GNO - Gần 2 triệu người dân Hoa Kỳ từ 40 tuổi trở lên bị tác động bởi chứng thoái hóa điểm vàng có liên quan đến lão hóa (AMD) - nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người cao tuổi, theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).
Rối loạn về mắt này thường xảy ra sau tuổi 60 nhưng cũng có thể xảy ra ở các độ tuổi nhỏ hơn.
AMD gây phá hủy điểm vàng của mắt, phần cơ quan cần thiết để mắt có thể nhìn vật thể phía trước một cách sắc nét, tập trung thị lực. Thị lực trung tâm giúp nhìn thấy các vật thể một cách rõ ràng và thực hiện một số hoạt động thông thường như: lái xe, đọc, viết, nấu nướng, quay số điện thoại và nhận diện khuôn mặt.
Thoái hóa điểm vàng là sự mất mát khu vực trung tâm của võng mạc (điểm vàng). Điểm vàng nằm chính giữa võng mạc giúp chuyển đổi ánh sáng và hình ảnh thành các tín hiệu đưa đến não. AMD có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt và thường không ảnh hưởng đến tầm nhìn ngoại vi.
Các biểu hiện của thoái hóa điểm vàng
Bất ổn này thường phổ biến ở người cao tuổi, phát triển dần dần và không gây đau. Vì thế, các biểu hiện ban đầu thường bị nhầm lẫn với những thay đổi thường xảy ra của thị lực khi lớn tuổi. Ở một số người, bệnh tiến triển nhanh và có thể dẫn đến mất thị lực ở cả hai mắt.
“Nếu nhận thấy có bất kỳ sự ‘méo mó’ nào ở một bên mắt thì nên đi khám mắt ngay”, lời khuyên của các bác sĩ nhãn khoa.
Theo Bệnh viện Mayo, các dấu hiện của AMD gồm có:
- Các đường thẳng hay khuôn mặt bị lượn sóng.
- Các ô cửa nhìn như bị bẻ cong.
- Các vật thể xuất hiện nhỏ hơn và dường như ở xa hơn.
- Ngày càng khó khăn trong việc thích ứng với mức ánh sáng yếu.
- Khả năng nhìn thấy độ sáng giảm.
- Gặp khó khăn trong việc nhận diện khuôn mặt.
- Ngày càng thấy lờ mờ.
- Thị lực trung tâm bị nhòe hoặc không nhìn thấy.
Những ai có nguy cơ cao với bệnh này?
Các yếu tố nguy cơ của bệnh này là: người từ 65 tuổi (nhưng bệnh có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn), gia đình có người mắc bất ổn này, hút thuốc lá, béo phì, huyết áp cao, người có cholesterol cao, chế độ ăn thiếu rau củ quả…
Huệ Trần
(theo Live Science)