Bài trên Báo Giác Ngộ số 1218 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Nếu xét theo quan điểm của Đại thừa, giải thoát cá nhân mà không nghĩ đến hạnh phúc và giải thoát cho người khác là ích kỷ và hẹp hòi. Bởi lẽ tất cả mọi chúng sinh đều có quyền tự nhiên và mong muốn thoát khỏi khổ đau. Vì vậy, điều quan trọng ở đây là các hành giả phải dấn thân vào thực hành các giai đoạn của con đường Phật đạo, bắt đầu từ việc phát khởi tâm Bồ-đề, phát khởi tâm nguyện vị tha để đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Một khi phát triển được tâm Bồ-đề, thì mọi công đức lành đều sẽ trở thành nhân tố để thành tựu quả vị toàn giác.
Để trau dồi tâm Bồ-đề chân chính, bạn phải thực hành theo những phương pháp thích hợp cũng như những chỉ dẫn rõ ràng. Trong số đó, phương pháp nhân quả bảy bước là cách hiệu quả để phát triển tâm Bồ-đề và bắt đầu với sự quán chiếu về tình mẫu tử ở những bước đầu tiên.
Quán chiếu rằng chúng sinh đã từng là mẹ của mình
Bước đầu tiên của phương pháp bảy điểm nhân quả này là quán chiếu rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước tiên, bạn phải nhận thức được rằng chúng ta đã trải qua vô số kiếp sống trong vòng luân hồi sanh tử, và trong những kiếp đó, chúng ta nhận được sự nuôi dưỡng, chở che, cũng như phụ thuộc vào người mẹ rất nhiều. Không có một chúng sinh nào mà bạn có thể khẳng định chắc chắn rằng họ không phải là mẹ của bạn trong quá khứ.
Vì vậy, hãy yêu thương và tôn trọng tất cả chúng sinh như đối với người mẹ hiền của chính mình. Bởi nếu có thể hiểu được bản chất vô thỉ kiếp của cuộc đời, thì bạn sẽ có thể nhận ra rằng bản thân đã trải qua mọi kiếp sống trong vô số hình thức khác nhau nhưng đều cần có mẹ. Khi đó, bạn sẽ ý thức được rằng không có một chúng sinh nào chưa từng là mẹ của bạn trong quá khứ.
Kế đến, hãy nghĩ xem liệu bạn được hay mất gì thông qua việc nuôi dưỡng và phát triển nhận thức này đối với những người khác. Vì quan tâm đến việc trau dồi tâm Bồ-đề cũng như thực hành hạnh lợi tha, nên nếu không có yếu tố nhận thức căn bản về tình mẫu tử đối với chúng sinh, thì bạn cũng sẽ không thể tu tập và thành tựu được tuệ giác Bồ-đề.
Do đó, nếu không phát triển được nhận thức quan trọng này thì bạn sẽ thất bại. Mục đích là đem đến một trạng thái tâm thức giúp bạn xem chúng sinh là đối tượng gần gũi nhất về mặt tình cảm và lòng trắc ẩn. Vì vậy, có thể nói chính phương pháp quán chiếu về tình mẫu tử đối với tất cả chúng sinh là bước đầu tiên để tu tập đạo quả Bồ-đề.
Niệm tưởng về lòng tốt của chúng sinh
Sự quán chiếu tiếp theo là niệm tưởng về lòng tốt và tình thương của tất cả chúng sinh. Để làm được điều này, bạn nên nghĩ về người mà bạn cảm thấy thân thiết nhất - có thể là cha hoặc mẹ của bạn - trong khi họ đã rất già. Hãy hình dung về cha hoặc mẹ bạn lúc họ ở độ tuổi cần đến sự giúp đỡ và hỗ trợ từ người khác nhất. Điều này có ý nghĩa rất đặc biệt vì nó sẽ khiến cho việc hành thiền và quán chiếu của bạn trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Sau đó, hãy nghĩ về mẹ của bạn chẳng hạn, bà đã từng là mẹ của bạn không chỉ trong một đời này mà còn ở những đời khác nữa. Đặc biệt, ngay ở đời này, lòng yêu thương của mẹ là vô bờ bến khi sinh ra chúng ta; trong thai kỳ, mẹ cũng đã phải trải qua đủ mọi loại gian khổ, đau đớn và khó chịu.
Thậm chí trong quá trình nuôi nấng, dưỡng dục, tình yêu thương của mẹ lớn đến mức có thể từ bỏ hạnh phúc và niềm vui của riêng mình để vun vén đầy đủ cho bạn. Lúc bạn chào đời, bà đã cảm thấy hạnh phúc tột cùng như tìm được một kho báu và nỗ lực hết khả năng của mẹ để bảo vệ bạn. Chính vì vậy mà bạn mới có thể yên ổn cho đến khi bạn có thể tự đứng được trên đôi chân của chính mình.
Sau khi suy ngẫm về tình yêu thương của những người mẹ, đặc biệt là người mẹ trong kiếp này, bạn nên nghĩ đến những chúng sinh mà bạn cảm thấy xa lạ hoặc ghê tởm, thậm chí cả động vật, và lấy họ làm đối tượng để quán tưởng. Hãy suy nghĩ rằng mặc dù những người này làm hại bạn và là kẻ thù của bạn trong đời này, nhưng trong các kiếp trước, họ chắc chắn đã là cha mẹ thân yêu nhất của bạn và thậm chí đã bảo vệ và cứu mạng của bạn vô số lần. Vì vậy, lòng tốt của họ là vô bờ bến. Bạn cứ nương theo cách này để rèn luyện tâm trí của chính mình.
