Và cuối cùng, cô đã tìm thấy điều đó tại một thiền viện Phật giáo ở ngoại ô thành phố New York.
Hiện nay, ở tuổi 60 tuổi, cô cho biết: “Tôi đang cố gắng tìm cách đối phó với căng thẳng, vì vậy tôi đã tham gia một khóa tu thiền. Tôi đã nghe được những chân lý khiến tâm tôi chấn động. Có một cái gì đó thật sâu sắc về sự tương tức đã thực sự truyền đến tôi”. Chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày tu tập nhưng cô đã thực sự ấn tượng bởi năng lực chánh niệm của các vị tu sĩ tại đây cũng như những bài kinh chú và những lời cầu nguyện được họ tán tụng hàng ngày. Đó là lần đầu tiên sau nhiều năm, cô được xoa dịu và giải tỏa tâm trí của chính mình.
Cô sinh ra và lớn lên ở thượng nguồn sông Saddle trong một gia đình không theo tôn giáo, nhưng khóa tu này đã giúp cô khơi dậy niềm đam mê đối với Thiền tông (Zen), một truyền thống Phật giáo chú trọng đến việc trau dồi tâm sáng suốt bằng cách tu tập trong yên lặng.
Phật giáo đã xuất hiện cách đây hơn 2.500 năm ở Ấn Độ, nhưng ngày nay, tôn giáo này đang bắt đầu tiếp cận với các tín đồ mới khi ngày càng có nhiều người Mỹ đang tìm cách để giải quyết các vấn đề về khủng hoảng tâm lý và sức khỏe tinh thần trong thời đại hỗn loạn này.
“Có quá nhiều thứ bấp bênh và xung đột trên thế giới này. Và đó là lý do tại sao mọi người sẽ muốn ngồi yên lặng trong nửa giờ đồng hồ”. Strauss chia sẻ thêm. Tại Trung tâm Heart Circle Zen, một nhóm khoảng mười thành viên họp mặt hàng ngày trên Zoom và có buổi tu tập trực tiếp cùng nhau vào mỗi thứ Bảy. Cơ sở này phần lớn là những người cải đạo theo Phật giáo và chỉ là một trong nhiều trung tâm Phật giáo đã mọc lên ở New Jersey.
Garden State là nơi có hơn 20 ngôi chùa, trung tâm và tu viện Phật giáo rải rác ở các thị trấn, bao gồm Wyckoff, Englewood, Edison, Cherry Hill, Stanhope và Ridgefield Park. Theo các quan chức ở Franklin Township, trung tâm thiền tập đồng thời là tịnh xá Phật giáo New Jersey của Princeton có tượng Phật lộ thiên lớn nhất ở Tây bán cầu. Đồng thời, tác phẩm điêu khắc cao 30 feet (khoảng 9,14m) này đã được ghi nhận là một vật thể văn hóa vào năm 2017.
Đại đức Balangoda Dhammananda, một tu sĩ thường trú tại đây cho biết ngôi chùa 20 tuổi có khoảng 400 thành viên, hầu hết là người gốc Sri Lanka. Nơi đây thu hút hàng chục du khách đến mỗi tuần để tản bộ thảnh thơi trong khuôn viên trong khi chiêm ngưỡng tượng Phật bằng đá trắng dường như phát sáng khi được thắp đèn vào ban đêm.
Tại sao Phật giáo đang phát triển ở Hoa Kỳ?
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, Phật tử chiếm khoảng 1% số người trưởng thành ở Mỹ, trong đó, khoảng hai phần ba Phật tử Mỹ là người gốc Á. Họ là một phần của làn sóng người nhập cư đã giúp truyền bá tôn giáo ở đây từ những năm 1960; đặc biệt, từ đó đến nay, Phật giáo đã thu hút phần lớn những người cải đạo.
