Tiếng chuông diệu kỳ

GN - Ăn cơm có canh/ Tu hành có bạn.

Đúng vậy, như tôi đây, ở một xóm phố không có ai là Phật tử để làm bạn tu đồng hành thì buồn thật!

Đa số bà con trong xóm là người tứ xứ tới lập nghiệp, sống với nhau dần dần trước lạ sau quen, bán anh em xa/ mua láng giềng gần, tuy là dân góp từ khắp nơi về, nhưng cái tình làng nghĩa xóm cũng được thiết lập một cách dễ dàng vì trong trái tim người Việt đã có cái tình cảm cao quý đó. Chỉ tiếc một điều là không có ai đồng hành với tôi trên bước đường đạo. Hỏi ra mới biết trong số bà con nơi đây có một số gia đình mà thân sinh của họ cũng có truyền thống đạo Phật, nhưng đến đời họ vì chuyện cơm áo phải ly hương lập nghiệp cho nên con đường đạo bị gián đoạn đành tạm ngưng.

chuong.jpg

Hồi mới tới ở xóm phố này, trong lòng tôi cũng đã nghĩ đến ba chữ “thời mạt pháp” để lý giải và bằng lòng với  hoàn cảnh lúc đó. Nhưng đến hôm nay thì suy nghĩ của tôi lại khác. Tôi đồng ý với Giáo sư Cao Huy Thuần, tác giả tập sách “Đến với Phật cùng tôi” (NXB Hồng Đức - 2016), trong phần đầu sách (tr.7) Giáo sư đã viết:

“Tôi thường nghe than thở: ‘Đạo Phật bây giờ suy đồi quá!’ Nghe như vậy, tôi hỏi lại, đùa bỡn: Đạo Phật suy đồi? Có ai nói mặt trăng suy đồi vì bị mây che không? Bên kia mây trời vẫn là trăng ấy. Bên kia mây thế sự, đạo Phật chẳng là đạo Phật ấy hay sao?

Đạo Phật ấy, hãy đến cùng tôi. Không phải bằng chữ nghĩa cao siêu. Hãy đến với một cảm nhận đơn giản, như đến với một bóng im giữa buổi trưa hè”.

Tôi vui mừng vì lần hồi rồi tôi cũng có những người láng giềng trong xóm phố đến với Phật, như vậy là tôi không còn cảm thấy đơn độc vì đã có bạn tu đồng hành. Có lẽ những người bạn tu ấy đến với Phật cũng bằng một cảm nhận đơn giản, như đến với một bóng im giữa buổi trưa hè. Tôi cũng nghĩ như vậy! Trong số láng giềng ấy có thầy T. dạy Văn trường cấp 3. Thầy về gia nhập xóm phố này sau tôi vài năm, thầy theo đạo thờ cúng ông bà, chúng tôi đã có được cái tình nghĩa láng giềng thân thiết vì các con tôi lên cấp 3 đều học Văn với thầy. Thầy T. còn là nhà thơ, thầy đã tặng tôi 3 tập thơ của thầy, một hồn thơ lai láng. Bánh ít trao đi/ bánh chì trao lại, tôi tặng thầy vài cuốn sách có nội dung Phật học hay nhất do một số Phật tử chọn lọc ấn tống cúng dường gọi là Pháp thí.

Tôi chưa hề thuyết phục thầy T. đến với Phật, dù đã có rất nhiều lần ngồi uống trà buổi sáng trò chuyện với thầy. Một ngày nọ, tôi bất ngờ vì thầy nhờ tôi đi cùng thầy ra phố thỉnh tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm về thờ. Và thêm nữa, thầy nhờ tôi thỉnh sư cô và đạo tràng về làm lễ an vị Phật.

Vậy là thầy đã có nơi thờ Phật rất trang nghiêm. Thầy học nghi thức để tụng kinh niệm Phật. Ban đầu, mỗi đêm thầy mặc áo tràng lam thắp nhang, đánh 3 tiếng chuông lạy Phật và ngồi lần tràng hạt  niệm danh hiệu A Di Đà Phật cho bình tâm trở lại sau một ngày làm việc mệt mỏi. Thầy vui lắm vì đã có được một góc nhỏ ấm cúng nương tựa tâm hồn.

Có câu “Vạn sự tùy duyên”, nếu không có duyên lành thì khó có thể gặp được bạn tu đồng hành. Nhưng phải có vạn lần duyên lành tích lũy từ muôn kiếp mới gặp được và tu theo Phật pháp.

Nhà tôi, nhà thầy T. và mấy chục nhà trong xóm phố này đang có cuộc sống an lạc nhờ ngọn gió lành của đạo từ bi - trí tuệ. Tiếng chuông mõ của chúng tôi vẫn đang ngân vang lan tỏa mỗi sớm mai và chiều tối. “Nghe tiếng chuông/ Lòng nhẹ buông. Nghe tiếng mõ/ Tâm xả bỏ. Nghe lời kinh/ Thấu chữ tình. Nghe tiếng kệ/ Rõ đạo lý. Buông xả gì?/ Tham-sân-si”.

Xin được mượn lời của Giáo sư Cao Huy Thuần để thì thầm với nhau thêm lần nữa: “Đạo Phật ấy, hãy đến cùng tôi. Không phải bằng chữ nghĩa cao siêu. Hãy đến với một cảm nhận đơn giản, như đến với một bóng im giữa buổi trưa hè.”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.