Vài nét tổng quan về những đại sư ngành tâm lý học Phật giáo

NSGN - Khoảng chín trăm năm sau Phật niết-bàn, tức khoảng thế kỷ thứ 4 Tây lịch, bấy giời tại Ấn Độ có Di-lặc xuất thế, diễn giảng Du-già-sư-địa luận, Vô trước ghi lại, rồi sáng tác thêm Đại trang nghiêm kinh luận, Nhiếp đại thừa luận, Hiển dương thánh giáo luận... đều là những tác phẩm phân tích tâm lý cực kỳ sâu sắc, đặt nền móng cho ngành tâm lý học Phật giáo phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, Thế Thân cũng viết Nhiếp đại thừa luận thích, Thập địa kinh luận, Biện trung biên luận, Duy thức nhị thập luận, Duy thức tam thập tụng, càng làm cho học thuyết tâm lý học ngày càng thêm sáng rỡ. Không lâu sau đó, Vô Tánh cũng tạo luận chú thích Nhiếp đại thừa luận. Rồi Pháp Hộ, Đức Huệ, An Huệ, Thân Thắng, Nan Đà, Tịnh Nguyệt, Hoả Biện, Thắng Hữu, Tối Thắng Tử, Trí Nguyệt, tất cả gồm 10 Đại luận sư tương tục sáng tác luận, hợp lực chú thích Tam thập tụng của Thế Thân thành tác phẩm Luận thành duy thức, khiến cho ngành tâm lý Du-già phát triển rộng khắp Ấn Độ.

GettyImages-486466925-58b5a5885f9b586046954fd6.jpg

Bài viết này xin giới thiệu sơ lược những vị luận sư lớn có công thành lập và phát triển ngành tâm lý học Phật giáo, chia chẻ nhận thức và phân tích các góc độ tâm lý rất khoa học.

1- VÔ TRƯỚC (Asaṅga), sống vào khoảng 310-390, Tổ sư phái Du-già hành (Yogācāra).

Ông là người Kiền-đà-la (Gandhāra), Bắc ấn. Ông cùng với người em là Thế Thân, là hai nhân vật lịch sử quan trọng của Phật giáo Ấn Độ.

Lúc đầu, Vô Trước xuất gia theo bộ phái Hóa địa (Mahiśāsaka, có thuyết nói là Tát-bà-đa bộ, Sarvāstivāda), nhưng sau một thời gian tu học ông nhận thấy giáo nghĩa của bộ phái này chưa thật sự được đầy đủ. Sau đó, ông theo học với La-hán Tân-đầu-lô (Piṇḍola) tu học phép Quán không, mặc dù có sở đắc, nhưng lòng chưa thỏa mãn.

Về sau, tương truyền, ông gặp Bồ-tát Di-lặc để học tập tiếp về giáo nghĩa Không, từ đó ông mới thấy an tâm, đồng thời ngộ nhập được phép Quán không của ‘Duy thức vô cảnh’. Nơi Bồ-tát Di-lặc, Vô Trước học được rất nhiều kinh luận.

Từ đó về sau tại Ấn Độ mới thạnh hành pháp môn Pháp tướng duy thức, Vô Trước trở thành một luận sư vô cùng quan trọng trong nền triết học tư tưởng Phật giáo tiếp nối sau ngài Long Thọ.

Vô Trước là người đặt nền móng cơ bản và cũng là người chủ trương hoằng dương Pháp tướng duy thức tại Ấn Độ. Căn nguyên của Pháp tướng duy thức học, theo như lời giới thiệu của Vô Trước, là từ cuốn Du-già sư địa luận mà Bồ-tát Di-lặc giảng dạy cho ông.

Vô Trước còn biên soạn Nhiếp đại thừa luận (Mahāyāna-saṃgraha), Hiển dương thánh giáo luận (Prakaraṇāryavācā-śāstra), Thuận trung luận thích, Kim cương kinh luận…

2- THẾ THÂN (Vasubandhu), em ruột ngài Vô Trước, là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng, như Câu-xá luận, Duy thức tam thập tụng...

Ông sống vào khoảng sau Phật Niết-bàn 900 năm, tức thế kỷ 4-5 Tây lịch (320-400), mất năm 80 tuổi tại nước A-du-đà.

