Chân dung Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Tổ đường Ấn Quang |
Tham dự có chư vị Hòa thượng, chư Tăng thuộc Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và chư Tăng nội tự tổ đình cũng như các trú xứ tại TP.HCM.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã có lời khải bạch liệt vị Tổ sư, và chia sẻ nhân duyên tổ chức lễ tưởng niệm Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại tổ đình Ấn Quang.
Theo đó, ngài cho biết Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ cố đô Huế, vào miền Nam, đã từng sống tại tổ đình Ấn Quang, dạy học tại Phật học đường Nam Việt. Thiền sư được nhiều người cảm mến, nhất là thế hệ trẻ.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng chia sẻ về công hạnh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh |
“Ngài đã thổi lên một làn gió mới - gọi là 'làm mới đạo Phật'. Làm mới đạo Phật có nghĩa là làm sao để đạo Phật của chúng ta thích hợp với sinh hoạt của xã hội đi lên, như thế Phật giáo chúng ta mới có thể tồn tại, phát triển. Cho nên tinh thần đó, đa số anh em học Tăng đều chấp nhận và dấn thân”, Trưởng lão Hòa thượng hồi tưởng.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng nhắc lại sự dấn thân của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chí hướng hoằng pháp của mình với việc mở Trường Thanh niên Phụng sự xã hội, “Chúng ta có làm gì cho xã hội thì xã hội mới biết đến đạo Phật, quý trọng đạo Phật là đạo của trí tuệ, đạo của giác ngộ”. Theo đó, lúc ở trong nước cũng như hải ngoại, Thiền sư đã có những pháp môn thích hợp với mọi hoàn cảnh, mọi tình huống và trong các nền văn hóa khác nhau, mang hơi thở của thời đại.
Tổ đình Ấn Quang thiết trí tưởng niệm Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ khi Thiền sư viên tịch |
“Hôm nay ngài đã trở về quê mẹ và viên tịch ở tổ đình Từ Hiếu, là nơi ngài đã xuất thân tu học, trở thành một tu sĩ của Phật giáo. Đối với tổ đình Ấn Quang, đối với Tăng Ni miền Nam, trong lòng luôn nghĩ tới Thiền sư là người có trí tuệ, có tầm nhìn xa và thích nghi được với mọi tình huống. Cho nên Thầy đã để lại cho hậu thế một bài học: Muốn sống, tồn tại thì phải thích nghi. Đó là làm mới đạo Phật của Thầy. Tôi mong tất cả huynh đệ thuộc Làng Mai học hạnh lắng nghe của Hoà thượng, cái thấy của Hòa thượng là luôn luôn đổi mới, thích nghi, tồn tại và phát triển”, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nói trước Tổ đường Ấn Quang, nơi tôn trí di ảnh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chư tôn đức đã cử hương cúng dường, đảnh lễ, trì tụng Tâm kinh Bát-nhã, bản dịch Việt ngữ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và hồi hướng.
Chư tôn đức cử hương tưởng niệm, cúng dường |
Được biết năm 1949, khi còn là Sa-di, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã rời cố đô Huế vào Sài Gòn. Pháp hiệu Thích Nhất Hạnh được nhiều người bắt đầu biết tới qua các sáng tác văn học tại nơi này.
Cũng tại tổ đình Ấn Quang, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thọ giới Tỳ-kheo (1951) và sau đó được mời làm giáo thọ, rồi được Tổng hội Phật giáo Việt Nam giao trách nhiệm giám học của Phật học đường Nam Việt (1954), nổi tiếng với nhiều ý tưởng canh tân, được giới trẻ, đặc biệt là các học Tăng rất mến mộ.
Hòa thượng Thích Lệ Trang duy-na |
Cũng tại đất Sài Gòn, Thiền sư đã viết, biên soạn nhiều tác phẩm văn học, khảo cứu với nhiều bút danh khác nhau; chủ trương nhà xuất bản Lá Bối, chủ bút tuần san Thiện Mỹ - cơ quan
Sau đó, Thiền sư sang Hoa Kỳ, rồi trở lại hoạt động ở Sài Gòn, Lâm Đồng cho đến năm 1966, rời Việt Nam, hoạt động hoằng pháp ở hải ngoại. Đến 2005, Thiền sư trở lại quê hương Việt Nam và liên tiếp những lần sau đó vào năm 2007, 2008, 2018…
Chư tôn đức tham dự |
4 năm trở lại đây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh an dưỡng tại tổ đình Từ Hiếu - cố đô Huế, nơi Thiền sư đã xuất gia tu học năm lên 16 tuổi, Thiền sư cũng là vị niên trưởng của tổ đình hiện nay.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh họ Nguyễn, nối dòng Lâm Tế đời thứ 42, đời thứ 8 pháp phái Liễu Quán, pháp danh Trừng Quang, tự Phùng Xuân, Nhất Hạnh là hiệu của ngài.
Ghi sổ tang trong lễ viếng của chư vị giáo phẩm lãnh đạo Trung ương GHPGVN ngày 24-1 tại tổ đình Từ Hiếu (Thừa Thiên Huế), Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã truy tán: “Toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam và thế giới bùi ngùi thương tiếc vì sự ra đi của một bậc tôn túc khả kính - Trưởng lão Hòa thương Thích Nhất Hạnh. Nhà hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam có tầm ảnh hưởng lớn lao với cộng đồng Phật giáo trên thế giới, một Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại đã dành trọn đời mình, tận tụy cống hiến vì lợi ích tha nhân, vì sự trường tồn của đạo pháp”.