản in 1995, tr.28 - 29 (bản dịch), trang 217/8b - 216/9a (bản chữ Hán). Đoạn kệ có nhắc đến “Đánh dấu thuyền tìm gươm” là:

Hữu cú vô cú

Phi hữu phi vô

Khắc chu cầu kiếm

Sách ký án đồ.

(Câu có câu không

Chẳng có chẳng không

Khắc thuyền mò kiếm

Tìm ngựa theo tranh).

(2) Trong truyện không nói là Dương Phủ mộ Phật, nhưng qua các chi tiết nơi truyện, như chúng tôi đã nêu biện trong bài viết, đều chứng tỏ là Dương Phủ, vào thời này là người mộ Phật, hoặc ít nhất là một người con hiếu thảo trong gia đình mộ Phật.

(3) Ký hiệu: Chính 2/601 có nghĩa là: Đại Tạng kinh Đại chính tân tu, tập 2, trang 601. Đối chiếu về số trang, tức biết đoạn kinh trên được trích dẫn từ kinh Tăng nhất A-hàm (ĐTK/ĐCTT, tập 2, No 125, 51 quyển, tr.549-831).

(4) Ký hiệu: Vạn 35/154A có nghĩa là: Tục Tạng kinh bản chữ vạn, tập 35, tr.154A.

(5) Ký hiệu: Vạn 59/210A nghĩa là: Tục Tạng kinh bản chữ vạn, tập 59, tr.210A, nêu dẫn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.