Lúc đầu, Thế Thân xuất gia tu học theo Thuyết nhất thiết hữu bộ, thông thuộc ba tạng kinh, luật, luận của bộ phái này. Ông vốn bẩm tính thông minh, học rộng, nghe nhiều, thiên tài trời phú; từng sáng tác nhiều kinh luận, trong đó, tác phẩm nổi tiếng trở thành câu nói cửa miệng của thiên hạ là Câu-xá luận. Tác phẩm này biểu lộ thái độ căn bản của ông, lấy ‘Lý trường vi tông’1. Mặc dù là người của Thuyết nhất thiết hữu bộ, Thế Thân không hoàn toàn đứng về bộ phái mà đứng trên lập trường riêng của mình. Ông lấy quan điểm chính của Thuyết nhất thiết hữu bộ và cũng lấy cái hay của Kinh lượng bộ. Do đó, tác phẩm Câu-xá luận đã lý luận được phạm trù nhân quả mê ngộ mà cho đến nay lịch sử vẫn phải khẳng định giá trị của nó.

Sau bao nhiêu năm hoằng dương giáo nghĩa bộ phái, ông được người anh là Vô Trước khổ tâm khuyên bảo, cuối cùng ông cũng tỉnh ngộ quay sang Phật giáo phát triển và trở thành một kiện tướng của Phật giáo phát triển. Từ đó cho đến hết cuộc đời, Thế Thân nỗ lực hoằng dương giáo lý phát triển.

Suốt cuộc đời của Thế Thân, danh tiếng luôn sáng rực, không kể là học giả của bộ phái hay phát triển, thậm chí cả ngoại đạo cũng đều kính trọng, bội phục. Ông được quốc vương thời bấy giờ và giai cấp quý tộc thành tâm hộ trì.

Sau khi chú tâm phát triển Phật giáo, Thế Thân tận lực hoằng dương các pháp môn Du-già, Duy thức. Tương truyền, ông viết rất nhiều luận, cho nên người đời tôn xưng là ‘thiên bộ luận sư’ (bậc thầy viết ngàn bộ luận). Những tác phẩm vẫn còn gây ảnh hưởng cho đến ngày nay gồm có Câu-xá luận, Duy thức nhị thập tụng, Duy thức tam thập tụng, Thập địa kinh luận, Vô lượng thọ kinh ưu-ba-đề-xá nguyện sanh kệ…

Thế Thân là nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong những nhà tư tưởng Phật giáo, tác phẩm của ông đã từng thay đổi quan điểm lịch sử đương thời.

3- TRẦN NA (Dignāga), sống vào khoảng 380-460, là đệ tử của Thế Thân.

Trong cuốn Đại đường tây vực ký, Huyền tráng nói Trần-na là người nước Án-đạt-la (Andhra), Nam ấn, trú xứ ở dãy Cô sơn cách đô thành Bình-kỳ-la hơn 20 lý.

Ông là tác giả cuốn Nhân minh luận, tuyên dương luận Du-già sư địa.

Tuy nhiên, theo Tāranātha, tác giả cuốn Sử Phật giáo Ấn Độ, thì Trần-na sanh tại Kañci, vùng phụ cận Siṃha-vaktra, trong một gia đình Bà-la-môn. Lúc đầu, Trần-na theo học với ngoại đạo, sau mới xuất gia theo Độc tử bộ, tinh thông ba tạng Thanh văn. Sau đó, ông theo Thế Thân tu học. Ông còn theo học Minh chú, Bí pháp với một vị A-xà-lê khác, từng diện kiến Thánh dung Bồ-tát Văn-thù. Về sau, ông lui về trú trong hang động tại khu rừng quốc gia Odiviśa, chuyên tu tập thiền định trải qua nhiều năm. Rồi lại đến Đại học Nalanda chiết phục các luận sư ngoại đạo, giảng dạy kinh cho học trò, sáng tác luận. Được một thời gian, ông lại quay về nước Odiviśa, được Bồ-tát Văn-thù khuyến giới, ông soạn bộ Tập lượng luận.

Ông cũng từng đi khắp Ấn Độ để thu phục các luận sư ngoại đạo, phục hưng các đạo tràng Phật giáo bị hoang phế… Rồi lại trở về Odiviśa giáo hóa, đệ tử theo học rất đông. Ông viên tịch trong hang động tại khu rừng quốc gia Odiviśa.

