Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy hận thù và sợ hãi bởi nạn khủng bố, bạo động và chiến tranh không ngừng xảy ra hầu như mọi lúc và mọi nơi. Thực trạng thế giới mấy năm vừa qua khiến chúng ta không khỏi giật mình lo lắng bởi sự sống của con người thường xuyên bị tước đoạt, ước mơ hòa bình bị dập tắt, hạnh phúc loài người bị đe dọa.
Hơn bao giờ hết, khẩu hiệu “Hòa bình - Hòa hợp - Công lý” đề ra bởi Hội nghị ABCP lần thứ mười này cần phải được giương cao và biến thành hiện thực bởi những người con Phật chúng ta trong sứ mạng truyền bá Chánh pháp “vì lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho số đông”.
Để góp phần cho mục tiêu Hội nghị, chúng tôi xin thảo luận một nguyên lý rất chung về con người, do chính Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni tự thân chứng nghiệm rồi giảng dạy cho chúng ta, từ đó tình thương và lòng từ bi của con người được đánh thức và nở hoa, đưa đến tôn trọng sự sống và hạnh phúc của muôn loài và thiết lập hòa bình thế giới: Nguyên lý bình đẳng giữa con người và con người và giữa các loài chúng sinh. Kinh Pháp cú dạy:
“Tất cả mọi người đều sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý mạng sống; hãy lấy mình làm ví dụ để không giết hại hay khiến người khác giết hại”.
“Tất cả chúng sinh đều mong muốn được hạnh phúc; do đó người nào xây dựng hạnh phúc của mình trên sự khổ đau của kẻ khác thì nhất định sẽ gặp bất hạnh đời sau”.
Đức Phật tôn trọng sự sống và hạnh phúc của muôn loài bởi một lẽ duy nhất: Tất cả chúng sinh đều yêu quý sự sống, lo sợ sự chết, mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau. Ngài chứng ngộ sự thật này bằng chính kinh nghiệm tự thân:
“Tâm ta đi cùng khắp,
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã.
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy,
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người”.
Hòa thượng gặp Giáo hoàng John Paul II tại Hội nghị Tôn giáo Quốc tế cầu hòa bình cho nhân loại tại Rome (năm 1988) |
Tôi đặc biệt chú ý đến sự thật phổ quát hay nguyên lý rất chung này mà Đức Phật đã tự thân chứng nghiệm để nói lên rằng tình thương và lòng từ bi của Ngài là rộng lớn vô biên, không thể dùng tâm thái thường tình của chúng sinh mà đo lường được. Nó khác với tình thương và lòng từ bi thông thường của chúng ta bởi nó được đánh thức và cổ vũ bởi sự thật hơn là bởi truyền thống hay ước lệ xã hội.
Chúng ta thường biểu lộ tình thương và lòng từ bi của mình bởi chúng ta được bảo tình thương đáng ca ngợi và lòng từ bi đáng được nuôi dưỡng. Truyền thống hay ước lệ xã hội giúp chúng ta nuôi dưỡng tình thương và lòng từ bi nhưng đó là tình thương và lòng từ bi được quy ước, biểu lộ bởi sự thôi thúc và cổ vũ bên ngoài, không phải là tình thương và lòng từ bi nội tâm, được đánh thức và cổ vũ bởi sự thấy biết đúng như thật các nguyên lý cơ bản về con người và về cuộc đời.
Do được thôi thúc và cổ vũ bởi truyền thống hay ước lệ xã hội nên tình thương và lòng từ bi của chúng ta thường bị giới hạn bởi chính cái khuôn khổ của truyền thống hay ước lệ xã hội ấy. Chúng ta tỏ ra thương yêu và đối xử từ tâm với người này nhưng không thương yêu và tỏ lòng từ bi đối với người khác. Thông thường truyền thống hay ước lệ xã hội chỉ cho phép chúng ta mở rộng tình thương và lòng từ bi của chúng ta trong phạm vi của nó và ít khi nó khuyến khích một bước tiến xa hơn.
