Tết của tôi: Tết của tình thân

Hương vị Tết xưa
Hương vị Tết xưa
0:00 / 0:00
0:00

Trong xã hội hiện đại, người ta sợ Tết sẽ ngày càng “nhạt”. Nhạt là bởi cái ăn, cái mặc giờ chẳng còn thiếu thốn đến mức phải đợi đến Tết mới có. Nhạt bởi sự bùng nổ của công nghệ thông tin giúp mọi người dù ở cách xa bao nhiêu vẫn có thể trò chuyện, tương tác một cách dễ dàng.

Tết bây giờ, với nhiều người, là thời gian hiếm hoi để chỉ mong được nghỉ ngơi sau cả năm tất bật với công việc, lo toan kinh tế… Bởi vậy, hoài niệm về những Tết xưa đầm ấm, an vui có thể trở thành miền ký ức sâu đậm trong tâm thức bao người. Và với tôi, Tết xưa hay Tết nay luôn là Tết của tình thân!

Với những đứa trẻ quê nghèo chúng tôi ngày ấy, Tết đã đến trong lòng từ những ngày cuối năm. Chúng tôi đếm từng ngày trông Tết đến, nghĩ đến những bánh trái, đồ ăn, đến quần áo, giày dép mới và bao niềm vui khác nữa mà chỉ khi Tết đến mới có, mới được tận hưởng một cách trọn vẹn, thỏa thích.

Trước Tết, hồi hộp và háo hức nhất là ngày 30 tháng Chạp. Mấy anh em lo canh nồi bánh chưng luôn vừa lửa vừa nước cho bánh có thể chín dền kịp vớt ra để cúng. Cả nhà cùng ăn bữa cơm tất niên, cùng thức đợi giao thừa, nghe như nhịp tim đập theo tiếng kim đồng hồ tích tắc. Là đêm 30 mà ai cũng cảm thấy ấm cúng, hạnh phúc vô cùng khi được vui vầy bên những người ta thương yêu, trong khói hương trầm thơm thoảng.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, ngày mùng 1 luôn là Tết của gia đình. Từ tối 30, bố đã dặn đi dặn lại mấy anh em sáng đầu năm phải ở trong nhà, chưa được sang chơi nhà hàng xóm kẻo trở thành người xông đất.

Thế rồi, ngày mùng 1 Tết chỉ để dành riêng cho các thành viên trong gia đình. Trước tiên là bố lo cúng kiếng, giữ cho những trang thờ trong nhà luôn được ấm hương nhang. Sau nữa, cả gia đình sẽ chúc Tết ông bà khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi.

Và trong bộ đồ mới, anh em tôi càng vui sướng hơn khi được bố mẹ chúc chăm ngoan, học giỏi cùng với đó là những bao lì xì đỏ thắm. Chỉ bấy nhiêu thôi đủ cho anh em tôi lớn lên biết giữ lấy nếp nhà, biết vun vén cho tình cảm gia đình ngày thêm bền chặt.

Ngày mùng 2 Tết mọi năm, anh em tôi thường được bố chở trên chiếc xe đạp nam Thống Nhất đi chúc Tết anh em, họ hàng nội ngoại. Trong tiết trời se lạnh, dưới những vạt mưa xuân đổ bụi êm êm, cảm giác cứ lâng lâng, thích thú vô cùng khi được bố chở đi băng qua những cánh đồng xanh mướt mạ non, những ngôi làng đậm mùi Tết, những con đường người người rộn ràng, nô nức.

Đi thăm họ hàng ngày Tết, chẳng những được nhận nhiều bao lì xì, được thưởng thức nhiều món ngon, mà quan trọng hơn, bố mẹ đã giúp anh em tôi biết đến người thân trong dòng tộc của mình.

Nhớ những ngày mùng 3 Tết khi xưa, tôi thường cùng bạn bè đi lễ Tết nhà thầy cô. Dù còn nhỏ nhưng chúng tôi đã ý thức được lời dạy “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Chỉ với những chiếc xe đạp cũ, có khi là đi bộ, vậy mà chúng tôi cứ mải miết, hân hoan đến chúc Tết từng nhà thầy cô giáo của mình.

Bên thầy cô, chúng tôi cứ thế râm ran chuyện cũ chuyện mới chẳng khác nào những đứa con thơ líu ríu bên cha mẹ hiền. Tình thầy trò theo năm tháng càng trở nên ấm áp, sâu nặng để rồi khi đã trưởng thành, chúng tôi càng không thể nào quên công ơn thầy cô, càng biết tiếp nối, giữ gìn truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.

Theo quan niệm của người Việt, hết ba ngày Tết nhưng vẫn còn Xuân, vì thế đây còn là thời gian thích hợp để mọi người đi thăm xóm giềng, bạn bè hay du xuân, tham gia các lễ hội nơi đình miếu, chùa chiền. Sự gặp gỡ, quan tâm thăm hỏi, trao nhau những lời chúc tốt đẹp dịp đầu xuân năm mới cũng chính là cách cố kết tình cảm xóm làng, bạn bè tạo thành khối đoàn kết tương thân tương ái lâu bền.

Tết của ngày xưa, Tết của hôm nay và của mai sau rồi cũng sẽ tuần tự trôi đi. Và với những ai biết giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc thì Tết sẽ chẳng bao giờ trở nên phai nhạt!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.