Trần-na là người sáng lập Tân nhân minh, để lại nhiều công trình Nhân minh học bất hủ, cho nên người đời sau xưng tán ông là ‘Người cha của ngành chính lý luận ở Ấn Độ’.

4- THÂN THẮNG - Bandhuśri (Ban-tẩu-thất-lợi). Không rõ lai lịch của ngài, chỉ biết ngài cùng thời với Thế Thân và đã từng lược thích tác phẩm Duy thức tam thập tụng, chỉ rõ diệu ý rất khế hợp của tác giả, các luận sư đời sau đều y cứ vào tác phẩm này, tuy nhiên hiện tác phẩm đã thất truyền.2

5- HỎA BIỆN - Citrabhāna (Chất-đát-la-bà-nã). Ngài cùng thời với Thế Thân, sanh vào khoảng cuối thế kỷ 4 Tây lịch. Văn chương rất đẹp, rất giỏi chú thuật, sống đời ẩn dật nhưng vẫn hết lòng với bạn đồng tu, đạo đức cao thâm.3

6- ĐỨC HUỆ - Guṇamati (Cù-nã-mạt-để, Cầu-na-ma-đế, Cù-na-ma-để), sống vào khoảng thế kỷ thứ 5 - 6 Tây lịch, là thầy của An Huệ.

Ngài thông tam tạng, tỏ lý Tứ đế, thiền định thâm sâu, từng ở trước quốc vương nước Ma-yết-đà (Magadha) nghị luận và đánh đổ luận sư phái Số luận là Ma-đạp-bà (Madhava), từ đó thanh danh của ngài nổi khắp nước. Vua xây chùa cho ngài ở, cúng dường rất nồng hậu. Bấy giờ, các đệ tử của ngoại đạo Số luận bèn đến các nước lân cận chiêu mộ người tài giỏi, tập hợp ở Tuyết sơn, lập đàn nghị luận, ba phen đối luận ngài đều thắng cả.

Sau đó, ngài đến tu viện Na-lan-đà (Nālanda), danh tiếng lại thêm rực rỡ. Rồi ngài cùng với học tăng Kiên huệ (Sāramati) đến trú ở tu viện A-chiếc-la (Ācāra), nước Phạt-lạp-tì (Valabhi).

Tương truyền, tác phẩm của ngài gồm có Tùy tướng luận (tác phẩm này chú thích luận Câu-xá), Trung luận sớ và Duy thức tam thập tụng thích. Trong đó, hai cuốn Tùy tướng luận và Duy thức tam thập tụng thích nguyên bản đã mất. Tuy nhiên, trong Đại tạng kinh của Tây Tạng còn có những tác phẩm khác của ngài, đó là Duyên khởi sơ phần phân biệt thuyết luận sớ (Pratītya-samutpā-dādi-vidhaṅga-nirdeśa-ṭīkā) và Giải thoát như lý luận sớ (Vyākhyā-yukti-tīkā), đều là những tác phẩm chú giải luận của Thế Thân.4

7- AN HUỆ - Sthiramati (Tất-sỉ-la-mạt-để), người Nam Ấn, nước La-la, tức quốc vương Phạt-lạp-tì (Valabhi). Ngài sanh sau Phật Niết-bàn khoảng 1.100 năm, tức khoảng thế kỷ thứ 7 - 8 Tây lịch.

An Huệ thấu suốt nội, ngoại điển, tinh thông Duy thức, Nhân minh. Ngài kế thừa tư tưởng của thầy mình là Đức Huệ, và truyền lại cho người đời sau là Chân Đế.

Về mặt học thuật thì An Huệ kế thừa Nan-đà, đồng thời hấp thu sở trường của Trần-na, lấy học thuyết nhị phân và tam phân dung thông với thuyết Duy thức trong Nhiếp đại thừa luận và Biện trung biên luận.