Sắc thái chủng tộc, biên giới quốc gia, văn hóa dân tộc là các rào chắn vững chắc mà mỗi quốc gia thường dựng lên để tạo thế phòng thủ và để khoe khoang cái tốt của mình với người khác. Chúng ta có khuynh hướng thích khoe cái tốt và cố che cái xấu của mình với người khác. Và chính các rào chắn mang tính quốc gia hay chủ nghĩa dân tộc này mà chúng ta thường lấy làm tự hào là các tường thành ngăn cách chúng ta với người khác và không cho phép chúng ta mở rộng tấm lòng của mình xa hơn.
Chúng ta được dạy thương người và cứu giúp người nhưng cùng lúc chúng ta cũng được bảo người mình đáng thương, đáng giúp hơn, kẻ khác không đáng thương, không đáng giúp bởi họ theo tôn giáo này hay chính thể nọ. Thành công của các biên giới quốc gia là tạo ra sự khác biệt càng nhiều càng tốt giữa các dân tộc để giành phần hay phần thắng về cho mình. Dân tộc nào cũng cho mình hay mình tốt bởi mình có nhiều thứ ưu việt hơn các dân tộc khác. Ít có người nào hay dân tộc nào tự nhận mình giống người khác bởi sự kiện rằng mình cũng là con người với đầy đủ cái hay cái tốt cùng tất cả thói hư tật xấu của một con người, một dân tộc.
Những khác biệt nhỏ nhặt giữa con người với con người và giữa các dân tộc thường được phóng đại lên, trong khi sự thật giống nhau rất to lớn giữa con người và giữa các dân tộc bị lãng quên. Chúng ta chỉ thấy người khác khác mình hay dân tộc khác không giống mình bởi họ nói năng khác mình và suy nghĩ không giống mình, nhưng chúng ta quên rằng ngoài những khác biệt nhỏ nhặt ấy về ngôn ngữ hay về văn hóa, người khác và dân tộc khác hoàn toàn giống chúng ta bởi họ cũng thích sống sợ chết, mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau như chính chúng ta.
Phải thấy rõ sự thật căn bản về mình và về người như thế thì tình thương và lòng từ bi mới thật sự nở hoa. Và phải thấy rõ sự thật căn bản giữa mình và người như thế thì hòa bình mới được thiết lập.
Chấp nhận sự thật giống nhau giữa con người và con người là điều kiện căn bản và cần thiết cho tình thương và lòng từ bi nở hoa. Khi tình thương và lòng từ bi nở hoa thì chiến tranh bị đẩy lùi và hòa bình được thiết lập.
Đức Phật tỏ rõ tình thương và lòng từ bi vô lượng của Ngài bởi Ngài vượt ra ngoài khuôn khổ của mọi truyền thống hay ước lệ xã hội và bởi Ngài thấy rõ sự thật ham sống sợ chết, mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau của tất cả chúng sinh. Tâm của Đức Phật không phải là tâm một người Ấn Độ mà là Phật tâm.
Phật tâm thì vượt ra ngoài mọi biên giới chủng tộc, văn hóa và luôn thấy rõ bản chất tham sống sợ chết của tất cả chúng sinh. Tất cả chúng sinh đều bình đẳng về phương diện sống, chết, hạnh phúc và khổ đau. Do đó, bài học lớn nhất mà người ta có thể học được ở đạo Phật là quên đi tính ích kỷ nhỏ nhen thường được gói bọc rất kỹ và rất khéo bởi những lý tưởng mang tính quốc gia hay chủ nghĩa dân tộc để chấp nhận sự thật rất chung này của con người.
Đọc lại những lời dạy của Đức Phật nói về bản chất ham sống sợ chết, mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau của tất cả chúng sinh, chúng ta không khỏi giật mình xấu hổ về tính ích kỷ cố hữu của chúng ta và về lối suy nghĩ nhỏ nhen mà chúng ta muốn áp đặt lên người khác.
