Đắm mình trong hệ sinh thái tự nhiên
5 giờ sáng, gần 80 bạn trẻ đã tập trung về chùa Diệu Pháp (P.Bình Lợi Trung, TP.HCM) tham gia chuyến hành trình “Tặng rừng cho mai sau”. Sau khi được thầy trụ trì chia sẻ mục đích cũng như ý nghĩa của chuyến đi, họ cùng nhau vượt qua chặng đường dài hơn 150km đến Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (Bình Thuận).
![]() |
Cùng nhau trải nghiệm hệ sinh thái thiên nhiên |
Bỏ lại những ồn ào của đô thị, ngay khi đặt chân đến, mọi người được cán bộ kiểm lâm nhiệt tình giới thiệu chi tiết về hệ sinh thái đa dạng, phong phú của khu bảo tồn. Nơi đây tự hào với 1.045 loài cây, trong đó có 175 loại cây dược liệu, cùng thảm thực vật phong phú. Động vật đa dạng như trâu rừng, cheo cheo, heo, rắn hổ mang chúa... Mỗi câu chuyện về từng loại cây, sinh vật khơi gợi lòng trân quý thiên nhiên trong sâu thẳm tâm hồn những người trẻ.
Đoàn bắt đầu bước vào chuyến đi bộ dài 3km dưới tán rừng già, mỗi bước chân là một cuộc phiêu lưu diệu kỳ. Lần đầu tiên, nhiều bạn trẻ tận mắt phân biệt rắn lục xanh đuôi đỏ mắt ngọc, được nghe về tập tính phơi nắng độc đáo của chúng. Họ còn ngạc nhiên khi biết những cây rừng tưởng chừng bình thường lại có thể dùng làm thực phẩm, hay một vài lá cây đơn giản lại là phương thuốc cầm máu hiệu nghiệm. Những cây nấm nhỏ mọc ven đường hay nép mình dưới gốc cây lim xanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi bỗng trở nên có hồn hơn bao giờ hết qua lời kể của những người con của rừng.
![]() |
Em Nguyễn Hoàng Đức tự tay trồng cây xanh |
Những trải nghiệm đó mang đến những trải nghiệm vô cùng đặc biệt cho các thành viên đối với núi rừng thiên nhiên. Mặc dù không phải lần đầu tiên tham dự chương trình nhưng với bạn Nguyễn Thị Thùy Trang (34 tuổi, TP.HCM) thì chuyến đi lần này mang đến một cảm xúc không thể diễn tả hết được.
Mùi đất ẩm, hương rừng, cùng những con suối mát lạnh hòa quyện vào nhau, đánh thức bao cảm xúc trong lòng Trang. Khoảnh khắc ấy, Trang chợt nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên, đất nước mình và tự nhủ “bản thân phải trân trọng, bảo vệ nó để mai sau, con cháu mình cũng được thừa hưởng những điều tuyệt vời này”.
Những câu chuyện, hình ảnh thân quen đó một lần nữa gợi lên trong lòng các bạn trẻ về tình yêu núi rừng, lòng biết ơn với mẹ thiên nhiên, cũng như trách nhiệm mà bản thân phải thực hiện để bảo vệ lấy ngôi nhà chung của hàng nghìn sinh vật trên mảnh đất này. Tình yêu ấy thúc đẩy họ hành động, góp phần giữ gìn vẻ đẹp vô giá của thiên nhiên Việt Nam cho thế hệ mai sau.
Gieo hy vọng cho tương lai
Hành trình “Tặng rừng cho mai sau” không chỉ là cơ hội khám phá hệ sinh thái rừng nguyên sinh mà còn là một trải nghiệm đầy ý nghĩa, giúp những người tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ, trực tiếp góp sức vào việc trồng và bảo vệ rừng. Những hành động tưởng chừng nhỏ bé như không vứt rác, không bỏ ny-lon trong rừng, hay những cái ôm biết ơn dành cho những gốc cây cổ thụ, không tự ý ngắt cây, bẻ cành đã trở thành những bài học sâu sắc trong suốt chuyến đi. Qua đó, các bạn trẻ được tiếp thu ý thức bảo vệ môi trường sống và tình yêu thiên nhiên một cách tự nhiên nhất.
