GN - Có lẽ bạn khó tin được nơi tôi ở chỉ là một căn gác trọ có diện tích chưa tới 12m2. Tôi làm việc ở đó, ngủ nghỉ cũng ở đó, kể cả đọc kinh, niệm Phật, hành thiền cũng tại chỗ đó. Ngôi nhà cũng chính là đạo tràng của tôi.
Lúc đầu khi mới về đây tôi cảm thấy rất khó chịu, lòng phiền muộn vô cùng. Căn gác vừa chật hẹp, vừa thiếu không khí, ánh sáng, xung quanh toàn đồ đạc, suốt ngày phải mở quạt vì quá nóng. Nhưng rồi nghĩ lại, đây đó còn biết bao kẻ lang thang không nhà, tối đến nằm ngủ nơi trạm xe buýt, nơi ghế đá công viên hoặc trước mái hiên nhà người khác, không mùng màn, chiếu chăn, chịu cái lạnh của gió sương, bị côn trùng cắn đốt… Mỗi ngày phải lê thân trên đường phố đầy bụi bặm, tiếng ồn tìm miếng ăn cho qua cơn đói rét. Xét lại thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều người, sao lại buồn lại tủi. Phải để tâm tư, tình cảm hướng về những người bất hạnh hơn mình, cảm thông và cầu phúc cho họ, chia sẻ với họ nếu có thể. Đối với họ dù chỉ một tấm chăn, manh chiếu, ly nước, ổ bánh mì cũng quý báu biết bao.
Phải chăng sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn thì không có hạnh phúc?
Các bậc xuất gia tu hành cũng sống trong hoàn cảnh thiếu thốn và không được thoải mái như thế (dưới cái nhìn của người thế gian) nhưng vẫn thấy an vui. Vào Tăng xá của các trường Phật học, thấy mỗi vị xuất gia chỉ ngủ trên một cái đơn (giường hoặc bộ ván) vừa đủ cho một người nằm, đến bữa ăn chỉ ăn chay thanh đạm, quanh năm suốt tháng chẳng hưởng thụ dục lạc thế gian, thế mà các vị ấy không thấy chi là khổ.
Nhớ lại Đức Phật và các đệ tử của Ngài khi xưa, trên đường du phương giáo hóa, các Ngài cũng ngủ dưới gốc cây, ăn dưới gốc cây và tu tập dưới gốc cây, ngoài ra không có gì cả, thế mà tâm các vị ấy an lạc vô cùng. Từ đó cho thấy, nếu biết tu học, chúng ta có thể tìm thấy niềm an lạc từ bên trong (nội tại) không lệ thuộc hoặc liên quan rất ít với hoàn cảnh bên ngoài.
Niết-bàn của Đức Phật và các vị Bồ-tát thì có mặt ở mọi nơi (vô trụ xứ Niết-bàn). Vậy hoàn cảnh sống có can hệ gì? Tuy nhiên một kẻ phàm phu như tôi thì chưa được như vậy. Chỉ biết rằng thấy như thế, hiểu như thế để tâm mình bình an và hoan hỷ chấp nhận, không thấy phiền não khổ sở khi mình phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt.
Tôi thường quán niệm, mình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng không vì thế mà không có hạnh phúc. Con người khó có đầy đủ quyền lực, địa vị, tiền tài theo ý muốn của mình nhưng rất dễ có được những cảm giác hạnh phúc. Nhưng những ai lầm tưởng, đánh đồng hạnh phúc với những điều kiện bên ngoài thì không bao giờ có được thứ hạnh phúc từ bên trong tâm hồn.
Hạnh phúc do các điều kiện bên ngoài đem lại rất mong manh, tạm bợ, nó sẽ biến mất một khi hoàn cảnh và các điều kiện bên ngoài thay đổi. Nhưng hạnh phúc trong tâm mình thì khác, nó có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Cho nên các bậc hiền thánh xưa nay sống đời sống đạm bạc nhưng luôn an vui tự tại. Tự tại ở đây là tâm tự tại, không bị ràng buộc, lệ thuộc hoàn cảnh bên ngoài. Nếu tâm đã tự tại thì thân và hoàn cảnh cũng không thành vấn đề. Các bậc hiền thánh luôn sống với niềm an lạc hạnh phúc bên trong tâm mình. Và niềm an lạc hạnh phúc đó thể hiện qua ánh mắt, nụ cười, nét mặt, dáng đứng dáng đi, sự lan tỏa ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Tôi nghĩ mình phải học cách khơi nguồn hạnh phúc vốn có sẵn nơi tâm mình và luôn sống với niềm hạnh phúc đó, chỉ như thế mới có được sự an vui bền vững lâu dài và không mấy lệ thuộc hoàn cảnh bên ngoài nữa.