“Thể dục mang lại cảm giác hạnh phúc như có nhiều tiền”

GNO - Từ nghiên cứu, các chuyên gia Đại học Yale và Đại học Oxford đã chứng minh rằng: Thể dục, vận động quan trọng với sức khỏe tinh thần hơn tiền bạc và điều kiện kinh tế.

Các chuyên gia cũng lưu ý, một số môn thể thao đồng đội (có tính tương tác cao giữa các thành viên trong đội, nhóm) mang lại tác động tích cực cho sức khỏe tinh thần của chúng ta hơn so với các bộ môn có tính tương tác kém hơn.

Nghiên cứu phát hành trên tạp chí Lancet gần đây.

ngay moi nang dong.jpg


Nạp năng lượng hạnh phúc cho ngày mới bằng thể dục - Ảnh minh họa

Kết quả được khẳng định sau khi các chuyên gia thu thập và phân tích dữ liệu từ hành vi thể chất và trạng thái tinh thần của 1,2 triệu người dân Hoa Kỳ.

Người tham gia nghiên cứu được hỏi về thu nhập cá nhân và hoạt động thể chất. Về hoạt động thể chất, người tham gia có thể chọn từ 75 loại hình vận động thể chất được liệt kê - từ các việc như cắt cỏ, chăm sóc trẻ, làm việc nhà cho đến nâng tạ, chạy xe đạp và chạy bộ.

Năng vận động, hạnh phúc hơn

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng người thường xuyên thể dục, vận động có xu hướng tinh thần tiêu cực khoảng 35 ngày trong một năm; còn người không thường xuyên vận động, thể dục có số ngày có tinh thần xấu nhiều hơn đến 18 ngày - tức trung bình 53 ngày trong cả năm.

Ngoài ra, người năng động thể chất cũng cảm thấy vui vẻ như người không có vận động thể chất nhưng kiếm được hơn 25.000 đô-la mỗi năm. Việc kiếm được nhiều tiền cũng có tác động đến mức độ hạnh phúc và vui vẻ như từ thể dục, thể thao.

Thể dục vận động thế nào là đủ và hiệu quả?

Thể dục, vận động hiển nhiên là tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta nhưng vận động và rèn luyện ở mức nào là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Mối quan hệ giữa thời gian vận động (chơi thể thao) và trạng thái tinh thần là theo dạng hình chữ U. Nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất đóng góp vào sự cải thiện tinh thần với thời lượng nhất định.

Theo đó, tập luyện từ 3 - 5 buổi một tuần, mỗi lần kéo dài từ 30 - 60 phút là lý tưởng - các chuyên gia chia sẻ.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là chúng ta có thể bị tác dụng ngược nếu lạm dụng việc rèn luyện vì mục tiêu cá nhân tự đặt ra nào đó (thiếu khoa học). Cụ thể, nếu tập thể dục hoặc rèn luyện hơn 3 giờ đồng hồ mỗi ngày sẽ có tác dụng tiêu cực hơn cả người không thường xuyên vận động thể chất.

Các hình thức vận động như tập aerobics, tập thể hình, chạy xe đạp dù không phải là môn thể thao mang tính đồng đội nhưng các hoạt động này cũng mang lại tác dụng tích cực đáng kể cho sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Đức Hòa
(theo World Economic Forum)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.