Tia sáng từ bảo tháp Phù Thi

GN - Ngài ra đi để lại một công trình tâm linh vĩ đại. Ở nơi đây, lần cuối cùng này, cũng như thế, Pháp âm của Ngài sẽ vĩnh hằng trong chúng con. Tia sáng Phù Thi sẽ tiếp tục rạng ngời cho hậu thế.

Cùng hàng Phật tử cúi đầu kính tiếc…

Những ngày qua, hàng Phật tử Việt Nam xót xa tiễn đưa một bậc cao tăng của thời hiện đại, một dịch giả vĩ đại, có một không hai, của dòng kinh tạng Đại thừa, đó là Đức Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Sự tán dương và ca ngợi công đức của Ngài có lẽ chẳng bút mực nào có thể mô tả cho hết được.

10177517_257596427745669_960169586_n_1.jpg
Tấm bia nơi bảo tháp Phù Thi

Chỉ riêng bộ kinh Pháp hoa mà Ngài phiên dịch và lần đầu tiên được ấn hành vào năm 1947 đã là một dấu son bất diệt. Bản kinh này đã được thọ trì, đọc tụng, phiên tả, giảng thuyết khắp cả ba miền đất nước.

Được truyền bá hơn nửa thế kỷ qua, bản kinh vốn được xem là Pháp vương này đã thấm sâu vào lòng của hàng Phật tử mộ đạo. Những ai đã một lần thọ trì kinh Pháp hoa, kết duyên với Nhất thừa Phật đạo sẽ mãi mãi tri ân Ngài; tri ân không phải vì ngôn ngữ bóng bẩy, hoa lệ của bản dịch mà vì triết lý viên giáo tối thượng được phô diễn qua ngôn ngữ bình dị đến khôn lường. Có thể nào tưởng tượng rằng một vị Bồ-tát đến thăm Đức Phật và vấn an Ngài bằng những lời lẽ của con người, đại thể như vầy: “Thế Tôn có được an lạc, ít bệnh, ít não, chúng sinh có dễ độ chăng?”.

Đọc những lời như thế khiến ta cứ ngỡ rằng Đức Phật vẫn đang hiện hữu đâu đây chứ không phải là Đức Phật đã diệt độ của những mấy ngàn năm trước. Thật vậy, một kho tàng triết lý nhân bản và nhân văn của nền triết học Đại thừa đã được gói trọn trong những mẩu chuyện và ngôn từ như thế. Cho đến các giáo thuyết quan trọng như “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính” hay “nam nữ bình đẳng trên con đường tu tập và chứng ngộ” v.v... đều được Ngài phiên dịch bằng một ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu, và dễ lĩnh hội… Nay thì, lời kinh còn đó mà Người đã ra đi!

… khoảnh khắc Phù Thi… giật mình

Theo dõi diễn biến tang lễ của Ngài với người viết quả thật cũng là một cuộc thanh luyện nội tâm. Lễ nhập bảo tháp của Ngài thực thụ là một chấn động tâm linh sâu sắc. Sự chấn động không phải vì số đông tham dự mà vì chính cái tên của ngôi bảo tháp: Phù Thi. Hẳn Ngài đã mong muốn gởi lại cho hậu thế cái gì khi đặt tên cho mộ địa của chính mình như thế.

Thông thường, khi đặt tên cho một bảo tháp, các bậc tôn trưởng đều dựa vào những nhân duyên và sở nguyện thầm kín, thiêng liêng. Và thường, mỗi bảo tháp có một cái tên bao hàm một nội dung lý tưởng rất đẹp, chẳng hạn như là tháp Báo Thiên, Báo Ân, Phước Duyên, Pháp Lạc v.v... Rất hiếm khi một bảo tháp được đặt tên như trong trường hợp này.

