Đào Thái Sơn là một gương mặt quen thuộc trên văn đàn tỉnh nhà. Những bài viết nghiên cứu về văn hóa của vùng đất Tây Ninh xuất hiện với một tần suất đáng nể trên báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh chứng tỏ sức viết khỏe khoắn, kiến thức khá sâu rộng của một cây bút trẻ.
Tập truyện ngắn Triền đời lộng gió là đứa con đầu tiên của anh trên mảnh đất văn chương. Có lẽ cũng vì thế nên anh đã “rào đón” ngay từ trang mở: “Mười chín truyện trong Triền đời lộng gió hầu hết là những đoản khúc tâm tư tuy xa vời nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Bởi vậy nên tôi chỉ đơn giản sống lại với nó chứ không thích cầu kỳ hóa nó. Cũng như cái mụch đích viết của tôi là không phải để trở thành nhà văn, mà để lưu giữ ký ức, lưu giữ cho mình, cho người…”.
Có điều hơi lạ, lần đầu tiên tôi “gặp” Đào Thái Sơn lại là ở một lĩnh vực khác: thơ. Tập thơ “Ánh mắt tẩy trần” ra đời năm 2013 của anh với giọng thơ lạ lẫm đã để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt. Cứ tưởng khi chuyển qua viết truyện ngắn, văn của anh chắc sẽ mượt mà bay bổng, thướt tha như thói quen của những người làm thơ. Nhưng tôi đã lầm.
Triền đời lộng gió của Đào Thái Sơn |
Mười chín truyện ngắn hầu hết là những câu chuyện kể ở ngôi thứ nhất với mạch văn đều đều, đơn giản dễ đọc, dễ hiều cứ túc tắc đi vào lòng người. Thỉnh thoảng mới bắt gặp một chút run rẩy của “thơ”: “…không hiểu sao sương mù lại âm thầm phủ trắng, nước suối chảy lờ đờ trong cõi lạnh tanh mênh mang vô định” (Dưới tạng sương mù); “Một nắm tro tàn trôi theo dòng suối chảy, mây chìm sóng nổi mênh mang” (Một nắm tro tàn); “Và trong ánh mắt thơ ngây của em tôi mặc tình cho những cánh sim bay dưới ráng hồng lộng lẫy” (Ráng hồng lộng lẫy) …
Đối với Tây Ninh, Đào Thái Sơn và gia đình là dân ngụ cư. Quá trình “ngụ cư” thâm niên đến mức đủ để biến nơi này đã trở thành quê hương cật ruột. Tha La, vùng đất anh sống loáng một cái đã “ngót bốn lăm năm” cũng là một địa danh nổi tiếng. Đây là vùng đệm của cơ quan đầu não Trung ương cục miền Nam, nơi xảy ra những cuộc chiến đấu ác liệt trong thời kỳ kháng chiến. Sau hòa bình, Tha La là vùng “Kinh tế mới” với nhiều sự kiện, câu chuyện khá đặc biệt trong giai đoạn lịch sử đầy khó khăn của đất nước. Đó cũng chính là bối cảnh của những chuyện kể trong tập truyện ngắn của Đào Thái Sơn.
Và tôi bước vào thế giới của anh, với cái làng kinh tế mới cùng những phận người tha hương quần tụ đa tính cách, đa văn hóa tạo nên một “bức tranh quê lẫn lộn giữa hai màu tối sáng” khá sinh động, chất chứa vui buồn, đớn đau và lòng trắc ẩn. Mười chín mẩu chuyện dù không liền mạch nhưng vẫn thấy xuyên suốt trong đó là không gian, hình ảnh và những sinh phận của một miền đất trải qua bao thăng trầm.
Trong Triền đời lộng gió, có nhiều cái chết bi thảm, xót xa từ những bi kịch cuộc sống. Đó là cái chết đau xót của đứa học trò nghèo vắn số Trúc Phương trong “Học trò cũ của tôi”, em chết vì rơi xuống hố bom ngập nước trong lúc đi chăn trâu; cái chết uất ức của Lão Ngọc khi cuộc sống bị dồn đến bước đường cùng trong “Dưới tạng sương mù”; cái chết trong nỗi giày vò, ân hận của anh Ba trong “Một nắm tro tàn”; cái chết cô quạnh của ông Hai trong căn chòi rách, một cuộc đời trôi nổi với tận cùng của sự nghèo khổ ở truyện ngắn “Phật hương” … Cái chết của họ để lại một bài học, một nỗi ám ảnh của kiếp nhân sinh trong trùng trùng bể khổ ở cõi Ta-bà.