Đền đáp lòng tốt của chúng sinh
Tiếp theo là hãy quán chiếu về việc đền đáp những công ơn đó. Ý niệm về đền đáp tình yêu thương và lòng trắc ẩn cho người mẹ của mình sẽ xuất hiện một cách tự nhiên khi bạn đã thành công ghi nhớ nghĩa ơn này. Nhưng điều này phải thực sự xuất phát từ sau thẳm trái tim bạn. Nếu không báo đáp công ơn của mẹ thì đó chính là bất hiếu và vô ơn. Vì vậy, bạn nên thực hiện việc này trong khả năng của mình, vì lợi ích của tha nhân mà làm mọi việc để đền đáp lòng tốt của họ.
Trau dồi lòng từ
Sau khi đã trau giồi tâm quân bình và nhận thức được rằng tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình, bạn sẽ cảm thấy họ đều là đối tượng xứng đáng được yêu thương và quý mến. Và khi cảm giác yêu thương của bạn đối với họ càng sâu sắc thì mong muốn họ sẽ thoát khổ và tận hưởng hạnh phúc sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn trong tâm bạn.
Vì vậy, việc thừa nhận người khác từng là mẹ của mình là nền tảng cho những lần thiền định tiếp theo. Sau đó, nhớ lại lòng tốt của họ và phát triển mong muốn đền đáp ơn này, bạn sẽ cảm thấy gần gũi và trìu mến đối với tất cả chúng sinh. Bây giờ, hãy quán chiếu rằng tất cả chúng sinh, mặc dù bản chất của họ là khao khát hạnh phúc và mong muốn thoát khỏi khổ đau, nhưng lại bị giày vò bởi những phiền não khôn cùng. Bằng cách này, hãy trau giồi lòng từ ái cho tự thân.
Phát triển lòng bi mẫn
Khi bạn thiền định về lòng bi mẫn, hãy quán chiếu về nỗi đau khổ của chúng sinh. Đầu tiên, để phát khởi lòng bi mẫn mạnh mẽ, hãy quán tưởng về một người đang phải trải qua những đau khổ cùng cực, những hình thức khổ lụy khiến bạn không thể chịu nổi. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng phát khởi lòng lòng thương cảm và lòng từ bi sẽ trở nên rộng rãi và sâu sắc hơn.
Mong muốn chúng sinh hạnh phúc chính là lòng từ, và mong muốn chúng sinh thoát khỏi đau khổ chính là tâm bi. Hai cách quán chiếu này có thể tu tập kết hợp với nhau cho đến khi thành tựu được sự chuyển hóa nào đó trong tâm của bạn.
Thái độ phi thường
Việc trau dồi lòng từ bi của bạn không nên chỉ đơn thuần là tưởng tượng hay ước muốn, mà hơn thế nữa, bạn cần phải phát triển ý thức và trách nhiệm để tham gia vào những hành động cụ thể nhằm làm vơi bớt khổ đau của chúng sinh và mang lại hạnh phúc cho họ. Quan trọng là hành giả phải nỗ lực và tự mình gánh lấy trách nhiệm để thực hiện ước nguyện. Tâm từ bi càng rộng lớn thì lòng quyết tâm của bạn sẽ càng mạnh mẽ khi đảm nhận trách nhiệm này.
Sau khi phát khởi tâm nguyện phi thường, hãy tự hỏi bản thân xem liệu bạn thực sự có khả năng mang lại hạnh phúc đích thực cho chúng sinh hay không. Chỉ khi nào bạn dạy cho chúng sinh con đường đúng đắn của tuệ giác và loại bỏ vô minh trong tâm, thì họ mới có thể đạt được hạnh phúc lâu dài. Mặc dù bạn có thể khiến cho những người khác vui vẻ tạm thời, nhưng đối với việc tiến đến mục đích tối hậu thì chỉ có thể thực hiện được khi họ chủ động loại bỏ vô minh bên trong của chính mình. Điều này cũng đúng với chính bản thân bạn: nếu bạn mong muốn được giải thoát thì bạn cũng phải tự mình loại bỏ phiền não cho chính mình.
Chừng nào bản thân bạn còn chưa hoàn toàn giác ngộ thì sẽ luôn có chướng ngại bên trong. Vì vậy, điều rất quan trọng là bạn phải nỗ lực để đạt được trạng thái giác ngộ hoàn toàn của chính mình. Thông qua phương pháp suy nghĩ như vậy, bạn sẽ có thể phát triển niềm tin mạnh mẽ rằng nếu không đạt được quả vị giác ngộ, bạn sẽ không thể hoàn thành những gì mình đã đặt ra và thực sự mang lại lợi ích cho người khác.
Tâm Bồ-đề
Dựa trên nền tảng của tình yêu thương và lòng bi mẫn, bạn nên phát khởi từ sâu thẳm trái tim mình khát vọng đạt được trạng thái giác ngộ hoàn toàn vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Sau khi phát khởi tâm Bồ-đề, bạn nên dấn thân vào thực hành trau dồi tâm Bồ-đề để đưa kết quả vào con đường thực tập hàng ngày. Hãy tưởng tượng bậc đạo sư tâm linh trên đỉnh đầu của bạn và bày tỏ sự vui mừng đối với bạn. Sau đó, bạn hòa mình vào tánh Không và từ tánh Không xuất hiện bên cạnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trong thâm tâm, hãy quán tưởng tất cả công đức được tích lũy nhờ thực hành tâm Bồ-đề. Những công đức này, dưới dạng những ánh sáng, hồi hướng tới tất cả chúng sinh, giúp họ bớt đau khổ cũng như đưa họ vào trạng thái giải thoát và tái sinh thuận lợi và cuối cùng là trạng thái toàn giác.
Đức Dalai Lama