Sống theo hạnh Quán Thế Âm

Bồ-tát Quán Thế Âm
Bồ-tát Quán Thế Âm
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Với Phật tử Bắc truyền, hình ảnh Đức Bồ-tát Quán Thế Âm thực sự gần gũi. Người có niềm tin với Đức Bồ-tát gọi Ngài là “Mẹ hiền Quán Thế Âm”.

Âm nhạc viết về Ngài cũng đi vào lòng người, khiến người hát người nghe liền bình an: Mẹ hiền Quán Thế Âm/ Giọt nước nhành dương xoa dịu lầm than/ Mẹ hiền Quán Thế Âm/ Đem đến an vui xóa sạch ưu phiền/ Mẹ hiền Quán Thế Âm/ Ngàn mắt ngàn tay vô lượng vô biên/ Mẹ hiền Quán Thế Âm/ Chiếu sáng yêu thương khắp nơi bình yên (Mẹ hiền Quán Thế Âm - Thiên Hùng).

Niệm danh Bồ-tát trầm hùng nhất tâm

Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại khung cảnh trầm hùng trước giờ giảng pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại thiền đường Cánh Đại Bàng (tu viện Bát Nhã - Bảo Lộc, Lâm Đồng) - nơi mình có duyên dự khóa tu dành cho cư sĩ năm 2005 - tôi vẫn còn xúc động.

Khi đó, Thiền sư quang lâm pháp tòa, ngồi thẳng, yên, đại chúng cũng ổn định ngay sau vài phút. Ngay sau đó, tiếng chuông ngân lên trong trẻo khiến không gian thiền đường càng lắng đọng, thiêng liêng. Chư Tăng Ni trong Tăng thân Làng Mai niệm danh Bồ-tát cả tiếng Việt lẫn Phạn - Namo Avalokiteshvara Bodhisattva (Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát) - chất giọng trầm hùng vang vọng giữa rừng thông Bát Nhã lúc đó thực sự khiến tôi chấn động.

Lần đầu tiên trong đời mình được ngồi giữa hội chúng cả mấy ngàn người, có sự xuất hiện của vị Thiền sư được thế giới kính ngưỡng, có sức ảnh hưởng tâm linh lớn (chỉ sau Đức Dalai Lama). Tôi nghĩ đó là duyên lành của mình.

Theo một nhân duyên nào đó, từ nhỏ tôi đã có niềm tin với Bồ-tát Quán Thế Âm. Hình ảnh đầu tiên về Ngài từ phim Tây du ký và sau đó là những bao nhang mà ngoại mua về thắp cho ông bà tổ tiên mỗi tối. Tôi nhớ, sau khi hết nhang tôi thường không nỡ bỏ bao đi mà cắt phần có tôn dung Bồ-tát ra rồi đem dán ở một góc cao trong nhà. Dù chỉ là học sinh tiểu học nhưng ý thức hướng về Ngài rất đỗi tự nhiên trong tôi đã thôi thúc mình thường đem nhang ra tự thắp rồi khấn nguyện Bồ-tát gia hộ cho má và ngoại mình khỏe mạnh, gia đình bớt khó khăn.

Năm tháng trôi qua, góc nhỏ kín đáo ấy trở thành góc-bình-an của tôi, để tôi trải lòng với Bồ-tát một cách chân thành, gửi gắm những ước nguyện cho má, ngoại. Có lần, ngoại mình bệnh khá nặng, tôi đã đến bên góc an ấy và khấn: “Xin Bồ-tát cho ngoại con sống thêm, con nguyện đem 10 tuổi thọ của mình để tặng cho ngoại”. Không biết Bồ-tát có phải vì nghe thấy và thương tưởng nên đã gia hộ hay không, nhưng rồi ngoại tôi đã vượt qua được đợt bạo bệnh. Niềm tin của tôi được nuôi lớn thêm, góc thờ Bồ-tát đầu tiên của tôi là nơi căn nhà vách ván đơn sơ ấy.