Tác phẩm của ngài gồm có Đại thừa a-tì-đạt-ma tạp tập luận, 16 quyển, Đại thừa quảng ngũ uẩn luận, 1 quyển, Đại thừa trung quán thích luận, 9 quyển, Câu-xá thật nghĩa sớ, 5 quyển, Duy thức tam thập tụng thích luận. Trong đó, tác phẩm Câu-xá thật nghĩa sớ được học giả P. Pelliot phát hiện ở động Đôn Hoàng, sau được đưa vào Đại chính tạng, quyển 29. Còn Duy thức tam thập tụng thích luận (Triṃśikā-vijña-pti-bhāṣya) là tác phẩm giải thích cuốn Duy thức tam thập tụng của Thế Thân. Tác phẩm này mới được tìm thấy nguyên bản bằng Phạn ngữ ở Nepal và đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Nhật.5

8- HOAN HỶ - Nanda (Nan-đà), người đời tôn xưng là Thắng quân tổ sư Nan-đà tôn giả. Ngài là người cùng thời với An Huệ, Tịnh Nguyệt.

Trong các nhà tâm lý học Phật giáo, tức các nhà Duy thức học, ngài và Tịnh Nguyệt chủ trương thuyết Kiến - Tướng nhị phần (hai mặt của nhận thức là chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức), đương thời gọi là ‘nhị phần gia.’

Nanda còn nổi danh nhờ kiến lập thuyết Tân huân chủng tử (hạt giống mới huân tập). Ngài phủ nhận thuyết Chủng tử bản hữu, chủ trương rằng mọi chủng tử đều do huân tập hiện đời mà sinh ra, cho nên xưa nay người ta gọi ngài là ‘nhà tân huân.’ Nanda cũng từng chú thích tác phẩm Duy thức tam thập tụng của Thế Thân và Du-già sư địa luận của Di-lặc.6

9- TỊNH NGUYỆT - Śuddhacandra (Thú-đà-chiến-đạt-la). Ngài cùng thời với An Huệ, tức khoảng đầu thế kỷ 7-8 Tây lịch.

Ngài từng giải thích Duy thức tam thập tụng của Thế Thân, chú thích Đại thừa a-tì-đạt-ma tập luận của Vô Trước, Thắng nghĩa thất thập luận của Thế Thân.

Ngài đồng tư tưởng với Nanda, chấp nhận chủ trương của An Huệ, cho rằng thức thứ 8 là thường hằng, không chuyển biến, năng lập và tự lập, cho nên đều không có hữu y. Trên bình diện tương đối, Tịnh Nguyệt cho rằng, thức thứ 8 là chỗ nương tựa của thức thứ 7.7

10- HỘ PHÁP - Dharmapāla (Đạt-ma-pa-la), người nước Đạt-la-tì-trà (Drāviḍa), Nam Ấn, từng thọ pháp và áo nghĩa Duy thức học từ những bậc thầy tên tuổi là Trần-na, Thế Thân, Vô Trước. Nhờ chú thích tác phẩm Duy thức tam thập mà danh vang thiên hạ.

Ngài thọ mạng ngắn ngủi, sinh năm 530, tịch năm 561, khi mới 32 tuổi! Sau khi xuất gia, ngài đến hoằng pháp tại Na-lan-đà, học trò theo học rất đông, nhưng từ năm 29 tuổi đến cuối đời, ngài trở về ẩn cư tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo, để chuyên tâm thiền quán và trước thuật rồi viên tịch tại đây. Khuy Cơ, trong tác phẩm Thành duy thức luận thuật ký, ghi nhận rằng, sở học của sư “như suối nguồn ở biển sâu, sự hiểu biết lại sáng rỡ như mặt trời, nội điển thông tỏ cả nguyên thủy lẫn phát triển, văn chương đẹp cả đời lẫn đạo. Người đời bấy giờ đều tán thán rằng, Phật giáo có người này cũng giống như mặt trời, mặt trăng tỏa ánh sáng làm đẹp bầu trời, cũng như đứng nhìn ra biển cả thấy đất trời mênh mông không bờ bến. Từ thời ngài Thiên Thân trở về sau chỉ có một người này mà thôi!”8

Bấy giờ, Thanh Biện (Bhavaviveka, luận sư Trung quán, người Nam Ấn), nghe danh đồn của sư nên cho người đến đảnh lễ thăm hỏi. Sư hai lần tương kiến và nhận thấy có chỗ khác biệt, liền từ chối tranh luận và không tiếp kiến nữa.

