Đại lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, thế danh là Lý Duy Kim (1907-1985), nguyên quán xã Tân An, tỉnh Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương).
Năm lên 13 tuổi, ngài được Tổ Huệ Đăng nhận làm đệ tử, cho xuống tóc xuất gia tại chùa Thiên Thai, tỉnh Bà Rịa.
Bia văn tại bảo tháp Đại lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt tại tổ đình Thiên Thai |
Trong thời gian tu học tại đây, ngoài những thời khóa thiền môn, ngài hầu cận bên Tổ Huệ Đăng, được dự nghe những buổi tọa đàm giữa Tổ Huệ Đăng và cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Năm Mậu Dần (1938), ngài xin phép Hòa thượng bổn sư tham học khắp nơi, vừa mở mang trí tuệ, vừa thâm nhập thực tại hoàn cảnh đất nước ở nhiều khía cạnh. Ngài đã nhiều lần đến chùa Phật Bổn (Cần Thơ), Bửu Long (Mỹ Tho), Long An (Sài Gòn), Vĩnh Tràng (Tiền Giang), Ô Môi (Đồng Tháp), Thiên An... để thuyết giảng và có cái thấy biết thực tế ở nhiều địa phương, cảm nhận về đời sống của người dân và xã hội.
Chư vị tôn túc Hòa thượng Thích Trí Độ, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào lễ Phật tại chùa Xá Lợi trong buổi tiếp đón đại biểu Phật giáo 2 miền dự Hội nghị hiệp thương thống nhất (8-1975) - Ảnh tư liệu Báo Giác Ngộ |
Từ năm Ất Dậu (1945), ngài được tín nhiệm cử vào các chức vụ Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ, Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Mỹ Tho, Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc khu Sài Gòn - Gia Định, Ủy viên Mặt trận tỉnh Mỹ Tho, Ủy viên khu Sài Gòn - Gia Định và kỳ bộ Việt Minh Nam bộ.
Năm Giáp Ngọ (1954) sau Hiệp định Genève, ngài vận động được rất nhiều tự viện làm cơ sở giúp đỡ che giấu cán bộ hoạt động cách mạng ngay trong vùng bị kiểm soát. Lúc này ngài là vị tiêu biểu cho lực lượng Tăng sĩ hoạt động yêu nước, bị chính quyền Ngô Đình Diệm chú ý và theo dõi rất gắt gao. Trong thời gian hoạt động bí mật, ngài từng chủ trương xuất bản nguyệt san Tinh Tấn (1947) và tập san Tổ Quốc (1956).
Đức Pháp chủ và chư vị Hòa thượng tưởng niệm, dâng trà cúng dường trước bảo tháp |
Năm Canh Tý (1960) ngày 6-4, một cơ sở bị lộ. Tất cả cán bộ cốt cán bị bắt, trong đó có ngài. Ngài bị đày ra Côn Đảo với mức án 20 năm tù khổ sai.
Năm Giáp Dần (1974), sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngài được trao trả về vùng giải phóng Lộc Ninh, sau thời gian bị lưu đày khổ sai nơi Côn Đảo hơn 15 năm.
Năm Ất Mão (1975), ngài gặp lại các vị lãnh đạo Phật giáo sau bao nhiêu năm xa cách. Bằng khả năng và uy tín của mình trước tình hình mới của đất nước, ngài được cử vào các chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TP.HCM, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM…
Vườn tháp tại tổ đình Thiên Thai |
Ngài được cử đảm trách vai trò Chủ nhiệm Báo Giác Ngộ, cơ quan báo chí Phật giáo đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất từ khi thành lập vào tháng cuối năm 1975. Ngài đã cùng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Minh Châu... tham dự Hội nghị Tôn giáo Thế giới tại Liên bang Xô Viết, tham dự Hội nghị Phật tử châu Á vì Hòa bình tại Mông Cổ...
Ban trù bị Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập, ngài được cử làm Phó Trưởng ban kiêm Trưởng ban Thông tin. Năm 1981, tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, thành lập GHPGVN, ngài được suy tôn vào ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.
Thời gian tiếp theo sau đó, ngài về an trú và làm việc tại chùa Long Hoa (Q.10, TP.HCM) và viên tịch tại đây vào ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Tý (18-1-1985), trụ thế 77 năm, 57 năm hành đạo.
Kim quan ngài được đưa về nhập tháp nơi chùa Tổ Thiên Thai (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay) theo di nguyện của ngài lúc sinh tiền “lá rụng về cội”.