Tu viện Rumtek ở Sikkim

NSGN - Sikkim là một tiểu bang thuộc Ấn Độ, giáp ranh với Tây Tạng và nằm giữa những rặng núi Himalaya hùng vĩ với những thung lũng phì nhiêu cùng những con sông xinh đẹp. Sikkim được xem là một xứ sở có nền văn hóa mang đậm màu sắc Phật giáo; triết học và tư tưởng Phật giáo giữ một vị trí vững chắc ở vùng đất này.
Rumtek.jpg
Tu viện Rumtek là công trình nổi tiếng nhất tại Sikkim

Phật giáo được truyền đến Sikkim vào khoảng thế kỷ XV-XVI, mặc dù người dân ở đây tin rằng Đại sư Liên Hoa Sanh (Guru Padmasambhava) đã đến vùng đất này vào thế kỷ thứ VIII và đã ban phúc lành cho người dân ở đây. Ngài cũng mong rằng Sikkim sẽ trở thành một vương quốc Phật giáo về sau; và điều này đã trở thành hiện thực khi Sikkim có đến 333 năm theo chế độ quân chủ Phật giáo cho đến khi nó sáp nhập vào Ấn Độ vào năm 1975. Tín đồ Phật giáo ở Sikkim chủ yếu là người Tây Tạng và người Bhutan. Phật giáo ở Sikkim theo truyền thống Mật tông Tây Tạng với một số trường phái khác nhau như Kagyu, Nyingma và Gelug…  Ngày này có rất nhiều chùa chiền, cơ sở tu học và trung tâm nghiên cứu Phật học ở Sikkim.

Rumtek là một trong những tu viện Phật giáo lớn nhất ở Sikkim, và cũng là một trong những địa điểm hành hương quan trọng của người Phật tử ở vùng đất này. Tầm quan trọng của tu viện tăng lên sau khi Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng dẫn đến nhiều vị tu sĩ đào thoát đến Sikkim. Tu viện này là nơi lưu trú của Karmapa, một trong những Tăng sĩ giữ vị trí quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng, chỉ xếp sau Dalai Lama và Ban-thiền (Panchen) Lama. Nó cũng là trụ sở chính của bộ phái Kagyu, một bộ phái theo phái Mũ Đỏ1, của Phật giáo Tây Tạng ở bên ngoài lãnh thổ Tây Tạng và cũng được gọi là Trung tâm Dharmachakra. Phái Kagyu (cũng còn được gọi là Kagyupa hay Kagyud) là một trong sáu truyền phái chính của Phật giáo Tây Tạng được hình thành vào thế kỷ XII ở Tây Tạng.

Tọa lạc cách Gangtok (thủ phủ của bang Sikkim) khoảng 23km, tu viện được vị vua thứ tư của Sikkim xây dựng dưới sự bảo trợ của vị Karmapa thứ chín là Wangchuk Dorje (vị đứng đầu của phái Karma Kagyu) vào năm 1740. Tu viện này được Gyalwa Karmapa2, vị Karmapa thứ 16 tái thiết lại để làm nơi đặt trụ sở lưu vong của bộ phái Kagyu khi ông trốn thoát khỏi Tây Tạng vào năm 1959. Mặc dù có nhiều lựa chọn để sống ở những nơi tốt hơn, ông đã quyết định chọn tái thiết lại tu viện ở Rumtek để lưu trú, bởi ông tin rằng địa danh này có những điềm lành và kiết tường. Với sự giúp đỡ của Hoàng gia Sikkim và chính phủ Ấn, Karmapa Gyalwa đã cho tái thiết lại tu viện trong vòng 4 năm.

Nằm ở độ cao khoảng 5.500 bộ và bao quanh bởi phong cảnh đồi núi xanh tươi, địa danh này trở thành một cảnh quan yên bình và tuyệt đẹp cuốn hút nhiều người đến viếng thăm. Kiến trúc của tu viện hầu như giống với những tu viện trung tâm của phái Kagyu ở Tây Tạng. Tu viện hiện lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật như tranh tượng Phật, Bồ-tát, A-la-hán, và những vị thầy thuộc dòng truyền thừa Kagyu. Ngoài ra ở đây cũng lưu giữ nhiều hiện vật quý giá khác, như chiếc mũ đen (Vajra Mukut) của vị Karmapa thứ 15 được làm bằng vàng, kim cương, hồng ngọc và những loại đá quý khác.

Có những cơ sở Phật giáo quan trọng khác gần Rumtek, như Viện Nghiên cứu Phật học nâng cao Karma Shri Nalanda. Viện này được xây dựng vào năm 1984, là một trong những cơ sở đào tạo Tăng sĩ cho các tu viện ở Nepal, Sikkim và Bhutan. Bên cạnh cũng có những người nước ngoài đến tu học ở đây. Đối diện với viện Nalanda này có một ngôi tháp bằng vàng tôn trí tro cốt cũng như tranh tượng của vị Karmapa thứ 16. Và cách tu viện khoảng chừng một km có một viện chuyên tu, là nơi chư Tăng ẩn cư thiền định và một khóa tu như vậy thường có thời gian 3 năm.

Có một vài lễ hội được tổ chức hàng năm ở Rumtek, như lễ hội Tse-Chu Chaams và Kagyat. Đây là những lễ hội nhảy múa mà chúng thường rơi vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm. Ngoài ra lễ hội Losar, lễ đón năm mới của người Tây Tạng, cũng được tổ chức lớn ở Rumtek.

Có thể viếng thăm tu viện Rumtek, cũng như Sikkim, bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng thời điểm lý tưởng nhất là vào các tháng 3, 10, và 11. Từ tháng 11 đến tháng 2 là mùa đông ở Sikkim, và nhiệt độ vào mùa đông có khi xuống rất thấp. Mùa hè từ tháng 3 đến tháng 6, tuy nhiên nhiệt độ không quá cao vào những tháng này, thường cao nhất chỉ khoảng 28 độ C. Từ tháng 6 đến tháng 9 là những tháng mùa mưa và mưa ở đây thường rất lớn nên có thể gây nên những bất tiện cho việc đi lại. Thêm một điều quan trọng khác, đối với du khách nước ngoài, để viếng thăm Rumtek, họ phải trình passport và có được sự cho phép của văn phòng chính quyền tại Sikkim và Siliguri. Tu viện mở cửa từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều vào mùa đông, và 8 giờ đến 5 giờ chiều vào mùa hè. Vé vào cửa là 10 rupee.

 Nguyễn Đăng

___________________

(1) Phật giáo Tây Tạng được chia thành hai phái chính là phái Mũ Đỏ và phái Mũ Vàng. Phái Mũ Đỏ bao gồm các dòng truyền thừa Nyingma, Kargyu và Sakya; và phái Mũ Vàng bao gồm dòng truyền thừa Gelug (Gelugpa). Mỗi phái và dòng truyền thừa có những khác nhau về nghi lễ, giới luật và người sáng lập. Tuy nhiên sự khác nhau về nghi lễ thường không rõ nét và giữa các bộ phái có những sự chồng lấn nhau về nghi lễ.

(2) Gyalwa Karmapa qua đời vào năm 1981; và mười năm sau, một cậu bé có tên là Ugen Thinley được đức Dalai Lama xác nhận là thân tái sanh của Gyalwa Karmapa. Ugen Thinley, tức Karmapa thứ 17, hiện đang sống ở Dharamshala, và cũng đang là một nhân vật quan trọng và nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.