Tên bảo tháp là Phù Thi. Trong chữ Hán, Phù thi (浮 屍) có nghĩa là cái thây nổi, hay cái xác chết nổi bồng bềnh. Hình ảnh của ngôn ngữ quả thật là ấn tượng một cách lạ thường. Trước mặt bảo tháp Ngài Hòa thượng còn cho dựng một tấm bia, có ghi hai câu chữ Hán: 有 來 問 我 爲 何 似 / 報 道 浮 屍 苦 海 中 (Hữu lai vấn ngã vi hà tự, báo đạo phù thi khổ hải trung). Và bên dưới có ghi:

Thơ rằng:

“Biển khổ mênh mông sóng cuộn trào

Thây trôi theo sóng hướng bờ vào

Có ai níu lấy thây nổi ấy

Sớm muộn cùng thây tắp bờ cao”.

Bài thơ đã nói lên tâm niệm trao gởi của Ngài một cách rõ ràng. Bài thơ là bức thông điệp chân lý - một thực tại như thực, giản đơn, chân thật, và luôn luôn là như thế. Ở đây, Ngài đã bôi xóa cái mật ngữ Phù Thi khó hiểu bằng lời giáo dưỡng chân tình, mộc mạc: “Biển khổ mênh mông sóng cuộn trào...”. Ý nghĩa của bài thơ là một sự cảnh tỉnh, là một Pháp ngữ chỉ thẳng, chỉ ngay vào thế giới thực tại… Đấy là gì? Một cái thây bồng bềnh giữa biển khổ! Vâng, mai sau nếu ai hỏi về bậc chân nhân thì đừng quên bảo rằng: Hãy nhìn vào thực tại…thực tại, một cái thây bồng bềnh giữa biển khổ (phù thi khổ hải trung)!

Và điều quan trọng hơn, đó là cần phải thấy cái gì không những chỉ ở bảo tháp Phù Thi mà ở cả thế giới phù thi mộng huyễn?

Quả thực là vô cùng tinh tế! Ngay cả cách thức an trí kim quan của Ngài ở bảo tháp cũng phô trần cái thực tại bồng bềnh của luân hồi sinh tử!

… Hai chân lý cho hành giả

Như lời suy niệm của Ngài Hòa thượng Pháp sư Trí Quảng nhận định, Đức Trưởng lão Hòa thượng là một hành giả Tịnh độ mẫu mực, Ngài đã sống một cuộc đời tri và hành hợp nhất. Sự ra đi của Ngài là một sự ra đi hiếm thấy của một hành giả đích thực. Và nhục thân của Ngài, giờ đây, cũng đã chuyển thành Pháp âm sinh động với chân lý thâm huyền cùng hai chữ Phù thi. Ảnh tượng này hàm ẩn hai chân lý được cụ thể trong hai câu kết:

“Có ai níu lấy thây nổi ấy

Sớm muộn cùng thây tắp bờ cao”.

Sự thể ở đây được mô tả bằng thực tại. Đại dương không dung túng xác chết bồng bềnh. Xác chết bồng bềnh sớm muộn gì cũng phải trôi giạt vào bờ theo từng chuỗi sóng hợp tan. Với pháp ngữ này, Ngài đã chỉ ra rằng dẫu thân người trôi nổi trong thăng trầm của đại dương sinh tử, nhưng nếu biết nương vào đó mà tu tập thì có thể tiến đến bờ cao - Niết-bàn, Tịnh lạc. Hai chân lý công ước và tuyệt đối luôn đồng hành với nhau. Nếu muốn đến Niết-bàn, phải nương vào chân lý công ước, lìa chân lý công ước, không thể đến Niết-bàn. Đấy chính là ảnh dụ nương vào chiếc thân phù thi giả tạm trong biển khổ vô thường để tiến đến cõi chân thường, bất sinh bất diệt. Không vào cửa phương tiện thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến chân trời cứu kính.

Bạt

Ngài ra đi để lại một công trình tâm linh vĩ đại. Ở nơi đây, lần cuối cùng này, cũng như thế, Pháp âm của Ngài sẽ vĩnh hằng trong chúng con. Tia sáng Phù Thi sẽ tiếp tục rạng ngời cho hậu thế.

Cúi đầu kính lễ Giác linh Đức Hòa thượng Đường đầu đắc giới Đại giới đàn Thiện Hòa, tổ chức tại Ấn Quang, 1991.

Tu viện Cát Trắng, Hoa Kỳ, 2014
Khải Thiên

_________________

* Tin, bài liên quan:

Tin mới

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.