Sau khi tham dự lễ cung nghinh và an vị xá lợi xương sọ Đức Phật được tổ chức tại chùa Qixia (TP.Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc), Hòa thượng Chuan Yin, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc cho biết bảo vật được lấy ra lần đầu tiên lúc 9 giờ sáng ngày 12-6 từ một quách nhỏ bằng vàng nằm trong một kim quan bằng bạc là xá lợi xương sọ Đức Phật.
Xá lợi xương sọ Đức Phật có mầu nâu không đồng đều và sáng, trông giống như một hòn đá nhỏ. “Xá lợi có rất nhiều khoang rất giống như một tổ ong”, ông Hua Guorong, Phó Giám đốc Bảo tàng TP.Nam Kinh tiết lộ.
Lễ cung nghinh và an vị xá lợi xương sọ Đức Phật tại chùa Qixia
(TP.Nam Kinh) sáng 12-6
“Việc phát hiện này của chúng tôi phù hợp với những miêu tả về xá lợi xương sọ Đức Phật đã được ghi chép trong sử ký”, Hòa thượng Xue Cheng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc phát biểu và nói thêm rằng xá lợi Phật là bảo vật cực kỳ thiêng liêng đối với Phật tử.
Bên cạnh xá lợi xương sọ Đức Phật, 10 viên xá lợi Phật khác cũng được tìm thấy trong kim quan nhỏ bằng vàng và bạc khác. 108 cao tăng đến từ Trung Quốc, Ma Cao và Đài Loan đã cử hành lễ cung nghinh và an vị tất cả số xá lợi này tại chùa Qixia. Phật tử sẽ có phúc duyên chiêm bái số xá lợi Phật ấy trong một tháng. Để đảm bảo an toàn cho các bảo vật vô giá này, cuộc lễ tiến hành hôm thứ 7 (12-6) được bảo vệ nghiêm ngặt và nhiệt độ bên trong chính điện luôn giữ ổn định ở mức 20 độ C, và độ ẩm từ 55 đến 60%, ông Hua cho biết.
Xá lợi xương sọ Đức Phật được tôn trí trong bảo tháp có tên là Tháp A-Dục Vương. Các nhà khảo cổ khai quật bảo tháp này cách đây 2 năm dưới nền chính điện của ngôi chùa cũ Changgan thuộc TP.Nam Kinh. Ngôi chùa này được xây dựng năm 1011. Chính điện được phát hiện khi các nhà khảo cổ khởi công khai quật phế tích chùa Đại Báo Ân thuộc TP.Nam Kinh. Chùa Đại Báo Ân được xây dựng trong triều đại nhà Minh (1368-1644 AD).
Tháng 7-2008, các nhà khảo cổ tìm thấy một bia đá ghi rằng chính điện là nơi bảo quản một “bảo tháp 7 tầng của Vua A Dục”, bên trong tháp có các kim quan bằng vàng và bạc tôn trí xá lợi xương sọ và các di vật khác của Đức Phật. Một tháng sau, một hòm sắt chứa bảo tháp được khai quật tại chính điện. Tháng 11-2008, các nhà khảo cổ đã đưa bảo tháp ra khỏi hòm sắt và tìm thấy hai kim quan nhỏ.
Một kim quan tôn trí xá lợi xương sọ Đức Phật
Bảo tháp Vua A Dục
Theo Lu Jianfu, một chức sắc của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, cách đây 2.500 năm, sau lễ trà tỳ Đức Phật, các đệ tử của Ngài đã nhặt được một xá lợi xương sọ, 4 xá lợi răng, 2 xá lợi xương đòn và 84.000 viên xá lợi khác. Vua A Dục (Asoka), hoàng đế Ấn Độ (273 BC - 232 BC) đã tập hợp tất cả các phần còn lại của Đức Phật sau lễ trà tỳ, tôn trí vào trong các bảo tháp để gửi đến các nơi trên thế giới.
Bảo tháp ở Nam Kinh được coi là một trong hàng chục ngàn bảo tháp của Vua A Dục tôn trí xá lợi Phật. Bảo tháp 4 lớp, cao 1.21 mét, rộng 0.42 mét được cho là lớn nhất trong các bảo tháp đã tìm thấy ở Trung Quốc. Theo tài liệu Phật giáo thời nhà Đường (618-907 AD), Trung Quốc có cả thảy 19 bảo tháp Vua A Dục tôn trí xá lợi Phật. Cho đến nay, người ta cho rằng chỉ mới 7 bảo tháp được phát hiện tại các vùng miền khác nhau của Trung Quốc.