Cúng cơm và thắp hương làm sao cho đúng?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GNO - 1- Ba tôi mất đến nay hơn 100 ngày, gia đình có cần cúng cơm mỗi ngày ba lần và thắp hương liên tục ngày và đêm nữa không? Gia đình tôi có bé sơ sinh nên cũng ngại khói hương ban đêm hơi ngộp nhà, không tốt cho sức khỏe vì nhà cũng nhỏ. 2- Mẹ tôi vừa mất hơn bảy tuần. Tôi muốn biết về tục lệ thờ cúng cho đến ngày mãn tang để làm cho đúng. Rất mong được quý Báo tư vấn và hướng dẫn cho chúng tôi.

(DIỆP LINH, diepli03...@gmail.com; ĐÀM HƯƠNG, nguyenle… @gmail.com)

Bạn Diệp Linh và Đàm Hương thân mến!

Việc thờ cúng cha mẹ mới mất hiện nay tùy theo từng gia cảnh và quan niệm, tập tục mà mỗi gia đình hoặc địa phương có khác nhau. Sau lễ tang, thường thì con cháu lập thêm một bàn thờ cho người mới mất (ngoài bàn thờ Phật và gia tiên đã có). Bàn thờ này thờ di ảnh, linh vị, bát hương, cơi nước, cặp đèn, bình hoa, dĩa quả, dâng cúng cơm nước hàng ngày ít nhất trong vòng 49 ngày.

Có những gia đình vì hoàn cảnh khó khăn, sau lễ cúng tuần chung thất (49 ngày), họ hóa giải bàn thờ linh, thỉnh di ảnh nhập bàn thờ gia tiên (hàng cháu có thể xả tang, hàng con vẫn lưu tang). Còn những gia đình khác thì sau lễ cúng bách nhật (100 ngày), cúng tiểu tường (1 năm), cúng đại tường (2 năm) sẽ xả tang, hóa giải bàn thờ linh và thỉnh di ảnh nhập bàn thờ gia tiên. Lý tưởng nhất là sau lễ cúng đại tường, còn gọi là lễ mãn tang, bấy giờ hóa giải hết tang chế cùng bàn thờ linh và cúng cơm nước, về sau chỉ cúng giỗ hàng năm. Vấn đề này hiện có nhiều ý kiến khác nhau nhưng hầu hết đều tùy theo gia cảnh mà thông cảm, không quá khắt khe hay phê phán gay gắt như thời trước phải theo đúng như tục lệ.

Việc cúng cơm và thắp hương cho người mới mất cũng có nhiều khác biệt, tùy theo gia cảnh và phong tục. Sau lễ tang, thỉnh linh an vị linh sàng (bàn thờ dành riêng cho người vừa mất) là thắp hương đèn và cúng cơm nước. Trong vòng 49 ngày, có gia đình thì hàng ngày đều cúng một bữa cơm, thường thì có gì cúng nấy (như cơm nước hàng ngày trước đây dâng cha mẹ). Có gia đình thì chỉ cúng vào ngày tuần thất, còn những ngày khác thì tùy duyên. Còn về phần đốt hương, có gia đình thì lúc nào bàn thờ linh cũng hương đỏ, đèn sáng; có gia đình thì hương khói tùy lúc. Trường hợp như bạn trình bày, gia đình mỗi ngày đều cúng cơm ba bữa, thắp hương liên tục cả ngày đêm thì cũng quý nhưng không phải ai cũng làm được.

Sau lễ chung thất (49 ngày) thì hầu như các gia đình đều không còn cúng cơm hàng ngày, chỉ còn thắp hương. Việc đốt hương cũng không nhất thiết phải liên tục (nhiều nhà chọn thắp hương vòng, cháy liên tục hàng mấy giờ liền), tốt nhất là thắp hương mỗi ngày hai lần lúc sáng, tối và những lúc chợt nhớ đến người đã mất. Nếu nhà nhỏ, chật hẹp thì nên chọn loại hương ngắn, cháy nhanh và không hóa chất để đảm bảo sức khỏe. Quan trọng là bàn thờ cần được quét dọn sạch sẽ, chân hương nên rút bớt cho gọn gàng (tránh nguy cơ hỏa hoạn). Những lễ tiếp theo (bách nhật, tiểu tường, đại tường) cũng vậy, dâng cơm nước cúng dường cha mẹ. Nếu đủ duyên mời thầy thì tốt, còn không con cháu tự cúng.

Thờ cúng cha mẹ sau khi mất là hiếu đạo. Tất cả đều xuất phát từ lòng thương kính, tri ân và báo ân. Tuy nhiên, thờ cúng là phần báo hiếu bên ngoài. Bên trong, cần giữ nhân cách đạo đức, thành tâm cầu nguyện, nỗ lực làm các việc lành trong khả năng để hồi hướng công đức. Người theo đạo Phật rất chú trọng đến phương diện này. Bởi lẽ, người thân khi mất đi luôn mong con cháu làm phước để hồi hướng cho họ. Trong giai đoạn này, những người con có hiếu đích thực, ngoài việc thờ cúng theo phong tục còn lo trau dồi đạo đức, giữ tâm trong sạch, tích cực tạo phước để hồi hướng công đức cho cha mẹ của mình.

Chúc các bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.