11- THẮNG HỮU - Viseṣamitra (Tì-thế-sa-mật-đa-la), sống cuối thế kỷ 6 Tây lịch, là đệ tử của ngài Hộ Pháp, tu ở tu viện Na-lan-đà, Ấn Độ. Hành trạng của sư bất tường.

12- THẮNG TỬ - Jinaputra (Chấn-na-phí-đa-la), còn gọi là Tối Thắng Tử, sống vào khoảng cuối thế kỷ 6 Tây lịch, đồng môn với Thắng Hữu, cùng là đệ tử của Hộ Pháp. Tác phẩm của ngài gồm có Du-già sư địa luận thích, Chú thích Duy thức tam thập tụng, Bồ-tát giới phẩm thích, Tập luận thích…

13- TRÍ NGUYỆT - Jñānacandra (Nhược-na-chiến-đạt-la), đệ tử của ngài Hộ Pháp, là học tăng ở viện đại học Na-lan-đà. Hành trạng bất tường.

Theo sự giới thiệu trong Thành duy thức luận thuật ký thì, Thân Thắng, Hỏa Biện là hai luận sư sống cùng thời với Thế Thân và chính là hai người đầu tiên lược thích tác phẩm Thành duy thức luận. Đức Huệ thì cùng thời với Trần-na và là thầy của An Huệ. Tịnh Nguyệt, Nan-đà, An Huệ cũng là người sống cùng thời đại. Hộ Pháp từng học với Trần-na, còn Thắng Hữu, Tối Thắng Tử và Trí Nguyệt cả ba người đều là học trò của Hộ Pháp.

14- VÔ TÍNH (Asvabhāva), người thế kỷ thứ 6 Tây lịch, là một nhà tư tưởng Duy thức thời Trung kỳ.

Về tư tưởng, căn cứ vào chính những tác phẩm của ông, thì biết ông có khuynh hướng về thuyết ‘hữu tướng duy thức’, thuộc hệ thống tư tưởng của Trần-na. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cũng phát hiện ông có mối quan hệ mật thiết với An Huệ, người chủ trương thuyết ‘Vô tướng duy thức’.

Tác phẩm chính của ông gồm có hai bộ, Nhiếp đại thừa luận thích (Mahāyā-nasaṃgrahopanibandhana), giải thích Nhiếp đại thừa luận của Vô trước; và Đại trang nghiêm kinh luận chú sớ (Mahāyānasūtrālaṃkāraṭīkā), giải thích tác phẩm Đại trang nghiêm kinh luận chú thích của Thế Thân.

15- GIỚI HIỀN (Śīlabhadra), danh tăng của Đại học Nālanda, sống vào khoảng 528-651.

Sư là người Đông Ấn, vốn dòng giỏi vua chúa vương triều Samatata, theo đạo Bà-la-môn. Thuở thiếu thời, Giới Hiền rất ham học và ưa đi du lịch với mục đích tìm kiếm bậc minh triết. Khi đến quốc vương Ma-kiệt-đà, sư gặp được Hộ Pháp liền xuất gia và tu học tại Đại học Nalanda.

Sau khi xuất gia, Giới Hiền thâm cứu Du-già, Duy thức luận, tinh thông Nhân minh (luận lý học của Phật giáo), Thanh minh (Văn pháp học)… nên thanh danh đồn khắp thiên hạ.

Thời bấy giờ, ở Nam Ấn có một ngoại đạo cũng rất nổi tiếng, vì ganh tị danh tiếng của Hộ Pháp nên đã gởi thiếp mời nghị luận. Giới Hiền xin phép được đại diện cho thầy để luận chiến với ngoại đạo, kết quả đại thắng. Quốc vương tán thưởng, kiến lập chùa riêng cho sư ở. Năm ấy Giới Hiền mới 30 tuổi.