Nhưng không phải tất cả đều mang cái gam màu ảm đạm của bi kịch. Vẫn còn đó những đóm sáng thiện lương tỏa ấm lòng người: lão Phú, nghệ nhân tài hoa của làng gốm có tiếng thà đập bỏ tác phẩm quý của mình chứ không biến nó thành vật cống nạp cho thế lực tiêu cực để mưu cầu lợi ích kinh tế (Hồn gốm); là lão Miến câu rê “hiền lành và cô độc nhất thế gian” dang tay che chở cho người phụ nữ nghèo khó để “kiếm chút tình tha hương” (Tình tha hương); là thằng Tuấn “con lai” bị mọi người kỳ thị vẫn sống hết mực với bạn bè, xóm làng. Dù đã định cư ở nước ngoài nhưng lúc nào cũng ôm ấp ước mơ về lại “xứ mình” để được “lang thang câu cá, hái rau muống bên bờ suối Tha La như thuở ngày xưa ấy” (Thằng Tuấn); là tình cảm ấm áp chân tình của nhân vật tôi dành cho người bạn thuở hàn vi trong nỗi nôn nao chờ đợi cuộc gặp gỡ (Thiện); là tấm lòng dung dị, chân chất của một anh hùng lao động cả đời chẳng “quỳ lụy xin xò ai điều gì” (Triền đời lộng gió); là tấm lòng người cha nuôi một đời tần tảo, hy sinh cho đứa con gái nhặt được bên đường (Trời mưa bong bóng…)
Bàng bạc trong những câu chuyện của Sơn là cái triết lý nhân quả của nhà Phật. Cái chết treo cổ đầy ám ảnh của người dân thường do sự ngộ nhận của nhóm chiến sĩ trẻ tình nguyện đã khiến anh Ba (Một nắm tro tàn) cả đời ray rức ân hận, rồi cuối cùng kết liễu đời mình giống như thế. Hay tai nạn suýt bỏ mạng cũa người thợ săn già vì bội bạc một lời nguyền với rừng thiêng trong truyện ngắn “Rừng thiêng”. Là cái sinh mệnh ngàn cân treo sợi tóc của lão Kính giang hồ bặm trợn gieo nhiều nghiệp ác chút nữa là phải trả giá bằng tính mạng và câu nói đầy ẩn ý của Tà Lục “Muốn trèo cây hái quả thiện thì phải biết róc bỏ gai ác…” (Tà Lục) …
Thủ pháp dựng chuyện theo kiểu “kỳ ảo” cũng được anh sử dụng trong nhiều truyện ngắn (Bảng lảng khói sương, Linh vật của cha tôi, Miếu sơn thần, Rừng thiêng, Sau cõi thanh minh, Trước độ xuân về…). Kỳ ảo nhưng không mê tín dị đoan nhằm tạo hình ảnh ma mị đánh vào thị hiếu người đọc, mà chỉ là một dạng thần bí dân gian, một gạch nối tâm linh của hiện tại và quá khứ nhẹ nhàng đánh động vào những cái ác tồn tại trong đời sống phàm tục.
Tôi dành nhiều thời gian cho “Cuồng nhân”, một truyện ngắn khá đặc sắc trong tập truyện ngắn của anh. Có một chút cường điệu về khả năng đặc biệt của người cựu chiến sĩ đặc công, nhưng thông điệp của câu chuyện nằm ở chỗ khác. Cái bề ngoài sù sì hoang dại của một con người gặp phải biến cố đau buồn trong cuộc đời trở thành kẻ bất thường vẫn ẩn tàng cái khí chất trượng nghĩa khinh tài. Và cái chết của ông từ thế võ cuối cùng để cứu đứa bé là cách giải thoát bi kịch đầy tính nhân văn của tác giả cho nhân vật yêu quý của mình. Có rất nhiều người “trở về sau cuộc chiến” trong truyện của anh mang số phận khá bi đát. Hãy bỏ đi những quan niệm theo một mô-típ khắc khe, máy móc về những chuẩn mực đạo đức, hình ảnh chung chung của một đối tượng xã hội nào đó phải được ngợi ca mà quên đi họ vẫn là một thành viên trong xã hội và mang số phận riêng có cả vinh quang lẫn cay đắng.
Khép lại tập truyện với 19 câu chuyện mà tác giả đã “lặn hụp để chắt lọc và vớt lại những mảnh vụn của tâm hồn mà ai đó đã bỏ quên…” để lại nhiều dư âm “bảng lảng khói sương” cho người đọc. Sơn không chủ đích hư cấu cốt truyện, trau chuốt con chữ để trở thành tác phẩm hoàn mỹ, nhưng cái thu hút người đọc phải mở đến trang cuối cùng chính là hồn vía của từng câu chuyện kể.
Đứa con so dù chăm bẵm cỡ nào vẫn không tránh khỏi những vụng về hồn nhiên một cách đáng yêu của lần đầu tiên làm cha mẹ. Tôi nhập vào Triền đời lộng gió của Đào Thái Sơn bằng sự thấu cảm của một người bạn văn chương.