Khi gia đình không còn là tổ ấm
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn Giáo dục Tâm lý Thể chất TP.HCM, hiện nay cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước. Nhìn chung, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam tăng nhanh và chiếm 31%- 40%, nghĩa là cứ ba cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn.
Đó là chưa kể những vụ án mạng thương tâm gần đây xảy ra trong gia đình khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng. Cuối tháng 5-2022, xảy ra chuyện gã chồng cũ giết 3 người nhà vợ tại Phú Yên, chỉ vì sau khi ly hôn vợ, thủ phạm Đoàn Minh Hải, nhiều lần tìm tới thăm con nhưng gia đình vợ cũ không cho gặp nên y đã giết vợ và cha mẹ vợ. Chúng ta nhớ chuyện tương tự ở Thái Bình tháng 6 năm ngoái, Đào Văn Thịnh trong lúc nói chuyện với bố mẹ vợ thì xảy ra mâu thuẫn, Thịnh đã dùng dao chém vào người bố mẹ vợ và vợ là chị Đào Thị Sim làm các nạn nhân tử vong tại chỗ.
Chiều 7-6-2022, Công an quận Phú Nhuận (TP.HCM) bắt giữ Nguyễn Anh K. (30 tuổi) - nghi phạm giết chết cha ruột là ông N.V.B. (sinh năm 1950). Bước đầu, nghi phạm khai do thiếu tiền tiêu xài nên xin ông B., nhưng ông B. không đồng ý. Trưa 6-6, K. dùng hung khí đâm chết ông B., lấy đi nhiều tiền, vàng rồi bỏ trốn trước khi bị trinh sát bắt giữ…
Và còn nhiều vụ án thương tâm khác vượt xa sự tưởng tượng của chúng ta với đủ mọi nguyên nhân: tranh chấp giữa vợ chồng, anh em; áp lực cha mẹ về quyền thừa kế…
Làm sao có thể duy trì những giá trị cốt lõi hình thành nên một gia đình: tình yêu thương, sự đầm ấm, che chở và chia sẻ… trong bối cảnh mọi thứ đều đang thay đổi với nhiều nhân tố phá hủy sự bền vững của “tế bào” gia đình đến tận gốc rễ?
Nguyên nhân vì sao?
Theo các nhà xã hội học, nguyên nhân của những bi kịch trên là do tuổi trẻ thiếu trang bị kỹ năng sống nên hành xử theo cảm tính. Với các cặp vợ chồng trẻ, họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình, nghĩ về cái tôi của mình mà không quan tâm đến người bạn đời nên nảy sinh mâu thuẫn trong khi chung sống.
Nguyên nhân thứ hai là do kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, lại thêm có con sớm khiến vợ chồng từ khó khăn vật chất trở nên cáu gắt gây gổ, không hòa thuận. Từ đó, có thể phát sinh bạo lực gia đình, thậm chí nhiều trường hợp người chồng sinh ra nghiện ngập ma túy, cờ bạc, rượu chè…
Còn nguyên nhân phụ rẫy cha mẹ là do không muốn nuôi, sợ gánh nặng tuổi tác, bệnh tật, tính tình không hợp…
Nhận diện những nguy cơ
Có người đã than thở: Dường như chưa bao giờ làm chồng làm vợ, làm cha mẹ, làm con ruột con rể con dâu, sao cho gia đình êm ấm, thuận hòa, hạnh phúc lại trở thành một việc đầy khó khăn thách thức như ngày nay. Mô hình và cấu trúc gia đình truyền thống đang thay đổi, gia đình tam tứ đại đồng đường hầu như biến mất, gia đình hạt nhân trở thành chủ yếu, nhưng quan trọng và đáng nói hơn là những quan niệm và giá trị đang thay đổi, tạo ra lệch nhịp, đứt gãy và đổ vỡ trong những mối quan hệ quan trọng nhất của đời sống con người.
Một vài quan điểm cho rằng xu hướng thực dụng đang xâm nhập vào quan hệ hôn nhân và bổn phận hiếu thảo với những toan tính, vụ lợi, ích kỷ nhỏ nhoi đang ngày càng làm tổn thương đến tình cảm gia đình. Chưa kể mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về ứng xử, lối sống, việc chăm sóc người cao tuổi cũng gây ra những vấn đề nan giải.
Buồn thay, có những người xem sự yêu thương hay hy sinh của cha mẹ, vợ chồng là chuyện đương nhiên và họ sống ích kỷ, thờ ơ để đến khi mất mới nhận ra mình đã vứt đi viên ngọc quý trong chéo áo. Sự phát triển công nghệ khiến chúng ta dễ dàng đắm mình trong thế giới ảo qua các mạng xã hội. Với thiết bị liên lạc hiện đại, con người kết nối toàn cầu trong tích tắc nhưng nó cũng làm giảm sút các tương tác cụ thể, trực tiếp trong gia đình, sợi dây kết nối cảm xúc lỏng lẻo hơn dù internet đã rút ngắn khoảng cách địa lý, cho phép chúng ta gặp gỡ mọi người ở bất cứ đâu.
