Tùy duyên nghe pháp

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi là Phật tử tại gia, trước đây cuộc sống của tôi rất bận rộn nên ít khi có thời gian ngồi nghiêm chỉnh để nghe hết một thời pháp qua băng đĩa. Tôi thường nghe pháp lúc lái xe, khi làm bếp hay may, thêu, dọn dẹp nhà cửa. Tôi thấy tâm mình rất an lạc khi nghe pháp theo cách ấy và hiểu cũng khá sâu những lời quý thầy giảng dạy.

Mấy năm gần đây tôi có bệnh, khó ngủ và không còn đi làm. Lúc này tôi có thời gian rảnh để ngồi nghiêm chỉnh nghe pháp nhưng lại hay bị vọng tưởng. Trong khi, vừa làm việc nhà tôi vừa nghe pháp như trước thì an lạc hơn. Những đêm khó ngủ tôi hay nghe pháp và có nhiều lúc cũng ngủ thiếp đi. Có người bạn nói tôi nghe pháp khi ngủ là sai, phải chịu những quả báo xấu sau này. Xin hỏi, tôi đã nghe pháp sai cách rồi phải không? Vừa nghe pháp rồi ngủ luôn thì phải chịu những quả báo xấu nào? Mong quý Báo hướng dẫn cho tôi nghe pháp đúng cách để không bị mang nghiệp xấu.

(NGUYÊN VIÊN, sandrasa...@yahoo.ca)

Bạn Nguyên Viên thân mến!

Nghe pháp là một trong những pháp tu quan trọng. Nghe pháp chính là học, hiểu biết pháp rồi cần suy tư cho sâu sắc, sau đó mới từng bước ứng dụng thực hành, sống trọn vẹn với lời Phật dạy.

Trước khi có máy móc và công nghệ truyền thông, nghe pháp là nghe trực tiếp nơi vị thầy, người nghe ngồi đối diện với thầy. Trong bối cảnh này, người nghe cần phải nghiêm chỉnh, chăm chú để thể hiện sự tôn trọng pháp. Ngoài cách nghe trực tiếp còn có đọc kinh sách. Người xưa khuyến nghị khi đọc kinh sách của Thánh hiền cũng cần y phục trang nghiêm, ngồi thẳng lưng, tác phong oai nghi tề chỉnh. Đây là cách ứng xử của người xưa nhằm giúp chú tâm hơn và thể hiện lòng tôn kính pháp.

Ngày nay, công nghệ truyền thông rất phát triển giúp chúng ta nghe pháp mọi lúc, mọi nơi. Với đặc điểm bận rộn của đời sống hiện đại, hầu hết mọi người đều phải tranh thủ nghe pháp. Việc nghe pháp trên xe, lúc nghỉ ngơi thư giãn, khi nấu ăn hay đang làm các việc mà không quá tập trung trở nên rất phổ biến. Vì tranh thủ nên có thể đơn giản hóa các vấn đề liên quan đến nghe pháp (như y phục, oai nghi…), chỉ cần nghe hiểu được ý pháp với lòng tôn kính là đủ. Kể cả việc mở kinh pháp trong không gian sống hay làm việc, hoặc ngoài sân vườn, nghe loáng thoáng được câu kinh nào thì hay câu nấy, cũng là việc bình thường.

Tranh thủ đọc kinh sách cũng vậy, hiện có nhiều người đọc khi nằm trên giường (ghế), đọc khi đong đưa trên võng (xích đu), hay vừa đọc vừa đi tản bộ hoặc ngồi bạ đâu đó bất kỳ. Quý hóa là tâm yêu thích việc đọc kinh sách, còn cách đọc thế nào, oai nghi ra sao thì đa phần mọi người đều hoan hỷ, ít để tâm, nhiều lượng thứ. Tuy nói như vậy nhưng ai vẫn duy trì được phong thái cổ kính đọc kinh sách như xưa thì rất tuyệt vời, đáng ngưỡng mộ.

Còn có một loại hình nghe pháp khá đặc biệt là nghe trước khi ngủ, rồi có thể chìm vào giấc ngủ luôn. Dĩ nhiên, chúng ta không có ý nghe pháp cho dễ ngủ như nghe nhạc. Chúng ta chỉ tranh thủ nghe pháp trước khi ngủ mà thôi. Chìm trong lời kinh, thấm sâu ý pháp mà ngủ yên lành, ít mộng mị cũng có cái hay của nó. Trong tinh thần phương tiện, nghe pháp cách này cũng chẳng có gì sai, nghe được chừng nào hay chừng nấy. Nếu mở tâm bao dung với trường hợp nghe pháp này thì chung quy vẫn thiện lành, không hề bị quả báo xấu do bất kính.

Tóm lại, chúng ta có thể nghe (đọc) kinh pháp bằng nhiều cách, cổ kính trang nghiêm hoặc dung dị bình thường. Khi nghe pháp trực tiếp thì cần phải thành kính và trang nghiêm. Còn lại nghe pháp gián tiếp trong tinh thần “tranh thủ” thì tùy duyên. Chỉ cần tâm ý tôn kính và yêu thích nghe đọc kinh pháp là được.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.