Hòa thượng Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương; cùng chư tôn đức Văn phòng II Trung ương, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, quận Gò Vấp, chư Tăng Ni tông môn đã thành kính niêm hương tưởng niệm tưởng nhớ đến những công hạnh của ngài đóng góp cho đạo pháp và dân tộc.
Chân dung cố Hòa thượng Thích Định Quang |
Theo đó, ngài xuất gia tại chùa Phước Long với Hòa thượng Hồng Phước, trụ trì chùa Từ Quang, được ban pháp danh Nhựt Kiến, hiệu Không Tâm, nối đời 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Năm 1948, việc tu học đang tiến triển đều đặn, hầu mong nối chí thầy Tổ thì bổn sư viên tịch, khi xứ sở đang bị thực dân Pháp trở lại xâm lược lục tỉnh Nam kỳ, những phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc nổi lên khắp nơi, không bàng quan trước thời cuộc, ngài đã tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong và Phật giáo cứu quốc Nam bộ.
Chư tôn đức giáo phẩm cử hương tưởng niệm |
Năm 1950, nhân duyên hội đủ, ngài xin cầu pháp với Hòa thượng Chơn Thành, chùa Bình An, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Năm 1957, ngài lên Sài Gòn tham dự khóa huấn luyện trụ trì Như Lai Sứ giả do Giáo hội Tăng-già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội, Chợ Lớn.
Năm 1959, được bổn đạo cung thỉnh về trụ trì chùa Huỳnh Kim, là ngôi chùa của gia tộc họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Sắc hiến cúng. Từ đây, ngài dừng bước tại trụ xứ này để thực hiện công hạnh một đời hành đạo của mình như ước nguyện.
Do dịch bệnh vẫn còn lây nhiễm cộng đồng nên lễ húy nhật cố Hòa thượng được cử hành hạn chế người tham dự |
Sau pháp nạn 1963, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập, ngài được Giáo hội cử đảm nhiệm nhiều Phật sự qua các chức vụ: Phó Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh - Kiến thiết, Đặc ủy Tăng sự tỉnh Gia Định, Chánh đại diện tỉnh Gia Định nhiệm kỳ I.
Để đóng góp thiết thực cho sự nghiệp đào tạo Tăng tài, ngài đã thành lập Phật học viện Huệ Quang tại chùa Huỳnh Kim, giảng dạy chương trình Sơ đẳng đến Trung đẳng Phật học chuyên khoa; sau đó xây dựng trường Bồ Đề Huệ Quang bên cạnh Phật học viện.
Năm 1975, đất nước thống nhất, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM thành lập, ngài được phân công là Trưởng Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 11. Năm 1979, sau khi Hòa thượng Bửu Chơn phụ trách quận Gò Vấp viên tịch, ngài được phân công trở lại quận nhà để đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước năm 1981.
Khóa lễ cung tiến Giác linh tại tổ đường |
Hòa thượng được suy cử đảm nhiệm Ủy viên Tài chánh thuộc Thành hội Phật giáo Thành phố suốt 3 nhiệm kỳ đầu, chứng minh cho Phật giáo quận và tiếp theo là Chánh Đại diện Phật giáo quận nhà. Trong nhiệm kỳ 4 của Thành hội Phật giáo, ngài đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Kiểm soát và Trưởng ban Kiểm Tăng Thành hội Phật giáo TP.HCM.
Năm 1993, ngài đã tổ chức trùng tu chánh điện chùa Huỳnh Kim. Cuối năm 1993, ngài mở lớp học tình thương tại cơ sở để giúp đỡ các cháu thiếu nhi nghèo, mồ côi không có điều kiện đến trường được thoát nạn mù chữ.
Thượng tọa Thích Giác Trí, trụ trì chùa Huỳnh Kim cùng chư tôn đức tông môn tác bạch cúng dường |
Năm 1994, ngài được chính quyền địa phương cho phép thành lập Hội Tương tế Kim Quang, với số hội viên gần 5.000 người, không phân biệt thành phần tôn giáo, nhằm tương trợ lúc về già, bằng cách tự nguyện đóng góp khi có người từ trần. Năm 1997, tại Đại hội Phật giáo TP.HCM lần thứ V, ngài được suy cử làm Phó ban Trị sự Thành hội Phật giáo, kiêm Chứng minh Ban Đại diện Phật giáo quận Gò Vấp.
Cuối tháng 11 năm 1997, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Hòa thượng được đại hội suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh và Chứng minh Ban Hoằng pháp Trung ương.
Hòa thượng viên tịch vào lúc 16 giờ 30 ngày mùng 7-9-Kỷ Mão (nhằm ngày 15-10-1999) tại trú xứ chùa Huỳnh Kim, trụ thế 76 năm, 51 Hạ lạp.