Tết của tôi: Ba mươi năm đón Tết ở chùa

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhắc đến Tết, với nhiều người đó là mùa đoàn viên, là không khí đầu năm mát mẻ, hoa lá cỏ cây đua sắc khoe hương, là mùi bánh chưng thơm ngát, bánh kẹo đầy mâm...

Với những người xuất gia đầu Phật cũng có ký ức riêng về ngày Tết. Chọn đời sống phạm hạnh không gia đình cho nên Thiền môn là nơi huynh đệ đồng tu đón Tết - tràn đầy thiền vị.

Tết thực sự bắt đầu từ 23 âm lịch trở đi. Theo tục xưa, đây là ngày chư Thiên về trời, Táo quân thượng thiên để trình tấu Thiên giới những điều xảy ra dưới trần gian trong năm qua. Từ đó có những sách lược cho năm tới với mong muốn trần gian được hạnh phúc. Cũng chính thời điểm này, các chùa tất bật chỉnh trang lại khuôn viên và bao sái tượng Phật, pháp khí cho sạch sẽ tinh tươm. Không khí chuẩn bị đón Tết rất vui vẻ. Cả chùa tập trung mỗi người một việc, mong cho sớm hoàn thành để có một cái Tết ấm cúng nhất.

Góc tết ở chùa - Ảnh: Thành Toàn

Góc tết ở chùa - Ảnh: Thành Toàn

Ký ức đáng nhớ nhất của tôi về Tết thực ra vẫn tiếp diễn cho đến tận hôm nay - khi đã trụ trì một ngôi chùa. Sắp Tết, ngoài thời gian dành cho việc tu trì, chư Tăng cùng Phật tử tự tay thiết kế và tạo ra những mô hình, tiểu cảnh nho nhỏ gắn liền với đời sống Thiền môn, thân thiện môi trường. Mục đích, để người đi lễ chùa ngày Tết, ngoài việc thưởng lãm, quay phim chụp ảnh thì cũng là cách chuyển tải đạo lý, thông điệp tích cực đến tất cả.

Chẳng hạn, mỗi cây cảnh trong chùa được gắn lời nhắc:

“Cỏ cây cũng có linh hồn

Tôn trọng sự sống thì đừng bẻ cây”.

Một ký ức khó quên trong dịp Tết nữa, đó là ngày sư phụ của tôi về Phật, mùng 7 tháng Chạp. Khi ấy, tôi đang vào cuối học kỳ 2 của lớp Cao học khoá 1 - Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Bấy giờ, tôi nghe tin Thầy không được khỏe phải điều trị ở bệnh viện. Những tưởng cũng như mấy lần trước, không có gì phải lo lắng nhiều vì Thầy bệnh tuổi già mà. Nhưng sau đó, các sư huynh cho hay bệnh Thầy lần này nặng lắm, không đơn giản chút nào, có lẽ phải lo chuẩn bị mọi thứ thôi.

Thế rồi, chuyện gì đến cũng phải đến. Bác sĩ bảo: Sức khỏe của Thầy chỉ có thể đếm từng ngày mà thôi. Đúng như tiên liệu, Thầy đã về với Phật sau một giấc ngủ thật sâu, trong sự nhẹ nhàng. Mỗi khi nhớ đến Thầy, huynh đệ chúng tôi được sách tấn.

Thực sự, mỗi lần cảm thấy bế tắc hay buồn lo về chuyện nào đó trong cuộc sống, tu học, Phật sự không được như nguyện, tôi lại nhớ đến sự ấm áp của bàn tay Thầy năm nao đã xoa đầu và dặn: con ráng tu hành thật tốt. Chỉ bấy nhiêu thôi, chúng tôi đã cảm thấy an lòng.

Thầy đã cho tôi niềm tin, nhất là khi đường đạo hay nẻo đời cũng lắm chông gai. Với người Việt, Tết cũng là dịp tri ân, báo ân. Người học Phật thì nhận rõ, ân sư - người giáo dưỡng để mình có “huệ mạng” - muôn kiếp khó đáp, khó đền. Chỉ có thể nỗ lực tu học. Nhớ Thầy vì thế cũng là nhớ tu.

Cho đến hôm nay, sau gần 30 năm đón Tết trong chùa, tôi mong dù xã hội ngày càng hiện đại, thực dụng, dẫu có nhiều thứ cứ mai một dần nhưng sự thiêng liêng của ngày Tết sẽ được gìn giữ.

Cầu chúc tất cả thật nhiều năng lượng bình an cho mùa đoàn viên với những người ta yêu thương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.