Trước thềm hội nghị do Ban Tăng sự GHPGVN tổ chức vào ngày 28-4 tại Văn phòng II Trung ương (thiền viện Quảng Đức, quận 3, TP.HCM), Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.
Nói về việc tổ chức Đại giới đàn, một Phật sự quan trọng, được đặt làm ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của Ban Trị sự các tỉnh thành trên khắp cả nước, Thượng tọa nhận định:
- Đại giới đàn là nơi tuyển người làm Phật (tuyển Phật trường), do đó đây là một trong những công tác luôn được các bậc tiền bối Phật giáo qua các thời kỳ và GHPGVN đặc biệt quan tâm. Công tác tổ chức Đại giới đàn trong thời gian qua, các tỉnh, thành đã làm rất tốt, từ công tác chuẩn bị, tuyển chọn giới tử, khảo hạch, truyền giới, thọ giới đều theo đúng Luật Phật chế, quy định của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương. Tuy nhiên, cũng có những bất cập trong khâu tuyển chọn giới tử tại một vài tỉnh, thành có số lượng giới tử quá đông. Từ bất cập này, tại khoản 2, Điều 42, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương đã quy định, mục đích là hạn chế đến mức chấp nhận được trong việc tuyển chọn giới tử.
Thượng tọa có thể chia sẻ lý do, mục đích cùng chủ đề của hội thảo lần này? Những trọng tâm nào dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận trong hội thảo, thưa Thượng tọa?
- Công tác tổ chức Đại giới đàn, các tỉnh, thành làm rất tốt, truyền giới, thọ giới đều đúng Luật Phật, chỉ có sai biệt về hình thức khai mạc, văn cung an chức sự tại những vùng, miền tại phía Nam.
Nhằm khắc phục sai biệt này, được sự cho phép của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương tổ chức Hội nghị công tác Đại giới đàn tại phía Nam. Mục tiêu hướng đến của Hội nghị là thống nhất nghi thức khai mạc, văn cung an chức sự. Sau khi thảo luận, góp ý của lãnh đạo BTS, Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh, thành sẽ thực hiện thí điểm tại các tỉnh, thành phía Nam.
Được biết, cho đến hiện tại, phần lớn các đàn giới Bắc truyền từ miền Trung trở vào Nam đều hành nghi dựa trên Giới đàn Tăng do Hòa thượng Thích Thiện Hòa dịch, Nghi thức truyền giới do Hòa thượng Thích Đỗng Minh soạn dịch, hay gần đây có Việt Nam truyền giới chánh phạm do Giới đài viện chùa Huệ Nghiêm biên soạn; đều được dịch nghĩa tiếng Việt. Tuy nhiên, việc sử dụng nghi thức truyền giới trong các Đại giới đàn vẫn chưa có sự thống nhất. Việc áp dụng một nghi thức truyền giới thống nhất bằng tiếng Việt có nằm trong chương trình thảo luận của hội nghị lần này không, thưa Thượng tọa?
- Như đã trình bày, mục tiêu hướng đến của Hội nghị công tác Đại giới đàn là thống nhất nghi thức khai mạc, văn cung an chức sự. Do đó, các tỉnh, thành phía Nam tùy nghi sử dụng: Giới đàn Tăng của Hòa thượng Thích Thiện Hòa biên dịch, hoặc Nghi thức truyền giới của Hòa thượng Thích Đỗng Minh biên dịch, hoặc Việt Nam truyền giới chánh phạm do Giới đàn viện chùa Huệ Nghiêm biên soạn trong việc truyền giới, thọ giới. Trước mắt là thí điểm tại phía Nam việc thống nhất nghi thức khai mạc Đại giới đàn và văn cung an chức sự.
Mục tiêu hướng đến của Hội nghị là thống nhất nghi thức khai mạc, văn cung an chức sự. Sau khi thảo luận, góp ý của lãnh đạo BTS, Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh, thành sẽ thực hiện thí điểm tại các tỉnh, thành phía Nam.
Từ năm 2015, GHPGVN TP.HCM đã có những thay đổi, quy chuẩn nhất định trong phương thức tổ chức Đại giới đàn, đảm bảo đúng pháp đúng luật nhưng vẫn phù hợp với tinh thần thời đại, đơn cử như giản lược phần lễ khai mạc, bế mạc, tập trung vào chương trình hành nghi, truyền giới,… Theo Thượng tọa, Giáo hội - trực tiếp là Ban Tăng sự có thể thống nhất về việc tổ chức Đại giới đàn?