“Các lớp học thiền ngày càng phát triển và các ngôi chùa bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Bạn sẽ thấy ngày càng nhiều người Mỹ khi kết hôn với người Đông Nam Á và đa số sẽ đến chùa để làm lễ hằng thuận cũng như kỷ niệm các sự kiện trong gia đình”, Justin McDaniel, Giáo sư Đại học Pennsylvania đang nghiên cứu về Phật giáo, cho biết.
Ông cũng chia sẻ thêm rằng sự nổi tiếng của Đức Dalai Lama, một nhà lãnh đạo theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng thế giới cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trên nước Mỹ. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Phật giáo đã đóng một vai trò đặc biệt đối với phụ nữ, trong đó, hầu hết là người da trắng và trung niên. “Vì Phật giáo có ít nghi thức và không xem thường phụ nữ như những tôn giáo khác ở Mỹ”, McDaniel nhấn mạnh.
Phật giáo y cứ trên những lời dạy của Đức Phật. Giáo lý của Ngài là con đường để thoát khỏi mọi khổ đau trong cuộc sống này, Phật tử dựa trên con đường này để đạt đến một trạng thái siêu việt là Niết-bàn.
Những lời dạy của Ngài được truyền bá từ Ấn Độ ra khắp châu Á, sau đó đến Hoa Kỳ khi quốc gia này dỡ bỏ các hạn chế đối với người nhập cư từ châu Á vào giữa thế kỷ XX. Mặc dù Phật giáo rất đa dạng và bao gồm nhiều truyền thống tư tưởng khác nhau, nhưng tất cả họ đều có chung một niềm tin là sống một đời sống đạo đức và phát triển con đường tâm linh.
Theo một nghiên cứu của Pew năm 2015, số lượng Phật tử trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng từ năm 2010 đến năm 2030, từ 488 triệu lên khoảng 511 triệu. Cuộc khảo sát gần đây dự đoán rằng dân số theo đạo Phật ở Bắc Mỹ sẽ tăng hơn 2 triệu người và sẽ đạt gần 6,1 triệu người vào năm 2050.
C. Pierce Salguero, giáo sư về lịch sử châu Á và nhân văn y tế tại Đại học Penn State University's Abington College cho biết: “Ngày nay, người Mỹ quan tâm nhiều hơn đến Phật giáo so với 20 năm trước”.
Ông cho biết chánh niệm và thiền định đã trở thành một “ngành công nghiệp” lớn ở Hoa Kỳ, đặc biệt là kể từ khi bắt đầu đại dịch, và chính điều đó đã thu hút được nhiều tín đồ không phải người châu Á hơn. Tuy nhiên, hầu hết các ngôi chùa “là nơi mà người Mỹ gốc Á chiếm đa số và tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính,” Salguero, tác giả cuốn “Buddhish” xuất bản năm 2002, một quyển sách giới thiệu tổng quan về các khái niệm Phật giáo, cho biết.
Cảm giác bình yên vô cùng cần thiết
Eran Junryu Vardi Roshi, một thiền sư Phật giáo tại Trung tâm Thiền Eiryu-ji tại Wyckoff, cho biết đại dịch đã thu hút sự chú ý của những người mới đến với Phật giáo. Sư nói: “Mọi người phải ở nhà trong một thời gian dài và suy ngẫm về những điều ưu tiên đối với cuộc đời của họ, và từ đó, một số người đã tìm đến các phương pháp thực hành tâm linh”.
Sư cho biết, giữa lúc đại dịch lên đến đỉnh điểm, trung tâm đã thiết lập các buổi tu tập trực tuyến và đã thu hút rất nhiều người tham gia từ khắp nơi trên thế giới với số thành viên được ước tính tăng 15%. Hiện nay, trung tâm có các buổi tu tập theo cả hai hình thức là trực tiếp và trực tuyến.
“Trong một thế giới với nhiều sự phân biệt đối xử, mâu thuẫn và cảm giác buồn chán luôn tiềm ẩn trong tâm thức thì các pháp môn tu tập mang lại cho mọi người cảm giác bình yên và thảnh thơi cần thiết, chính những điều đó đưa đến lòng bao dung và tình yêu thương vô điều kiện”, sư chia sẻ.