Lễ tưởng niệm 73 năm ngày Hòa thượng Thích Bửu Đăng viên tịch

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 7-10 (nhằm 2-9-Tân Sửu), chư Tăng nội tự chùa Linh Sơn Hải Hội (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã trang nghiêm tổ chức tưởng niệm 73 năm ngày Hòa thượng Thích Bửu Đăng viên tịch.
Do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp nên lễ tưởng niệm được tổ chức nội bộ - Ảnh: Quảng Lạc

Do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp nên lễ tưởng niệm được tổ chức nội bộ - Ảnh: Quảng Lạc

Theo đó, Hòa thượng Thích Bửu Đăng thế danh Trần Ngọc Lang, sinh năm 1907 tại xã Bình Mỹ, tỉnh Gia Ðịnh, trong gia đình có truyền thống Phật giáo nhiều đời và được song thân cho phép ở chùa Vạn Đức từ thuở ấu thơ.

Khi tuổi thiếu niên, ngài được bổn sư là Hòa thượng Thích Chánh Hòa cho phép thế độ xuất gia và đặt pháp danh là Hồng Lang. Ngài thọ Cục túc giới năm 1924, được ban pháp hiệu là Bửu Ðăng, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40.

Năm 1931, ngài được cung thỉnh xây cất và trụ trì ngôi chùa tại làng Bình Hòa (Gia Ðịnh). Xây dựng xong, ngài đặt tên cho ngôi chùa là Hải Hội và hành đạo ở đây trong 9 năm.Năm 1941, ngài làm đơn xin dời chùa Hải Hội từ làng Bình Hòa lên làng An Hội (tổng Bình Trị Thượng, Gò Vấp). Ngôi chùa mới lấy hiệu là Linh Sơn Hải Hội, rộng rãi và khang trang có vườn tược để tự túc kinh tế cho đời sống tu hành.

Trong hoản cảnh đất nước loạn lạc dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nhận thức rõ trách nhiệm của người tu sĩ Việt Nam, ngài đã “cởi áo Cà-sa khoác chiến bào”, tham gia kháng chiến chống Pháp trên tinh thần của một Bồ-tát đại sĩ.

Năm 1946, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ ra đời, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng. Sau đó, Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Ðịnh được thành lập, ngài được chư tôn đức cử làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Tường Quang, xã An Phú Ðông.

Năm 1948, trên đường từ trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc ở chùa Tường Quang trở về chùa Linh Sơn Hải Hội, do có sự chỉ điểm của mật thám, ngài bị giặc Pháp phục kích bắt giữ. Sau 3 ngày bị tra khảo, ngài vẫn nhất quyết không cung khai bất cứ tin gì; giặc Pháp xử bắn ngài tại cầu Tham Lương (huyện Hóc Môn). Sau khi được tin, Mặt trận Việt Minh và Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Ðịnh đã làm lễ truy điệu ngài trọng thể.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của ngài, sau khi thống nhất đất nước, Hòa thượng đã được Nhà nước truy tặng Bằng Tổ Quốc ghi công, Huân chương Độc lập hạng nhì.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.