Muôn nẻo đường dẫn con về với Phật

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mỗi người có một nhân duyên đến với phật pháp khác nhau, vào những thời điểm khác nhau trong đời, theo những cách thức và hoàn cảnh khác nhau. Và dù rằng theo cách nào, thì việc có được tự do và thuận duyên đến với giáo pháp cũng đều là cơ hội quý báu trong đời sống này.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1225 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1225 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Tuổi thơ và hạt giống lành gieo ở chùa

Tôi đến với Phật từ lúc còn là học sinh tiểu học, qua sự rủ rê của bạn bè. Là một đứa trẻ tò mò và ham chơi, ưa thích phiêu lưu khám phá, tôi dễ bị thu hút trước những điều mới mẻ. Vì vậy, sinh hoạt Gia đình Phật tử có một sự hấp dẫn đặc biệt lôi cuốn với tôi. Và như vậy, mỗi cuối tuần tôi lại dành thời gian đến chùa, tham gia các hoạt động ở Gia đình Phật tử.

Thật sự, ở giai đoạn này, tôi chỉ đến chùa vì “ham vui” là chính, được chơi, được ca hát, được nghe những câu chuyện về Đức Phật, tham gia hội trại và các cuộc thi, hội diễn văn nghệ,... tất cả đều vô cùng thú vị trong đời sống của một đứa trẻ nông thôn vốn chưa có nhiều hoạt động giải trí. (quê tôi ở tỉnh Ninh Thuận).

Nói là chơi, nhưng chúng tôi cũng được học rất nhiều điều, thông qua những câu chuyện kể về lòng hiếu thảo, tính thật thà, lòng yêu thương dành cho muôn người và muôn loài, tôn trọng và giúp đỡ người khác... Dù rằng chưa được học sâu về các giáo pháp Phật học, nhưng với tôi, đây dường như là sự chuẩn bị, là những hạt giống lành được gieo vào mảnh đất tâm thức của mình.

Vào đời, trải nghiệm với nhiều tổn thương

Rồi khi lớn hơn một chút, việc học cũng nhiều hơn, tôi không còn thường xuyên đến chùa nữa, cứ thế trôi lăn trong cuộc đời. Đi học, đi làm, kiếm tiền, bạn bè, yêu đương, hỷ nộ ái ố, mỗi ngày đều thật bận rộn, hết chuyện này đến chuyện kia, nối tiếp nhau,... tựu trung lại là rất “nhiều chuyện”. Hai chữ “Phật tử” chỉ còn là một kỷ niệm, nằm đâu đó trong một góc tâm trí phủ mờ bởi những năm tháng xô bồ của cuộc đời.

Cho đến khi, tôi bị chứng đau nửa đầu hành hạ, những cơn đau đầu khởi phát cùng với sự căng thẳng, lo lắng, bất an, được chẩn đoán như là một trong những triệu chứng của rối loạn cảm xúc, âu lo và trầm cảm. Tâm trí tôi rối bời với những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời, tại sao chúng ta được sinh ra, mục đích của tất cả những điều này là để làm gì, và rồi chúng ta sẽ đi về đâu,...

Đôi khi, tôi cố “đánh trống lảng” chính mình, che phủ những rối bời ấy bằng việc tìm vui trong những hoạt động của đời sống cùng với bạn bè, chỉ để làm dịu đi sự khó chịu trong lòng. Nhưng rồi, niềm vui ngắn ngủi cũng không được bao lâu, những nghi ngại trong lòng lại trồi lên, tôi không biết mình muốn gì hay mình nên làm gì, mình là ai và mình đang đi đâu trong dòng sinh tử này.

Đây cũng là giai đoạn tôi bắt đầu tiếp xúc với những khái niệm về chữa lành, trị liệu cảm xúc, tâm linh, năng lượng, thiền định,... Mang tâm thế thực sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm cho mình một con đường, một giải pháp mang lại sự bình an, hạnh phúc, thoát khỏi những lo lắng, muộn phiền của cuộc sống, tôi đã thử qua một số phương pháp thực hành chữa lành, đọc thêm nhiều sách về tôn giáo, tâm linh,... Mặc dù cũng có một chút kết quả tích cực, làm dịu đi phần nào các triệu chứng nhưng trải nghiệm cá nhân của tôi vẫn cảm giác có gì đó chưa đủ, những câu hỏi trong lòng vẫn chưa có đáp án, các phương pháp đó chưa thực sự phù hợp với mình.