Trở lại với khóa tu và pháp niệm danh Bồ-tát Quán Thế Âm kể từ khi tôi được tiếp xúc với pháp môn Làng Mai, hình ảnh Bồ-tát trở nên gần gũi hơn. Tôi hiểu về hạnh nguyện của Ngài - là lắng nghe - được Thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng dạy sâu hơn về thực hành tinh thần của Bồ-tát trong mọi mối quan hệ qua pháp ngữ “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”. Tôi bắt đầu được làm mới mỗi ngày mỗi khi gặp chuyện, mỗi khi tiếp xúc với người thân-thương của mình. Âm ba trầm hùng Namo Avalokiteshvara Bodhisattva (Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát) vang vọng từ Bát Nhã không chỉ khiến tôi xúc động ngay tại thời khắc ấy mà còn nhắc tôi phải tập dừng lại để lắng nghe sâu hơn tự thân, người thương và cuộc đời, để sống nhẹ nhàng, sâu sắc hơn…

Để Bồ-tát hiện diện trong cuộc đời

Tin tưởng, thương kính Bồ-tát Quán Thế Âm, niệm danh hay sáng tác thơ-nhạc ngợi ca Ngài… đã được Phật tử và người kính Phật tin Pháp dụng tâm thực hành. Có thể thấy, hình ảnh của Bồ-tát là hình ảnh quen thuộc ở trước sân chùa của tất cả các tự viện Bắc tông. Không chỉ thế, Bồ-tát Quán Thế Âm, với niềm tin là người cứu khổ, cứu nguy đã được phụng thờ trên nhiều cung đường hiểm trở. Trên lộ trình Bắc Nam, nơi nào có bóng dáng của Bồ-tát cũng thường được cánh tài xế dừng lại thắp nhang, hướng về Ngài để định tĩnh hơn. Đó là một cách để chánh niệm. Bồ-tát đã xuất hiện và bằng phương tiện cứu khổ đã giúp cho con người có dịp dừng lại trong giây lát trước xô bồ của cuộc sống, trước nỗi sợ đường xa hiểm trở.

Đi chùa, hầu như Phật tử nào cũng đến trước tôn tượng Bồ-tát để trải lòng và nhờ vậy xả bỏ phiền não, trở lại với tâm bình an, từ đó xử lý những khó khăn tốt hơn. Trong không gian nhiều bệnh viện, góc thờ Quán Thế Âm Bồ-tát cũng được phụng lập để bệnh nhân hay người nhà của họ khi bế tắc nhất có thể nương tựa, khấn nguyện, trở về nương tựa.

Ai vào đạo thường cũng bắt đầu bằng trải qua nỗi khổ, giật mình và tìm về nương tựa bậc Giải thoát, Giác ngộ, để từ đó thấy rõ nhân-duyên các khổ mình đang trải, rồi nương tựa chính mình, vượt qua.

Thực sự, khi rõ ngọn nguồn của khổ thì ta sẽ có cách vượt qua các khổ, kiến tạo được bình an trong hiện tại cũng như tương lai. Ngay phút tìm ra được nguyên nhân, con đường thoát khổ, người ấy sẽ không còn sợ hãi, lo lắng, phiền não nữa. Lúc đó, Bồ-tát Quán Thế Âm đã thị hiện vào đất tâm mình, hay là mình đã nắm được tay Ngài. Vì thế, trong kinh Pháp hoa, Bồ-tát Quán Thế Âm được xưng tán là “Thí Vô Úy giả” - người hiến tặng sự không sợ hãi.

Với ý nghĩa đó, nhìn rộng ra trong cuộc đời - chúng ta có thể thấy, có rất nhiều Bồ-tát Quán Thế Âm đã hiện diện, sống gần gũi bên mình. Đó có thể là bố mẹ, vợ hoặc chồng, bạn bè… ta, những người thường lắng nghe và hiểu ta để rồi luôn chìa tay ra nắm lấy tay mình, nói: “Đừng quá lo, chuyện gì rồi cũng qua. Nếu có khó khăn hay mệt mỏi quá, hãy quay về nhà”, hay “Cậu hãy làm việc đó đi, cần giúp gì cứ nói, mình sẽ hỗ trợ hết lòng, mình tin cậu”.

Chúng ta, ai cũng đã được đỡ nâng và không còn thấy lẻ loi, sợ hãi gì nữa khi có những người thân-thương như vậy. Họ chính là Bồ-tát Quán Thế Âm của mình. Và mình cũng từng làm tương tự với những người khác, vì hiểu và thương.

Trong đại dịch toàn cầu 2 năm qua, Bồ-tát Quán Thế Âm cũng đã xuất hiện trong nhiều khuôn diện: bác sĩ khoác blouse, tình nguyện viên áo nâu vào tuyến đầu, những người không ngại nguy hiểm tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân trong vùng phong tỏa… Sự ấm áp sẻ chia, sự dấn thân không nề hà của các vị ấy nếu không có hiểu có thương lớn, không có lòng từ bi vô ngại thì không thể làm được. Không cần họ có phải là Phật tử không, nhưng với cách sống có Phật chất, trong đôi mắt của người con Phật, ta nhìn họ đáng kính bởi họ mang bóng dáng “Mẹ hiền Quán Thế Âm”, ban vui cứu khổ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.