GNO - Theo một nghiên cứu mới từ Canada, trẻ mắc chứng hoảng sợ khi ngủ sẽ có nguy cơ cao với chứng mộng du sau này.
Các chuyên gia phân tích dữ liệu từ 2.000 trẻ ở Quebec, từ 5 tháng tuổi đến 13 tuổi. Theo đó, có khoảng một nửa số trẻ trong nghiên cứu mắc chứng hoảng sợ khi ngủ có độ tuổi từ 1-13.
Nếu trẻ bị mộng du thì cha mẹ phải lắp đặt chuông để báo động khi trẻ ra khỏi nhà - Ảnh minh họa
Chứng hoảng sợ khi ngủ hay giật mình do hoảng sợ khi ngủ, tạm dịch từ tiếng Anh “night terror”. Biểu hiện là trẻ đột nhiên thức giấc, la thét lên, bối rối và đôi khi toát nhiều mồ hôi khi đang ngủ. Ngoài ra, khoảng 30% trẻ mộng du ở vào khoảng 2-13 tuổi.
Chứng hoảng sợ khi ngủ khá phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng mộng du (sleep walking) thì chỉ phổ biến nhất khi trẻ từ 10 tuổi.
Tuy nhiên, trẻ mắc chứng hoảng sợ khi ngủ trước khi được 4 tuổi có gần gấp đôi nguy cơ mộng du sau đó, so với trẻ bình thường. Tổng cộng có 34% trẻ nhỏ mắc chứng hoảng sợ khi ngủ bị mộng du sau đó.
Nghiên cứu cũng khẳng định nếu cha mẹ bị mộng du thì con cái sẽ có nguy cơ vừa bị mộng du vừa bị hoảng sợ khi ngủ. Vì vậy, nguyên nhân của hai trạng thái này do gene. Đây cũng là kết quả báo cáo của bệnh viện Sacre-Coeur de Montreal, phát hành trên Tạp chí JAMA Nhi khoa ngày 4-5 vừa qua. Theo đó, nếu cả cha và mẹ đều bị mộng du thì trẻ có nguy cơ mộng du cao hơn trẻ khác từ 3-7 lần.
Các chuyên gia chia sẻ: Nên tránh tình trạng thiếu ngủ và môi trường ngủ ồn ào để phòng ngừa mộng du và hoảng sợ khi ngủ. Và nếu trẻ bị mộng du thì cha mẹ phải lắp đặt chuông để báo động khi trẻ ra khỏi nhà. Ngoài ra dùng thuốc hoặc bị sốt cũng có thể làm trẻ mắc chứng hoảng sợ khi ngủ.
Trần Trọng Hiếu (Theo Live Science)