Sự thật rằng tất cả chúng sinh đều yêu quý sự sống và lo sợ sự chết, mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau thì có gì đáng phân biệt giữa mình và người khác, ngoài một vài khác biệt nhỏ về ngôn ngữ và văn hóa? Tôi hiểu thế nào là tầm quan trọng của ngôn ngữ và văn hóa mỗi dân tộc đối với sự phát triển của mỗi con người cá nhân nhưng tôi thấy cao cả hơn là tình thương và lòng từ bi của Đức Phật bởi nó vượt ra ngoài mọi biên giới quốc gia hay hào lũy dân tộc để tìm đến với hết thảy mọi người và mọi loài. Kinh Từ bi, Thế Tôn dạy:
“Mong mọi loài chúng sinh,
Được an lạc, an ổn,
Mong chúng chứng đạt được,
Hạnh phúc và an lạc.
Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống,
Kẻ yếu hay kẻ mạnh,
Không bỏ sót một ai,
Kẻ dài hay kẻ lớn,
Trung, thấp, loài lớn, nhỏ,
Loài được thấy, không thấy,
Loài sống xa, không xa,
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh,
Mong mọi loài chúng sinh,
Sống hạnh phúc an lạc.
Mong rằng không có ai,
Lường gạt, lừa dối ai,
Không có ai khinh mạn,
Tại bất cứ chỗ nào,
Không vì giận hờn nhau,
Không vì tưởng chống đối,
Lại có người mong muốn,
Làm đau khổ cho nhau.
Như tấm lòng người mẹ,
Đối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất mình sanh.
Cũng vậy đối tất cả,
Các hữu tình chúng sinh,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng, rộng lớn.
Hãy tu tập từ tâm,
Trong tất cả thế giới,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng, rộng lớn,
Phía trên và phía dưới,
Cũng vậy cả bề ngang,
Không hạn chế, trói buộc,
Không hận, không thù địch”.
Tôi cho rằng chính tình thương và lòng từ bi vô lượng vô biên này của Đức Phật đã mở đường cho thái độ tôn trọng sự sống muôn loài của đạo Phật và lý tưởng phụng sự chúng sinh hết sức cao cả mà hết thảy Tăng Ni và tín đồ Phật giáo đã không ngừng theo đuổi.
Chính tình thương và lòng từ bi ấy đã khiến Jìvaka đem toàn bộ vốn liếng y học của mình phục vụ chư Tăng; Anāthapindika và Visakhà dốc tài sản ra vì lợi ích của Giáo hội; Asoka tuyên bố chấm dứt chiến tranh, theo đuổi hòa bình và không ngừng nỗ lực tạo dựng các tiện nghi vật chất và truyền bá Chánh pháp vì lợi ích của thần dân ông và nhiều dân tộc khác trong khu vực; đặc biệt các thế hệ Tăng sĩ Phật giáo đã bất chấp mọi gian nan và hiểm nguy mang giáo lý từ bi giải thoát đến với nhiều quốc gia và nhiều dân tộc trên thế giới.
Ngày nay, phải chứng kiến nạn khủng bố, bạo động và chiến tranh không ngừng xảy ra trên thế giới vì lý do tôn giáo hay bởi chủ nghĩa sắc tộc cực đoan và tình trạng cấm vận hay bao vây kinh tế được áp dụng giữa các quốc gia hay giữa các khối chủ nghĩa bởi lý do chính trị, chúng ta càng thấm thía những lời dạy của Đức Phật nói về bản chất mong sống sợ chết, ước muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau của tất cả chúng sinh và càng thấy rõ sự cần thiết phải mở rộng giáo lý Từ bi của Ngài trong thế giới hiện đại.
(Tham luận của HT.Thích Minh Châu tại Hội nghị ABCP lần thứ 10, đại diện chính thức cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm ABCP quốc gia Việt Nam, tổ chức tại Trung tâm ABCP quốc gia Lào. Tư liệu do Thượng tọa Trưởng Pháp tử của cố Hòa thượng cung cấp cho GN)