- Nội quy Ban Tăng sự Trung ương có sự kế thừa những ưu việt đối với công tác tổ chức Đại giới đàn của các bậc tiền bối có sự điều chỉnh theo định hướng khế lý, khế thời. Bởi vì quá khứ tốt đẹp là nền tảng vững chắc để hiện tại và tương lai phát triển. Hội nghị lần này nhằm thống nhất nghi thức khai mạc, văn cung an chức sự là cũng theo định hướng đó.
Khế thời không có nghĩa là giản lược phần này hay phần khác, mà giới đàn luôn đảm bảo: Giới đàn trang nghiêm, Giới sư thanh tịnh và Giới tử chí thành.
Đại giới đàn là Phật sự được tổ chức khá nhiều trong thời gian gần đây và do đó, ở các tỉnh miền Bắc thì có ràng buộc các giới tử với thầy nghiệp sư; còn ở các tỉnh miền Trung và miền Nam thì tương đối thoáng, do đó, việc độ người xuất gia số lượng rất nhiều, vì vậy cũng gây nên một số hệ lụy khi người xuất gia trẻ ít được uốn nắn, ràng buộc với thầy tổ. Từng là Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội, nay là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, đảm trách Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự Trung ương, Thượng tọa có nhận định gì và kiến nghị điều chỉnh gì về vấn đề Đại giới đàn và người xuất gia trẻ?
- Mối quan hệ gắn bó giữa thầy nghiệp sư, thầy bổn sư và đệ tử xuất gia đều có sự ràng buộc thầy - trò giống nhau, giáo dục tại tự viện đều rất tốt, nhất là đều được giáo dưỡng pháp học, pháp hành, oai nghi, tế hạnh; nếu có sai biệt trong tu học thì đó là sai biệt về pháp môn tu học trong cùng hệ thống Bắc tông. Một ít Tăng Ni trẻ có hành vi không chuẩn mực, đây là trường hợp cá biệt. Nó không xuất phát từ việc có sự ràng buộc, hay tương đối thoáng, ít được uốn nắn trong mối quan hệ thầy - trò, cũng không phải xuất phát từ việc xuất gia nhiều hay ít.
Nguyên nhân của một ít trường hợp cá biệt này là do cá nhân Tăng Ni trẻ đó buông lung, giải đãi trong tu tập, bị ngã mạn chi phối nên đã đánh mất ý chí hướng thượng khi sơ tâm xuất gia (thiện tai đại trượng phu, năng liễu thế vô thường, khí tục thú nê-hoàn, công đức nan tư nghì. Hủy hình thủ khí tiết, cát ái từ sở thân, xuất gia hoằng thánh đạo, thệ độ nhất thế nhân), không ôn tầm bối diệp, đắm nhiễm pháp hữu vi, không nỗ lực hoàn thiện nhân cách bằng “Pháp học - Pháp hành - Đạo đức”, bằng Tam vô lậu học mà Đức Phật đã dạy.
Để khắc phục một ít trường hợp cá biệt này, tạo sự trong sáng của cộng đồng Tăng Ni, theo tôi, thời gian tới cần đẩy mạnh giáo dục hoàn thiện nhân cách theo tinh thần thực hành lời Đức Phật dạy, hiểu biết lời Đức Phật dạy, một khi đã thực hành và hiểu biết sẽ có lý luận đạo đức (pháp học, pháp hành), sẽ có tấm gương đạo đức; nên áp dụng lại mô hình khảo hạch giới tử của các bậc tiền bối. Vì trước đây, Ban Giám khảo chỉ định ngẫu nhiên giới tử phải đọc thuộc một trong 4 bộ Luật tiểu mới cho đăng đàn thọ giới; cũng nên hạn chế việc cho sám hối thọ giới đối với trường hợp giới tử không trúng tuyển kỳ khảo hạch của đàn giới. Nếu tỉnh, thành đều áp dụng mô hình đọc thuộc 4 bộ Luật tiểu thì sẽ hạn chế được trường hợp cá biệt Tăng Ni lệch chuẩn.
Nhìn chung, tất cả Tăng Ni trẻ đều tinh cần tinh tấn trong tu tập, có một ít trường hợp cá biệt là không tránh khỏi trong quá trình phát triển. Chư tôn đức đều tin tưởng mỗi Tăng Ni trẻ giữ vững được sơ tâm xuất gia, có trách nhiệm cá nhân trong nỗ lực hoàn thiện nhân cách để có tấm gương đạo đức, trang nghiêm tự thân và góp phần công đức trang nghiêm Giáo hội.
Quảng Hậu/Báo Giác Ngộ số 1098