![]() |
Các bạn trẻ được hướng dẫn cách trồng những cây sao dầu, lim xanh |
Các bạn trẻ cũng được hướng dẫn và tự mình trồng những cây sao dầu, lim xanh xuống Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Qua từng nhát cuốc, từng vốc đất, mỗi người cảm nhận được sự sống và giá trị của cây xanh đối với hệ sinh thái mà con người đang sống. Một bài học thực tế vô cùng quý giá trong chuyến đi này.
Trong nhận thức của Nguyễn Hoàng Đức (13 tuổi) thuộc Gia đình Phật tử Sen Hồng thì đây là chuyến đi đặc biệt quan trọng trong cuộc đời của em. “Nó không chỉ mang lại niềm vui của tuổi thơ, mở rộng thêm tầm mắt của mình đối với thiên nhiên mà còn giúp em nhận ra lợi ích của rừng đối với cuộc sống và tầm quan trọng của việc trồng rừng, bảo vệ môi trường sống trong tương lai”.
Nhìn một vị tu sĩ ân cần chỉ dẫn cậu bé 13 tuổi cách chọn đất, đào hố, đặt cây non và vun gốc một cách tỉ mỉ. Mỗi nhúm đất được nâng niu, mỗi mầm xanh được đặt cẩn thận, không chỉ là thao tác kỹ thuật mà còn là bài học về sự sống, lòng biết ơn với mẹ thiên nhiên, tinh thần từ bi thương yêu muôn loài được gieo xuống tâm hồn của em bé. Quả thật, mỗi cây xanh được trồng xuống là một hy vọng về một tương lai bền vững nảy sinh, để rồi 10 năm, 20 năm sau, đứa bé cùng với những mầm non đó sẽ lớn lên, trưởng thành và mang lại lợi ích cho cuộc đời này.
![]() |
Các bạn trẻ tham dự chương trình "Tặng rừng cho mai sau" do chùa Diệu Pháp tổ chức |
Theo anh Lê Phước Cang, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông thì với 300 cây xanh, thuộc loại cây bản địa như lim xanh, sao dầu được đoàn trồng lần này đã mở rộng diện tích rừng trồng lên 25 hecta trong dự án chống lấn chiếm, phủ xanh đồi núi trọc, do Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (Bình Thuận) tổ chức thực hiện từ năm 2021 đến nay.
Đặc biệt, đơn vị cũng chú trọng công tác quản lý và chăm sóc bằng các hoạt động dọn dẹp và phát quang thực bì được thực hiện đều đặn hàng tháng, đảm bảo môi trường tốt nhất cho sự phát triển của cây xanh. Những nỗ lực này cũng đã thu hút sự hỗ trợ từ nhiều đoàn thể, góp phần nâng cao hiệu quả công tác trồng và bảo vệ rừng.
Dự án “Tặng rừng cho mai sau” thuộc Quỹ Thiền sư Tâm Khai của chùa Diệu Pháp được thành lập vào năm 2023. Dự án ra đời với mục đích góp phần khôi phục lại những cánh rừng bị lấn chiếm, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước và không khí, cải tạo đất, bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường bằng cách thực hành lời dạy của Thế Tôn trong việc bảo vệ môi sinh.Ba năm qua, hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và Trung ương Giáo hội, dự án đã hợp tác cùng Tổ chức Joy Foundation trồng được hơn 32.000 cây rừng tại các khu rừng phòng hộ Đạ Tẻh (Lâm Đồng), Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (Bình Thuận).
Đại đức Thích Nguyên Bình, phó trụ trì chùa Diệu Pháp