Nghịch lý là những người sống trong một nhà nhưng ít chuyện trò, tâm sự chia sẻ với nhau. Chúng ta thấy nhiều gia đình vào quán cà-phê, mỗi người một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng và chẳng ai nói với ai điều gì, vì mỗi người sử dụng một phương tiện “thông minh” để tìm niềm vui mới cho mình qua thế giới ảo trên mạng. Nó cũng tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo, như hẹn hò trực tuyến, khiến chúng ta dễ buông bỏ người bạn đời của mình vì nghĩ rằng tìm đối tác mới cũng dễ, thậm chí có vẻ “đẹp hơn”, “hào nhoáng hơn” người đang sống với mình vì chỉ vài cái click là có tình yêu mới, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực.
Nghiên cứu cho thấy 38,5% người trả lời chấp nhận sống độc thân - mức độ này được chấp nhận cao hơn ở nữ giới và nhóm xã hội mang nhiều đặc điểm hiện đại; 28,4% mong muốn sống thử trước khi kết hôn và 58,3% không ủng hộ sống thử.
Bắt đầu lại từ đâu?
Muốn sống cùng, sống với nhau chúng ta phải học những kỹ năng cần thiết từ sự nhường nhịn, kiên nhẫn, cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, phải học cách yêu thương nhau. Giá trị cốt lõi của gia đình là sự yêu thương, chia sẻ, đáp ứng nhu cầu của nhau, nương tựa vào nhau, chấp nhận lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau. Nói một cách đơn giản, gia đình là trường học đầu tiên nơi người ta bắt đầu nhận thức về mình như một cá nhân, học cách dung hòa những nhu cầu của mình và của người khác, học cách cho và nhận, thế nên, phải tôn trọng nhau, học tha thứ và bao dung với lầm lỗi của người khác.
Hãy biết ơn và trân trọng cha mẹ về những gì họ đã hy sinh và nuôi dưỡng chúng ta, biết ơn vợ hay chồng về những gì tích cực họ mang lại là cội nguồn của những cảm xúc tích cực, một trong những nền tảng của hạnh phúc. Có người ví chất lượng của một mối quan hệ cũng giống như một tài khoản ngân hàng, tức không phải một thứ bất biến, mà có thể đầy thêm hay vơi bớt mà mỗi cử chỉ yêu thương, mỗi lời nói, hành động tốt đẹp là một khoản chúng ta gửi thêm vào “tài khoản” ấy. Mỗi lời nói xúc phạm, mỗi cử chỉ thô lỗ, mỗi hành động xấu là một khoản bị rút đi. Nếu cứ bị rút hoài mà không có gì gửi thêm vào, tài khoản ấy sẽ nhanh chóng cạn kiệt.
Tình yêu như một cái cây cần chăm bón, tưới tẩm hàng ngày chứ không phải tự nhiên mà lớn lên hay xanh tươi. Trong tinh thần nhân quả thì, chúng ta gieo yêu thương sẽ gặt lại yêu thương, gieo lòng tin nhận về sự chung thủy. Có người tâm sự trước khi cưới nhau, anh chị quấn quít bên nhau không rời vì anh chị đang nuôi tình yêu trong lòng mỗi người với ý muốn kết hợp hai cuộc đời thành một. Nhưng sau khi sống chung vì thiếu sự giữ gìn và vun bồi tình yêu ban đầu, cộng thêm hiểu lầm, nên đã dẫn đến đổ vỡ.
Chúng ta hãy thu xếp quỹ thời gian trong ngày để dành cho gia đình, con cái, vợ chồng, cha mẹ, cùng nấu một bữa ăn, cùng đùa vui chút ít bên bàn ăn cho khuây khỏa, thăm hỏi cha mẹ sức khỏe, con cái về việc học hành, trường lớp, chia sẻ và đừng trách mắng nếu như có điều gì không thật sự hài lòng.
Trong tiếng Anh có câu “Beauty leads to attraction but kindness and intelligence lead to love” (Sắc đẹp có thể thu hút những ánh nhìn nhưng chỉ có sự tử tế và thông minh mới có được yêu thương). Nói theo ngôn ngữ marketing, mỗi người tự ý thức về “thương hiệu” bản thân để vượt qua thử thách, nghịch cảnh càng lớn, giá trị lan tỏa cũng như sức thuyết phục từ thương hiệu của bạn ngày càng lớn, đừng thờ ơ với chính bản thân mình.
Cha mẹ ngày xưa dậy sớm lo cơm áo cho con với những chiếc “đồng hồ trách nhiệm” chứ không chỉ báo thức đơn thuần, nên chúng ta hãy thu xếp quỹ thời gian trong ngày để dành cho gia đình, con cái, vợ chồng, cha mẹ, cùng nấu một bữa ăn, cùng đùa vui chút ít bên bàn ăn cho khuây khỏa, thăm hỏi cha mẹ sức khỏe, con cái về việc học hành, trường lớp, chia sẻ và đừng trách mắng nếu như có điều gì không thật sự hài lòng.
