Tỉ tê với má…

Tỉ tê với má…
Giác Ngộ - Khi sinh ra trên đời cũng có mẹ, tôi may mắn còn mẹ, tôi gọi mẹ bằng má từ nhỏ. Má tôi, người phụ nữ quê chân chất. Gồng gánh nuôi con, truyền cho con ước mơ và suy nghĩ tốt về con người: "Sống đời con phải biết yêu thương, cả người tốt lẫn người xấu…".

Má tôi vốn là người bao dung như thế, ngày còn nhỏ tôi vẫn hay thắc mắc là: "Sao phải thương chi người xấu?". Má tôi dịu dàng phân giải: "Đâu ai muốn mình là người xấu đâu con! Hồi mới sinh ra làm người họ đâu có xấu, nhưng vì hoàn cảnh, vì giáo dục hoặc nhiều thứ khác nên đã đẩy họ đi lầm đường lạc lối. Mình thương là thương ở chỗ sau những lầm lỗi ấy họ phải trả giá con ạ". Bài học ngắn mà tôi nhớ mãi, đến giờ đã "thấm" ra thành hành động. Hành động bao dung trước một lỗi lầm hoặc nhìn một ai đó có tội bằng con mắt cảm thông, tha thứ. Cuộc đời này ai mà chẳng có lúc lầm lỡ? Má tôi vẫn hay tự nhủ và nhắc con cái như thế.

Nói như thế không có nghĩa là má tôi dễ dãi với chính mình, cho phép mình lầm lạc. Theo má thì "nhìn như thế để bao dung và để mình hạn chế những sai lầm, sống tốt với mọi người. Đó cũng là một cách mở đường cho người lầm lạc quay về…". Đem tư tưởng ấy vào việc dạy con, má đã kéo tôi trở về sau nhiều lần tưởng chừng như mình đã rơi xuống vực thẳm. Đó là những lần như năm lớp 8, tôi bỏ bê chuyện học, hoang đàng đi chơi, hút thuốc, hái trộm, chửi thề… Tất cả đều đủ, thế mà má tôi đã bằng nhiều phương chước: từ khuyên đến dạy, đến dỗ để tôi nhận ra vấn đề, để tôi "hồi đầu giác ngộ" những việc làm ấy là hại thân, khổ cho má. Lần đó tôi hư vì hiểu lầm má, vì giận má sao ít quan tâm tới tôi trong khi chúng bạn xung quanh thì đầy đủ, được ba mẹ cưng chiều. Lần đó tôi vô tâm không hiểu nỗi khổ tâm của má và cuộc sống chật vật của gia đình mình: neo đơn, nghèo khó, chỉ một tay má quán xuyến mọi việc. Lần ấy lầm lỡ là do tôi nhìn thiển cận, hiểu không đúng về má và chỉ biết có riêng mình. Má đã làm tôi "ngộ" ra và thấy thương má nhiều hơn, để tôi biết lo lắng, biết cố gắng trong mọi việc!

Lần thứ hai tôi sai là khi đang học năm nhất đại học tôi đòi nghỉ ngang bởi tôi thấy má khổ vì đi làm, bỏ quê, xa nhà. Tôi thương má nên không nỡ nhìn thấy cảnh ấy nhưng tôi nào biết má tôi buồn về việc tôi yếu đuối, sớm đầu hàng khi gặp khó khăn. Lần đó, lúc biết tôi đình chỉ học tập, định bỏ ngang giữa chừng để đi làm công nhân… phụ má, má đã khóc. Nước mắt má đã thức tỉnh tôi, để tôi quay về với chính con người "đầy chí khí" mà má hay dành tặng cho tôi để tôi vững chãi hơn, tự tin hơn.

Má của tôi đó, bao giờ cũng nhẹ nhàng và từ tốn, bao dung, nhân hậu như vậy để cho tôi nhẹ bước vào đời. Những sóng gió của hai má con đã dần qua, những ngày khốn khó đã giảm dần, má được thư thả hơn nhưng như vậy má vẫn không nghỉ ngơi: "Má còn khoẻ, làm được gì thì làm". Má vẫn làm ruộng, vẫn chăm cái vườn dù hàng tháng con vẫn hay gửi tiền về cho má. Cứ lần nào con hỏi má về chuyện ăn uống, má cũng nói quanh: "Ăn đạm bạc thôi, má để dành tiền đó cưới vợ cho con và… làm từ thiện". Sống ở đời được mấy mươi lắm, nhiều lắm cũng chừng ba vạn sáu ngàn ngày rồi cũng ra người thiên cổ. Phải sống tử tế, làm người tử tế! Má vẫn thường nhắc như thế, và má sống giống như những gì má nói. Do đó, tôi luôn có những bài học sống động cho riêng mình…

Vu lan, tôi nhớ má và quyết làm như má dặn. Cẩn bút viết vài dòng dành riêng cho má, như một sự tri ân. Bỗng, muốn nói với má rằng: "Dạ thưa má, con hứa là con sẽ sống và làm người tử tế, má hãy yên lòng, nhen má!".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.