Từ khi nhậm chức trụ trì Đại học Nalanda, Giới Hiền nỗ lực hoằng truyền giáo nghĩa Duy thức, đồng thời căn cứ Kinh giải thâm mật, Luận Du-già sư địa… để tổng hợp toàn bộ lời dạy suốt cuộc đời của Đức Phật thành ba giai đoạn là Hữu - Không - Trung đạo. Giới Hiền khẳng định Pháp tướng học (tức giáo lý Duy thức học) là Chân liễu nghĩa, chủ trương học thuyết Năm chủng tánh.9

Lúc Huyền Tráng du học sang Ấn Độ thì Giới Hiền đã 106 tuổi, là Trưởng lão lớn tuổi nhất ở Đại học Nalanda và được tôn kính nhất. Huyền Tráng liền theo hầu Giới Hiền. Giới Hiền đem toàn bộ hệ thống Pháp tướng tông của Thế Thân truyền cho Huyền Tráng. Bấy giờ, vì tuổi quá cao, Giới Hiền không lên giảng đường giảng dạy cho học trò nữa, nhưng khi Huyền Tráng đến, Sư đặc biệt vì Huyền Tráng mà khai giảng khóa Du-già sư địa luận, trước sau tổng cộng ba lần giảng, trải qua chín tháng ròng. Ngoài ra, lại đặc biệt vì Huyền Tráng mà khai giảng Thuận chính lý luận, Hiển dương luận, Đối pháp luận, Nhân minh, Thanh minh, Tập lượng, Trung luận, Bách luận…

Những đại sư trên đều có công phát triển ngành tâm lý học Phật giáo, nhưng cũng có lập trường riêng, chứ không phải cùng thống nhất hoàn toàn về mọi quan điểm. Chẳng hạn, đối với khái niệm chủng tử, Nan-đà chủ trương thuyết tân huân, Hộ Nguyệt (không nằm trong số 10 luận sư) lại chủ trương thuyết bản huân, trong khi đó Hộ Pháp thì chủ trương thuyết bản hữu tân huân hợp sinh. Đối với thuyết tứ phần10, Hỏa Biện và Trần-na cùng chủ trương thuyết tam phần; Thân Thắng, Đức Huệ chủ trương thuyết nhị phần; An Huệ chủ trương thuyết nhất phần, Nan-đà, Tịnh Nguyệt chủ trương thuyết Nhị phần (nhưng khác với Thân Thắng và Đức Huệ).

Hai luận điểm trên đây thì quan điểm của Hộ Pháp và An Huệ có uy lực hơn hết, sau này Huyền Tráng, Chân Đế… đều ảnh hưởng bởi Hộ Pháp. Trong quá trình phát triển ngành tâm lý học Phật giáo, học thuyết và duy danh của Hộ Pháp độc cứ một phương, cho nên mọi nghiên cứu đều lấy tư tưởng của Hộ Pháp làm chỉ nam. Do đó, tác phẩm Thành duy thức luận dù được 10 đại luận sư hợp sức luận thích mà thành, nhưng chủ yếu lấy học thuyết của Hộ Pháp làm trọng tâm. Tác phẩm ấy hầu hết là làm sáng tỏ học thuyết của Hộ Pháp, theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu!

Tác phẩm giải thích luận hiện còn được lưu truyền trọn vẹn nhất là tác phẩm Tam thập tụng thích luận (Triṃśikā-bhāṣya) của An Huệ, còn cả nguyên bản tiếng Phạn và bản dịch tiếng Tây Tạng.

Sau khi Huyền Tráng du học trở về nước, ông đã phiên dịch và truyền bá kinh luận của trường phái tâm lý học du-già, đồng thời hoằng tuyên huyền chỉ của pháp tướng Duy thức. Những người đến thọ giáo với Huyền Tráng về giáo nghĩa của tông này rất đông, đặc biệt có các học trò trứ danh như Khuy Cơ, Thần Phưởng, Gia Thượng, Phổ Quang, Thần Thái, Pháp Bảo, Huyền Ứng, Huyền Phạm, Biện Cơ, Ngạn Tông, Viên Trắc…Trong đó, Thần Phưởng đã sáng tác Duy thức văn nghĩa chương ký; Huyền Ứng trước tác Duy thức khai phát; Viên trắc sáng tác Giải thâm mật kinh sớ, Thành duy thức luận sớ… Rồi Đạo Chứng trước tác Duy thức luận yếu tập. Thái Hiền, Thiền tăng nước Tân-la học từ Đạo Chứng được yếu chỉ của luận đã viết ra Duy thức luận cổ tích ký, sau người đời tôn xưng ông là Tổ của Du-già ở Đông Hải.

