Cách sống và sự chuyển hóa mà anh Trần Phong chia sẻ - từ chính câu chuyện của mình có thể khiến cho nhiều người suy ngẫm, đặc biệt là với những phụ huynh có con thuộc cộng đồng này.
Từ những tổn thương
Anh mở đầu câu chuyện về cuộc đời mình bằng chia sẻ thẳng thắn: “Bạn hỏi tôi điều gì làm cho tôi hạnh phúc thì tôi không trả lời được, nhưng điều làm cho tôi bất hạnh là bố tôi. Và nơi làm tôi tổn thương nhiều nhất chính là gia đình mình”.
Anh Phong kể anh sinh ra trong gia đình bạo hành, bố đánh mẹ triền miên. Cứ mỗi lần đi nhậu say về là anh bị bố lôi ra đánh. Thậm chí lúc anh bệnh lao nặng, do uống thuốc lao nhiều quá, dẫn đến thần kinh yếu dần, ba nhậu về cũng đòi đánh. Cả cuộc đời của anh chứng kiến cảnh đau lòng nhất là ba đánh mẹ và việc làm thường xuyên của anh là cầu xin ba đừng đánh mẹ nữa.
Anh tiếp tục câu chuyện cuộc đời mình, bằng nhận định: “Trong tất cả các mối quan hệ quanh mình, thường cha mẹ có vấn đề thì đứa con sẽ khó nhận được sự quan tâm đúng mực và thường dễ bị ảnh hưởng về tâm lý”. Từ lúc 5 tuổi, anh đã bị lạm dụng bởi một người hàng xóm nhưng không một ai biết. Cho đến năm 16 tuổi, anh chắc chắn rằng mình thuộc giới tính thứ ba khi yêu bạn cùng phái, học cùng lớp và lên đại học, anh đã sống như người đồng tính.
Anh không ngần ngại cho biết, bản thân cũng đã từng lao vào ma túy nhưng anh nhận ra, nó chỉ giải tỏa một chốc và sau đó cuộc sống càng bế tắc hơn. Anh cũng từng muốn chấm dứt cuộc đời, nhưng kịp dừng lại suy nghĩ đó. “Những lúc khó ở trong người và ngột ngạt, tôi đến chùa để tìm bình an cho chính mình, quan trọng hơn là để lắng nghe mình. Tôi nhận ra, thật ra bản thân mình phải thương mình, biết mình muốn gì và hiểu mình cần gì thì mới tìm được hạnh phúc”, anh đã định hình lại cuộc đời mình và viết khác đi, từ đây.
Tự mình kiến tạo hạnh phúc
“Phật pháp giúp tôi thành thật với bản thân mình, tôi đối diện, thay vì đổ lỗi cho cuộc đời thì tôi có câu trả lời cho chính bản thân mình”, anh cho biết.
Đầu tiên thực hành lòng biết ơn, anh thay đổi từ suy nghĩ. Anh biết rằng, bố sẽ không thay đổi và điều có thể thay đổi được không ai khác ngoài chính anh. Mỗi ngày anh “tập nói chuyện” với bố, đôi ba câu và ngày càng nhiều từ sự kiên nhẫn. Anh cho bố thấy việc bố đối xử chưa ổn, bố thay đổi và con cũng thay đổi. Một thời gian sau, anh biết được rằng bố cũng cực kỳ cố gắng, cũng thương anh nhưng theo cách của bố và cách này thì không đem lại hạnh phúc cho anh. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc anh nhận ra, thời gian bố mình bên mình không còn nhiều nữa, anh cũng sợ sau này muốn bố la cũng không được nữa.
Anh phát hiện một điều quan trọng hơn hết khi tiếp xúc, trò chuyện nhiều với bố, đó là anh rất giống bố, kể cả tính nóng, vũ phu anh cũng được di truyền từ bố, chẳng qua anh là nạn nhân của bố nên chưa bộc lộ tính này. Nên khi nhìn ở chiều ngược lại, quán chiếu, anh thấy tất cả điều gì xảy ra với mình là may mắn. Anh biết ơn chính bản thân mình đã dũng cảm chấp nhận mình là người đồng tính, nếu không dám dối diện, anh sẽ lấy vợ, có con và sẽ viết tiếp các bi kịch.
Khi người viết hỏi: “Cách nào để hạn chế đi tính dục”, anh trả lời: “Bắt đầu từ việc hướng tới suy nghĩ và hành động tích cực. Khi nghe pháp nhiều, đọc nhiều và quán chiếu nhiều về tác hại của hành dâm ảnh hưởng đến tâm tính, ăn mòn tinh thần, nhận thức được thân này rồi cũng sẽ hoại… Thời gian nghe Phật pháp càng nhiều thì thời gian nghĩ đến hưởng lạc, nghĩ bậy ít hơn”.
Người đồng tính cần nhất điều gì?
“Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ. Không phải là xã hội mà chính gia đình mới là địa ngục mà người đồng tính trải qua.
Nền tảng gia đình quan trọng vô cùng, có bố quan tâm, có mẹ yêu thương thì bản thân người đồng tính sẽ hạnh phúc hơn. Cha mẹ không hạnh phúc, suốt ngày cãi nhau, đánh nhau, vô tình hành động đó làm cho con không hạnh phúc luôn. Đứa con là người hưởng hết.
Có người đặt câu hỏi, nếu bố và mẹ không hợp nhau có thể ly hôn để đứa con không phải bị tổn thương không? Điều đó tùy thuộc vào hoàn cảnh và quyết định của mỗi người. Nhưng làm sao để gia đình trở thành điểm tựa cho những đứa con đồng tính, là điều quan trọng nhất, để khi giông bão nhất nó có nơi để về, để được chở che đúng nghĩa.
Một dẫn chứng cụ thể, nỗi khổ mà người đồng tính nào ở tuổi vị thành niên cũng nếm trải, đó là bị sự kỳ thị bởi bạn bè, họ thấy mình có xu hướng ghẹo, đặt biệt danh ám ảnh. Rồi người xung quanh làm tổn thương, tấn công điểm yếu của mình, không thiếu các phụ huynh khác không cho con của họ chơi với bạn đồng tính. Lúc này khi có gia đình bên cạnh, đứa con đồng tính cảm thấy bình yên biết chừng nào. Ít nhất là nó không phải chịu cảnh đơn độc, cô độc trong chính ngôi nhà của mình, không phải tự mình đối diện với tất cả, khi người thân còn đó”.
Kts.Trần Phong