Thanh Hóa: Siết chặt quản lý thực phẩm chay

0:00 / 0:00
0:00
Nguồn cung thực phẩm chay vẫn xuất hiện nhiều đồ ăn chay trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ gây hậu quả khôn lường ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hiện các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay đua nhau “nở rộ”. Tuy nhiên, trong nguồn cung thực phẩm này vẫn xuất hiện nhiều đồ ăn chay trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ gây hậu quả khôn lường ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Ăn chay ngày nay phổ biến với mọi thành phần, lứa tuổi và xuất phát từ nhiều lý do như: ăn chay vì sức khỏe, vì mục đích tôn giáo, bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật… Thị trường đồ chay cũng ngày càng đa dạng, từ thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn, đóng túi, đóng hộp… được bày bán ở khắp mọi nơi như siêu thị, cửa hàng, các chợ truyền thống… rồi đến các “chợ online” cũng nhộn nhịp không kém. Với lợi thế giao hàng tận nơi và bán hàng theo nhu cầu của khách hàng, có nhiều sản phẩm “mới, lạ”, giá bán dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn/1 ký tùy loại… nên thực phẩm chay của “chợ online” cũng được nhiều người lựa chọn.

Ngày 23-4, Đội quản lý thị trường đã phát hiện, thu giữ hơn 3 tấn thực phẩm chay không rõ nguồn gốc tại An Giang
Ngày 23-4, Đội quản lý thị trường đã phát hiện, thu giữ hơn 3 tấn thực phẩm chay không rõ nguồn gốc tại An Giang

Vào các ngày lễ, ngày rằm, mùng 1, tại các chợ dân sinh, các tuyến đường trên địa bàn TP.Thanh Hóa nhất là khu vực gần chùa Thanh Hà chúng tôi ghi nhận các sạp bán đồ chay với đủ loại hàng hóa phong phú, đa dạng, đặc biệt là các món “giả mặn” như: đùi gà, tôm, thịt bò, pate, xúc xích, chả các loại… Theo quan sát, bên cạnh một số có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, thì đa số đều không nhãn mác, chẳng địa chỉ, không hạn sử dụng. Khi chúng tôi hỏi về vấn đề này, đa số các tiểu thương đều trả lời: Đây đều là hàng mới làm, chỉ sử dụng trong ngày nên không có nhãn mác. Tất cả làm từ bột mì pha trộn lại nên người tiêu dùng rất yên tâm. Còn hàng đóng gói bao bì có nhãn mác là chúng tôi nhập từ các cơ sở sản xuất khác về bán.

Hiện nay, nhu cầu người dân tìm đến thực phẩm chay không chỉ tập trung vào các ngày rằm, mùng 1 hàng tháng mà những ngày thường cũng rất đông. Là người ăn chay thường xuyên, chị Bích, phường Thiệu Dương (TP.Thanh Hóa), cho biết: Gia đình tôi từ lâu đã coi món chay là chủ đạo trong bữa cơm gia đình. Chưa bao giờ tôi thấy thị trường thực phẩm chay lại phong phú và đủ kênh cung cấp như hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chất lượng và việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của thực phẩm chay thì ít thấy cơ quan chức năng công bố, khuyến cáo. Do đó, khi lựa chọn đồ chay, tôi chỉ dựa trên sự tin tưởng và tìm đến các cửa hàng uy tín hoặc các siêu thị…

Đã nhiều năm nay, trong mỗi bữa cơm của gia đình bà Trịnh Thị Thao, phường Đông Thọ (TP.Thanh Hóa), đều có từ một đến hai món chay. Do đó việc lựa chọn thực phẩm chay sao cho vừa phù hợp, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí bà đặt lên hàng đầu. Bà Thao chia sẻ: Gia đình tôi rất thích ăn chay, bởi ăn chay giúp tâm tính hiền hòa, an vui, đặc biệt là nâng cao sức khỏe, giảm béo, tăng tuổi thọ… Tuy nhiên, thời gian qua ở các tỉnh, thành trong cả nước đã xảy ra không ít vụ ngộ độc thực phẩm từ đồ chay khiến tôi cảm thấy hoang mang. Nếu cứ để người dân nhập viện rồi các cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra, xử lý và thu hồi sản phẩm thì lúc đó đã quá muộn.

Người tiêu dùng thì hoang mang, lo lắng, trong khi thị trường vẫn tràn ngập thực phẩm chay mà chất lượng thì khó có thể kiểm soát. Vụ việc năm 2020, sản phẩm pate Minh Chay chứa độc tố khiến hàng chục người ngộ độc. Rồi mới đây là việc một số người ngộ độc liên quan đến ăn bún riêu chay tại Bình Dương, không chỉ dấy lên “hồi chuông” cảnh tỉnh người tiêu dùng, mà còn cho thấy “lỗ hổng” trong việc quản lý loại thực phẩm này.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm chay. Song từ vụ việc ngộ độc pate Minh Chay cũng đang đặt ra trách nhiệm cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, thực phẩm chay nói riêng. Ông Lê Hữu Cảnh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, cho biết: Để tăng cường kiểm soát thực phẩm chay, đội đã tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, lưu thông mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, trong đó có thực phẩm chay tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử… Bên cạnh đó, đội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, để nhắc nhở và nâng cao ý thức người dân khi sử dụng thực phẩm này.

Cũng qua kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1, tại một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay trên đường Bến Ngự, phường Trường Thi (TP.Thanh Hóa) đã phát hiện hộ gia đình bà Nguyễn Thị T., vi phạm điều kiện bảo quản an toàn thực phẩm và nhãn hàng hóa, do chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng của thực phẩm. Trên cơ sở đó, Đội Quản lý thị trường số 1 đã xử phạt hộ bà T. số tiền gần 5 triệu đồng.

Ngày 1-4-2021, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ ăn chay, bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo đúng quy định. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong kiểm soát chặt chẽ thị trường thực phẩm chay và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; thiết nghĩ, người dân cần lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.