Khuy Cơ, học trò đắc pháp của Huyền Tráng, chính thức trở thành người kế thừa Pháp tướng tông, trú ở chùa Đại Từ Ân, Trường An, đã làm sáng rỡ ngành tâm lý học một thời. Người đời đã tôn xưng ông là Từ Ân đại sư. Ông trước tác Du-già sư địa luận lược toản, Thành duy thức luận thuật ký, Thành duy thức luận chưởng trung khu yếu, Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương…tập thành Bổn tông tập.

Tiếp đến, Huệ Chiểu trước tác Thành duy thức luận liễu nghĩa chứng, đả phá những ý nghĩa sai lầm của Viên Trắc… Về sau còn có Đạo Ấp, Trí Châu, Nghĩa Trung… Trí Châu viết Thành duy thức luận diễn bí, phát dương u chỉ của Thành duy thức luận thuật ký, đồng thời ông cũng chú giải những ý nghĩa khó hiểu trong đó.

Ba tác phẩm Thành duy thức luận chưởng trung khu yếu, Thành duy thức luận liễu nghĩa chứng, Thành duy thức luận diễn bí, đã tập hợp thành tên gọi Duy thức tam sớ, góp phần củng cố thế đứng của ngành tâm lý học Phật giáo tại Trung Quốc trong thời kỳ trăm hoa đua nở, các tông phái khác như Thiền tông, Hoa Nghiêm… ngày một hưng thịnh.

Thế nhưng, một thời gian sau, ngành tâm lý học Pháp tướng tông nhanh chóng suy yếu, nhường chỗ cho Thiền tông và Hoa Nghiêm tông… hưng thạnh. Đến triều nhà Tống trở về sau thì Pháp tướng tông mất hẳn sự ảnh hưởng và tưởng chừng không còn dấu tích. Mãi đến triều nhà Minh, Trí Húc đại sư đã viết Thành duy thức luận tâm yếu, Minh dục sáng tác Thành duy thức luận tục thuyên, Thông nhuận viết Thành duy thức luận tập giải, Quảng thừa sáng tác Thành duy thức luận âm nghĩa v.v… đã vực dậy tư tưởng Pháp tướng tông một thời. Tuy vậy, phải đến thời Dân quốc trở về sau, Âu Dương Cánh Vô (1872-1944) mới đại xương bổn tông, sáng lập Chi-na nội học viện, Pháp tướng đại học, phân chia bổn tông thành hai khoa là Vô Trước pháp tướng học và Thế Thân duy thức học. Thái Hư đại sư cũng cật lực phát huy tư tưởng của tông này. Ngoài ra, Chiếu Thập Lực (1882-1968) cũng có sáng tác Tân duy thức luận, và đã từng tranh biện với Ấn Thuận đại sư, làm khơi dậy lòng đam mê nghiên cứu tâm lý học Phật giáo. Dù vậy, đến nay mọi nghiên cứu về du-già, duy thức hay tâm lý học Phật giáo đều chuyển hướng sang phương Tây và ít nhiều đã gây chú ý cho ngành phân tâm học hiện đại.

Thích Nguyên Hùng

__________________

(1) Lý trường vi tông, 理長爲宗, lấy đạo lý làm tông chỉ. Nghĩa là không cố chấp vào tông nghĩa của bất cứ tông phái nào, mà chỉ vận dụng đạo lý một cách tự do để phê phán các tông, kể cả tông phái của chính mình.

(2) ĐTK/ĐCTT, T.43, n°. 1830, p. 231b27.

(3) Sách dẫn thượng.

(4) Xem Lịch đại Tam bảo ký, quyển 11; Đại Đường Tây Vức ký, quyển 8, 9, 11; Nam hải ký quy nội pháp truyện, quyển 4…

(5) Xem Thành duy thức luận chưởng trung khu yếu; Thành duy thức luận đồng học sao; Nam hải ký quy nội pháp truyện…

(6) Xem Thành duy thức luận, quyển 1; Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng…

(7) Sách dẫn thượng.

(8) ĐTK/ĐCTT, T. 43, n°. 1830, p. 231b27.

(9) Ngũ chủng tính, 五種姓, pañca gotrāṇi: Thinh văn thừa chủng tính, Độc giác thừa chủng tính, Như Lai thừa chủng tính, Bất định chủng tính, Vô chủng tính.

(10) Tướng phần, kiến phần, tự chứng phần và chứng tự chứng phần.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.