Kết nối truyền thông
Trong kinh điển Phật giáo, chánh ngữ - một trong 8 phần chánh đạo, được định nghĩa là: “Tránh nói láo, nói lời chia rẽ, lời nói thóa mạ, và những lời sáo rỗng vô nghĩa”. Có 5 yếu tố để một lời được gọi là chuẩn: Đúng thời, đúng sự thật, nói với tâm từ, đem lại lợi ích cho người nghe và nói với ý định tốt. Cần phải tránh cảnh “ngồi không, bươi móc chuyện cũ” ra để gây hấn hay làm khổ nhau.
Ngoài ái ngữ, chúng ta còn phải biết lắng nghe để thấu hiểu người khác, chuyển hóa cực đoan trong tâm mình. Lắng nghe với tâm từ bi mang đến cho ta và tha nhân cầu nối truyền thông và có tác dụng trị liệu nhiều bệnh thái của tâm như ghen ghét, ích kỷ, thù hận. Hãy kiểm soát cảm xúc. Hãy nhớ rằng dù có điều gì xảy ra, luôn có cách giải quyết. Những sai lầm nóng giận khi không kềm chế gây ra vô vàn tai hại. Chúng ta tự hỏi nếu gã thanh niên ở Phú Yên hay Thái Bình kềm chế lòng mình thì đã không gây ra án mạng để đối diện án tử hình và sự ăn năn vô hạn.
Với tâm từ bi và bằng ái ngữ cùng sự lắng nghe, chúng ta kết nối truyền thông với chính mình và cộng đồng. Khi truyền thông với những thông điệp tích cực và yêu thương, ta đang nuôi dưỡng tâm hồn của mình với những ý niệm đẹp. Khi truyền thông với sự lo lắng, giận dữ, bất an thì cũng chính là lúc ta làm cho tâm hồn mình trở nên xáo trộn, mỏi mệt. Hiểu được điều này, ta sẽ ý thức hơn trong suy nghĩ, lời nói và hành động của bản thân trong quá trình truyền thông.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã gửi gắm đến người đọc những phương pháp thiết lập truyền thông để ta biết cách sống tỉnh thức, biết cách chuyển hóa cơn nóng giận và biết cách lắng nghe, thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau mà người khác đang phải chịu đựng, từ đó kết nối cộng đồng. Nếu cuộc đời ngoài vợ chồng, cha mẹ con cái thì vẫn còn những người bạn chân thành có thể khuyên ta những điều tốt, ngăn cản ta làm những điều sai quấy. Khi gặp giông bão thì chúng ta cần một bờ vai của ai đó giúp ta qua sóng gió…
Như đã nói ở trên, công nghệ mới cung cấp cho chúng ta nhiều phương tiện để liên kết. Nhưng ngay cả khi đang liên kết với người khác, ta vẫn cảm thấy cô đơn. Dù có facebook, zalo, twitter, gửi email, cập nhật thông tin nhiều lần trong ngày, nhưng ta đâu thể giảm bớt cô đơn. Sự sai lầm trong suy nghĩ rằng càng kết nối, càng liên kết với mọi người để tìm cách che đậy những vết thương, âu lo về nỗi cô đơn bên trong. Chúng ta quên mất cách truyền thông với chính mình.
Không có nơi nào, không có lúc nào mà không thể áp dụng truyền thông với tâm thương yêu và sử dụng ái ngữ. Không cần phải chờ tới một cơ hội đặc biệt nào cả. Có thể áp dụng cho mọi trường hợp và đem lại lợi ích. Nếu hành xử như thế hôm nay thì chúng ta có thể hàn gắn những đổ vỡ của quá khứ nhờ cảm thông, tuệ giác và chữa trị cho chúng ta, cho gia đình cũng như cộng đồng của chúng ta.
Tóm lại, theo ngôn ngữ Pháp hoa thì thế giới có thể nhập qua lòng thương yêu. Thương yêu là bản năng hợp nhất mọi sự, cái Nhất chân pháp giới. Thương yêu người sẽ xóa đi cái ta và cái của ta. Trí tuệ soi sáng từ bi theo nhà Phật không dựa theo cái Ngã vì luôn nhận thức “Một là tất cả, tất cả là một”. Chúng sinh từ vô thỉ tới muôn triệu kiếp, đã từng là cha mẹ, anh chị em thân bằng quyến thuộc của nhau
Hãy yêu thương người khác và chúng ta sẽ được đền đáp lại. Đó là sự kết nối miên trường đời đời kiếp kiếp. Đó cũng là nhân quả, là cương thường, là thế giới soi sáng bởi từ bi và trí tuệ… Có như thế ngọn lửa trong mỗi gia đình luôn ấm áp, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa.