Kinh điển Phật giáo Bắc truyền có hằng hà sa số vị Bồ-tát. Trong đó, Quán Thế Âm là vị Bồ-tát được biết đến nhiều nhất, vì hạnh nguyện và nhân duyên của Ngài đối với cõi Ta-bà rộng sâu, cùng khắp.
Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ-tát thượng thủ thường vận dụng phương tiện thiện xảo trợ duyên cho Đức Phật Thích Ca giáo hóa chúng sinh cõi Ta-bà. Ở thế giới Cực Lạc, Ngài là vị Đại Bồ-tát theo hầu bên tay trái Đức Phật A Di Đà (hầu bên tay phải là Bồ-tát Đại Thế Chí). Đức Phật A Di Đà và chư vị Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí được tôn xưng là Tam Thánh Tây phương, các Ngài thường tiếp rước người có tịnh duyên và chí nguyện vãng sinh về thế giới Cực Lạc, cõi nước của Đức Phật A Di Đà.
Trong kinh Quán vô lượng thọ có mô tả báo thân của Bồ-tát Quán Thế Âm như sau: “Thân Ngài cao tám mươi muôn ức na-do-tha do tuần, da màu vàng tử kim, trên đầu có nhục kế, cổ có vầng hào quang chiếu sáng mỗi phía rộng trăm nghìn do tuần, trong vầng hào quang sáng tròn ấy có năm trăm vị hóa Phật, mỗi vị hóa Phật có tướng hảo như Phật Thích Ca và có năm trăm vị hóa Bồ-tát theo hầu. Toàn thân Ngài có ánh sáng chiếu suốt mười phương, hình tướng của tất cả chúng sinh trong lục đạo đều hiện rõ trong ánh sáng ấy. Đầu Ngài đội thiên quan, trong thiên quan có một vị hóa Phật cao hai mươi lăm do tuần. Mặt của Ngài sắc vàng Diêm phù đàn, lông trắng giữa đôi mày đủ bảy màu sắc đẹp, chiếu ra tám muôn bốn nghìn thứ tia sáng đến khắp mười phương.
Trong mỗi tia sáng có vô số vị hóa Phật và vô số hóa Bồ-tát. Cánh tay của Bồ-tát như hoa sen hồng, tám mươi ức tia sáng đẹp kết thành chuỗi ngọc, bàn tay năm trăm ức màu hoa sen hồng, đầu ngón tay có tám muôn bốn nghìn lằn chỉ, mỗi lằn chỉ có tám muôn bốn nghìn màu, mỗi màu có tám muôn bốn nghìn tia sáng, tia sáng ấy dịu dàng chiếu khắp mười phương. Ngài dùng tay báu này tiếp dẫn chúng sinh về cõi Cực Lạc. Lúc Ngài cất chân lên, từ nơi nghìn xoáy chỉ ở lòng bàn chân tự nhiên hóa thành năm trăm ức quang minh đài. Lúc Ngài để chân xuống thì tự nhiên hoa như ý kim cương rải khắp mọi nơi”.
Đó là báo thân Bồ-tát Quán Thế Âm theo kinh Quán vô lượng thọ miêu tả. Ngoài ra Bồ-tát còn ứng hiện nhiều thân tướng khác (ứng hóa thân) để hóa độ chúng sinh. Kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nói: Bồ-tát tùy duyên mà hiện thân Phật, thân Bích chi Phật, thân Thinh văn, hoặc thân Phạm vương, Đế thích, Tự tại thiên, Đại Tự tại thiên, vua, quan, trưởng giả, cư sĩ, Bà-la-môn, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, thậm chí hiện thân đồng nam, đồng nữ hoặc các loài quỷ thần để hóa độ chúng sinh. Vì tâm đại bi rộng lớn, thường du hóa cõi Ta-bà cứu khổ ban vui, hướng chúng sinh về Phật đạo mà Bồ-tát Quán Thế Âm được người đời kính ngưỡng và thường xưng niệm danh hiệu.
Người đời xem lòng từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm như tình mẹ thương con vô bờ bến, cho nên kính ngưỡng Ngài thông qua một ứng hóa thân là hình tượng một người phụ nữ và thường gọi là “Mẹ Quan Âm”, đồng thời cũng xem Ngài là một vị Phật với tên gọi “Phật Bà Quan Âm”. Tôn xưng Bồ-tát Quán Thế Âm như một vị Phật, điều đó cũng đúng với những gì kinh điển cho biết về Bồ-tát Quán Thế Âm. Bởi theo kinh Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni, trong đời quá khứ vô lượng kiếp về trước, Ngài đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì bi nguyện độ sinh mà Ngài hiện thân làm Bồ-tát.
Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn, Đức Phật đã từng nói: “Sở dĩ Bồ-tát có tên là Quán Thế Âm là vì Ngài thường quán sát, lắng nghe tiếng kêu cầu của chúng sinh mà ứng hiện để ban vui cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh đang thọ khổ, nghe danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm mà thành kính xưng niệm, tức thì những chúng sinh đó thoát khỏi sự khổ”.
