Nhắc đến tình yêu, bên cạnh niềm hạnh phúc ngọt ngào, thì những người yêu nhau cũng thường lo sợ bởi những nỗi ám ảnh như ghen tuông, ham muốn, cô đơn, thất vọng, sự phụ thuộc, chiếm hữu, bất đồng, tranh cãi, căm ghét và đặc biệt là nỗi sợ người mình yêu phải lòng kẻ khác…
Trong “Yêu” (tựa gốc: Being in love), Osho gọi những nỗi sợ đó là “tâm trí rác rưởi”, là “suy nghĩ vô nghĩa”. Vị đạo sư được tôn vinh là một trong 1.000 người kiến tạo của thế kỷ 20 cho rằng, khi một người còn e sợ những điều xấu xí trên, trải nghiệm mà họ đang có không phải là tình yêu thực sự. “Tình yêu có thể khiến cuộc đời bạn là một lễ ăn mừng vĩ đại - nhưng chỉ có tình yêu, không phải lòng ham muốn, không phải cái tôi, không phải tính chiếm hữu, không phải sự ghen tuông, không phải sự phụ thuộc”, ông viết.
“Yêu” của Osho mang đến sự hiểu biết trọn vẹn về tình yêu. Ông cho rằng tình yêu chỉ chân thật khi không có cái tôi ẩn phía sau, nếu không tình yêu sẽ chỉ là hành trình của cái tôi, thích chiếm hữu và kiểm soát, do đó, nó dẫn đến đau khổ, trầm luân, tuyệt vọng.
Điều đầu tiên được bàn đến trong cuốn sách cũng chính là “cái tôi” - gốc rễ sâu thẳm của mọi xung đột, bất hạnh trong tình yêu và các mối quan hệ.
“Trong tình yêu, mọi người đều tìm cách nắm quyền kiểm soát, lên kế hoạch, chi phối - bằng của cải, quyền lực, chính trị, kiến thức, sức mạnh, những lời nói dối, yêu sách, thói đạo đức giả”, Osho cho hay.
Theo Osho, điều cần thiết trước khi một người dấn thân vào tình yêu, là nỗ lực gạt bỏ đi cái tôi ngang bướng ngáng đường. “Đóa hoa tình yêu chỉ có thể bung nở khi không có cái tôi, khi không có nỗ lực giành quyền kiểm soát, khi bạn khiêm nhường, khi bạn không tìm cách trở thành ai đó mà sẵn sàng không là ai cả”, ông cho hay.
Sau đó, qua từng chương sách, Osho từng bước dẫn người đọc đến sự thấu hiểu về một tình yêu nguyên bản, khi cái tôi hoàn toàn tan chảy và chỉ có sự cho đi từ một trái tim hân hoan, tràn đầy năng lượng và niềm vui. Osho liên tưởng: “Khi một bông hoa nở và thả hương theo gió, nó cảm thấy biết ơn đối với cơn gió - nếu không, hương thơm ngày càng ngập tràn trên hoa và gần như trở thành gánh nặng đối với bông hoa”.
“Yêu” vẫn cuốn hút và cá tính như mọi ấn phẩm khác từ Osho, trong đó ngôn từ luôn sắc sảo và tuyệt đẹp, “giống như những nét cọ thi ca” |
Theo đạo sư, khi một người chia sẻ niềm hân hoan của mình - cũng chính là thứ năng lượng tình yêu nguyên chất và đẹp đẽ nhất, họ chỉ đơn giản là cho đi, không mong nhận lại điều gì, không tạo nên ngục tù cho ai, cũng không rơi vào bất hạnh hay thất vọng khi tình cảm lứa đôi thay đổi, “bởi vì bạn quá tràn đầy nên bạn phải cho đi”.
Và đích đến cuối cùng của một tình yêu không mong cầu ấy chính là sự tự do tuyệt đối luôn song hành cùng tình yêu. “Giống như chúng ta đang tìm cách bay lên trời chỉ với một chiếc cánh”, ông nói, “Vài người có được chiếc cánh tình yêu, vài người có được chiếc cánh tự do - nhưng cả hai đều không thể bay lên. Bạn cần có cả hai cánh”.
Còn nhiều điều phong phú khác nữa được Osho bàn đến trong “Yêu”: Tình dục, hôn nhân, các giai đoạn phát triển tự nhiên của tình yêu trong cuộc đời một người, những trúc trắc thường gặp của các cặp đôi…
Vị đạo sư còn mang đến sự kiến giải sâu sắc về mối quan hệ giữa yêu và thiền định. Ông cũng bàn về sự thân mật - một đỉnh cao trong tình yêu - khi mà người ta yêu trở thành tấm gương để ta hiểu được chính mình. Hiếm có bậc thầy tâm linh nào mang ánh sáng của thiền và đạo vào vấn đề tình dục và yêu đương đầy uyên bác, tinh tế và thấu cảm như Osho.
“Yêu” vẫn cuốn hút và cá tính như mọi ấn phẩm khác từ Osho, trong đó ngôn từ luôn sắc sảo và tuyệt đẹp, “giống như những nét cọ thi ca”.
Và có lẽ không chỉ dừng lại ở tình yêu, những trang viết của “Yêu” còn mang đến một sự gột rửa trong tâm trí, hướng bạn đọc đến sự hoàn thiện, khai sáng và thức tỉnh cá nhân. ‘Yêu’, tác phẩm kinh điển của Osho về Tình yêu: Tình yêu chỉ có thể trưởng thành trong tình yêu. Trao tặng, không lệ thuộc, không chiếm hữu sẽ không có khổ đau trong tình yêu.
Osho tên thật là Chandra Mohan Jain, sinh ngày 11-12-1931, tại bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Ông tốt nghiệp khoa Triết, đại học Jain năm 1955 và lấy bằng M.A Triết tại đại học Sagar năm 1957. Năm 1962, ông thành lập những trung tâm thiền đầu tiên ở vùng quê nơi ông sinh sống và nổi tiếng như một người khơi dậy phong trào thiền học “đánh thức sự sống” (Jivan Jagruti Adolan). Thời gian này, người ta biết đến ông với tên gọi Acharya Rajneesh.
Khoảng thời gian những năm 1980 là thời kỳ cao điểm, có khoảng 200.000 hội viên và 600 trung tâm tu học theo tinh thần của Osho trên toàn thế giới. Năm 1989, ông chính thức lấy tên Osho. Ông mất ngày 19-1-1990 tại thành phố Pune, Ấn Độ.
Osho là bậc đạo sư gây tranh cãi bậc nhất, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất. Tờ Sunday Times của London mô tả Osho là một trong 1.000 người kiến tạo của thế kỷ 20. Còn tờ Sunday Mid-day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người thay đổi vận mệnh của Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới.
Osho được biết đến với những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực chuyển hoá nội tâm thông qua thiền định. Phương pháp thiền động của Osho (active meditation) giúp giải toả căng thẳng cho thân và tâm, giúp mọi người dễ dàng trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại.