Vía và ngày vía

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Hồi còn đi học, tôi có biết về chữ vía, đại khái là phần tinh thần của con người như hồn vía. Hiện nay, chữ vía được dùng khá nhiều trong đời sống với những ngữ cảnh khác nhau như trộm vía, xin vía. Đạo Phật có ngày vía Phật, Bồ-tát; trong tín ngưỡng dân gian cũng có vía Thánh, Thần (vía Thần Tài chẳng hạn). Tôi muốn biết vía có nghĩa căn bản là gì? Giáo lý đạo Phật có đề cập đến vía không? Sao gọi ngày Lễ kỷ niệm Phật và Bồ-tát là ngày vía? Trộm vía, xin vía là gì?

(THIỆN THÔNG, ngththong…@gmail.com)

Bạn Thiện Thông thân mến!

Chữ vía trong tiếng Việt có nhiều nghĩa, chủ yếu mang ý nghĩa liên quan đến tinh thần, linh hồn hay tâm thức của con người. Trong quan niệm dân gian, hồn vía là phần tinh thần, nam giới có ba hồn bảy vía, nữ giới có ba hồn chín vía. Khi bị giật mình kinh hãi thì “hồn vía lên mây”, một số trường hợp ngu ngơ phải “gọi vía” trở lại mới tỉnh táo, bình thường.

Đạo giáo có quan niệm tinh thần của con người gồm tam hồn, thất phách (ba hồn, bảy phách). Hồn là phần tinh thần chính yếu, có thể tách rời thân xác đi đầu thai. Phách cũng là tinh thần nhưng chỉ dựa vào thân thể, khi thân chết phách liền tan biến, tán hoại theo. Người Việt thường dùng cụm từ “hồn xiêu phách lạc”, “hồn phi phách tán” để chỉ trạng thái khiếp đảm, sợ hãi cùng cực. Chữ vía trong tiếng Việt mang ý nghĩa tương đồng với chữ phách này.

Có ý kiến cho rằng, vía là một từ ngữ Phật học, được sử dụng nhiều trong dân gian vì ảnh hưởng triết lý Phật giáo. Thực chất đây là một ngộ nhận đáng tiếc. Kinh luận Phật giáo (Nguyên thủy và Đại thừa) trình bày chi tiết về tâm, ý, thức nhưng không đề cập đến vía. Nhà Phật trình bày các mối quan hệ phức tạp giữa tâm, ý, thức cũng hoàn toàn khác với mối quan hệ giữa hồn, vía của Đạo gia. Nói cách khác, vía (hồn vía: ba hồn, bảy/chín vía) là tín niệm dân gian, ảnh hưởng bởi Đạo giáo.

Phật giáo Việt Nam hiện nay gọi các ngày kỷ niệm những sự kiện trọng đại của Phật và Bồ-tát là ngày vía. Ví dụ như ngày vía Phật Thích Ca đản sinh, thành đạo, Niết-bàn v.v… Các vị Thánh thần trong tín ngưỡng dân gian cũng có ngày vía. Chúng ta hiện chưa biết chính xác cách gọi ngày vía Phật, ngày vía Bồ-tát bắt đầu từ lúc nào. Vì sao những ngày trọng đại ấy được gọi ngày vía? Có ý kiến cho rằng, đó là ý nghĩa mở rộng của từ vía, dựa theo nghĩa gốc của vía là tinh thần, linh hồn có tính linh thiêng nên ngày kỷ niệm Phật Thánh thiêng liêng được gọi là ngày vía.

Từ xa xưa, liên quan đến vía có các tập tục gọi vía (sợ hãi, thất kinh, khiếp đảm), chuộc vía (vía bị ám hay bắt giữ), giữ vía (cầu an, tăng trưởng thọ mạng), người yếu bóng vía và ngày vía. Trộm vía trước đây có nghĩa là xin phép, xin khéo các vía trước khi khen trẻ nhỏ. Hiện nay trộm vía được dùng trong văn nói với nhiều ngữ cảnh khác nhau. Sau những công việc thuận lợi, suôn sẻ khi thuật lại họ cũng nói trộm vía. Bên cạnh đó còn có xin vía, là mong ước xin được phần may mắn, hanh thông, mát tay của những người thành công, thành đạt.

Tóm lại, vía là từ có nguồn gốc từ Đạo gia, mang ý nghĩa là phần tinh thần của con người (khác với hồn), ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống xã hội. Những tín niệm và tập tục liên quan đến vía có nhiều điều hay và có cả những hũ tục, hạn chế nhất định. Ngày vía Phật, Bồ-tát rõ ràng có sự vay mượn chữ vía của Đạo gia. Nên chăng, Phật giáo Việt Nam cần nghiên cứu chuyên sâu để chuyển hóa ngày vía thành ngày kỷ niệm (tưởng niệm). Ví dụ ngày Kỷ niệm Đức Phật Thích Ca thành đạo rất trong sáng, chính xác, dễ hiểu. Ngày vía chỉ nên dành cho các Thánh, Thần trong tín ngưỡng dân gian như đã có trước đây.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.