Tác giả tham gia khóa tu, cùng các bạn đồng tu tìm hiểu về Phật giáo tại Ấn Độ
Tác giả tham gia khóa tu, cùng các bạn đồng tu tìm hiểu về Phật giáo tại Ấn Độ

Trở về an trú bên Phật

Cho đến khoảng thời gian giãn cách phòng chống dịch Covid-19, năm 2021, khi mà phần lớn các hoạt động thường nhật đều phải tạm ngưng, tôi có nhiều thời gian hơn cho chính mình. Và tôi đã đọc quyển sách Đường xưa mây trắng của Thầy Thích Nhất Hạnh. Vẫn là câu chuyện về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà ngày bé sinh hoạt ở Gia đình Phật tử chúng tôi đã thuộc lòng, nhưng qua lời kể giản dị của Sư ông Làng Mai, Đức Thế Tôn như hiện ra trước mắt, gần gũi và chân thật quá đỗi, lòng từ và bi mênh mông của Ngài như an ủi xoa dịu những tổn thương trong lòng tôi. Nước mắt cứ thế trào ra. Một nỗi xúc động không thể diễn tả, đánh thức hạt mầm Phật pháp trong tâm tôi.

Những che chướng của các cảm xúc rối bời, nghi ngại trong cuộc sống, phút chốc như được soi rõ dưới ánh sáng từ bi của pháp Phật. Dù rằng lúc này, tôi cũng chưa có sự hiểu biết sâu sắc về giáo pháp, nhưng tôi đã nhìn thấy một nơi để nương tựa, một con đường để đặt bước chân mình.

Sau đó, rất nhiều thuận duyên đã đến, hướng đời sống tâm linh của tôi theo con đường của Phật. Tôi gặp gỡ và kết bạn với nhiều quý anh, chị Phật tử, tham gia các buổi pháp thoại, các khóa tu ngắn, thực hành thiền tập nhiều hơn,... Và tôi cũng đã gặp được vị thầy của mình, nhận được sự chỉ dạy và hướng dẫn tận tình của thầy trên mỗi bước học và hành giáo pháp. Những câu hỏi, những nghi ngại cũng dần được tháo gỡ, tâm an ổn và sáng rõ hơn.

Con đường tu tập Phật pháp đã mở ra thêm nhiều góc nhìn, nhiều cách nhìn hơn, giúp tôi có được sự quán chiếu sâu sắc hơn trong mỗi hoàn cảnh và hiện tượng của đời sống, nhìn rõ sự chuyển biến của suy nghĩ và cảm xúc bên trong mình, chiêm nghiệm rõ ràng hơn về lẽ vô thường của vạn vật, từ đó xây dựng cho mình thái độ biết trân trọng và nỗ lực, biết tỉnh giác và khiêm cung, biết cảm thông và bao dung, biết chấp nhận và buông xả.

Việc tu tập không khiến cho tôi trở nên giàu có, hay xinh đẹp, khỏe mạnh hơn, nhưng tôi đã tìm được nơi chốn an yên trong lòng mình, có được niềm vui thực sự khởi phát từ chính mình, biết được mình đang đi đâu và mình đang làm gì trong đời sống này. Và vì thế, tôi cảm thấy mình may mắn biết bao nhiêu khi giữa những lao xao của cuộc đời, tôi đã gặp được con đường để đến với giáo pháp, đến với Phật, để nương tựa vào Tam bảo, cũng chính là nương tựa vào tự tánh thanh tịnh của tâm.

Cuộc sống thế tục thì vẫn vậy, vẫn “nhiều chuyện” theo dòng chảy chung của xã hội hiện đại, nhưng tôi đã khác trước rất nhiều. Tôi giờ đây chính là một “Phật tử”, một đệ tử của Đức Thế Tôn, người học Phật để phát triển lòng từ bi và trí tuệ, chuyển hóa tâm thức thoát khỏi luân hồi, mang lại lợi lạc cho chúng sanh bên cạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.