Chính vì thế, Đức Phật dạy: “Quán Thế Âm Bồ-tát có đại oai thần lực như thế nên tạo nhiều lợi ích cho chúng sinh. Do đó chúng sinh cần phải thường nhớ nghĩ trong tâm… Nếu có người thọ trì sáu mươi hai ức hằng hà sa danh hiệu Bồ-tát, lại trọn đời cúng dường thức ăn thức uống, y phục, giường nằm, thuốc men…, công đức của người thiện nam, thiện nữ đó rất nhiều. Lại nếu có người thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm dù chỉ một thời lễ bái, cúng dường, phước đức của người này không khác người thọ trì sáu mươi hai ức hằng hà sa danh hiệu Bồ-tát, trong trăm nghìn muôn ức kiếp không thể cùng tận. Thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm được vô lượng vô biên phước đức như thế”.
Kinh Thủ lăng nghiêm nói, chính nhờ thành tựu pháp tu Nhĩ căn viên thông mà Bồ-tát Quán Thế Âm có thể nghe thấy khắp cùng mười phương cõi để ứng hiện cứu khổ, giáo hóa chúng sinh.
Ngoài danh hiệu Quán Thế Âm ra, Bồ-tát còn có danh hiệu khác là Quán Tự Tại. Danh hiệu Quán Thế Âm nói nhiều về công hạnh, đức từ bi của Bồ-tát. Nói đến Quán Thế Âm là đề cập đến vị Bồ-tát thường quan sát, lắng nghe tiếng gọi của chúng sinh, lắng nghe âm thanh của cõi thế gian để ban vui cứu khổ. Còn danh hiệu Quán Tự Tại nói nhiều về năng lực, trí tuệ giải thoát, tâm vô quái ngại của Bồ-tát. Khi nói đến Bồ-tát Quán Tự Tại là nói đến vị Bồ-tát có trí huệ thâm sâu, tự tại giải thoát, không còn bị bất cứ điều gì ràng buộc, chi phối, không còn chìm đắm trong biển sinh tử, không còn phiền não khổ đau; là vị Bồ-tát có khả năng làm chủ các pháp, đến đi vô ngại trong cõi Ta-bà để làm lợi ích cho chúng sinh.
Bồ-tát Quán Thế Âm có trí Bát-nhã vượt qua bờ bên kia (bờ giải thoát), đó là Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tức trí tuệ đáo bỉ ngạn. Nhờ tu tập và chứng một cách sâu sắc, rốt ráo trí tuệ Bát-nhã Ba-la-mật (hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa), Ngài quán sát bằng tuệ giác thấy rõ năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là Không, vô tự tính (chiếu kiến ngũ uẩn giai Không), chính vì vậy mà Ngài vượt qua mọi khổ ách (Bát-nhã Tâm kinh) và đến đi tự tại trong cõi Ta-bà, tùy duyên hóa độ chúng sinh. Danh hiệu Quán Thế Âm và Quán Tự Tại là danh hiệu tôn xưng Ngài, một vị Bồ-tát có đại oai thần lực, có tâm đại từ đại bi và có nguyện lực độ sinh rộng lớn.
Chúng sinh phàm phu cũng có thể “quán thế âm” (quán sát, lắng nghe âm thanh cõi thế gian), nhưng không thể “quán tự tại”. Chúng sinh chỉ có thể quán sát, lắng nghe âm thanh cõi thế gian trong một chừng mực nào đó nhưng khả năng quán sát, lắng nghe ấy còn nhiều giới hạn, và chúng sinh cũng dễ dàng bị dính mắc, bị phiền não nhiễm ô, từ đó bị chướng ngại trong khi lắng nghe, trong khi quán sát nên không thể “quán tự tại”. Còn các vị Đại Bồ-tát khác đều có thể “quán tự tại”, tuy nhiên các vị ấy không có bi nguyện độ sinh rộng lớn như Bồ-tát Quán Thế Âm, không thường du hóa trong cõi Ta-bà, nên không gọi các vị ấy là Quán Thế Âm dù các vị ấy có khả năng “quán tự tại”.
Người học hạnh Quán Âm, tu theo pháp Quán Âm phải phát bi nguyện độ sinh rộng lớn, tu tập lòng từ, thường cứu khổ ban vui, thí vô úy pháp, và nhất là phải hành trì Bát-nhã, hành trì pháp Nhĩ căn viên thông. Cần thực hành, tu tập pháp “phản văn văn tự tánh” như Bồ-tát đã dạy trong kinh Thủ lăng nghiêm để chứng Nhĩ căn viên thông. Thường quán chiếu ngũ uẩn vốn Không, vô ngã để thành tựu trí Bát-nhã.
Không nên hiểu pháp Quán Âm là lắng nghe âm thanh của thế gian theo kiểu để ý nghe ngóng đủ mọi chuyện trên đời, tâm phan duyên, bị ngoại vật lôi cuốn; hoặc như pháp tu của ngoại đạo, lắng nghe âm thanh của vũ trụ mà chẳng biết để làm gì, nhưng kỳ thực những âm thanh đó chỉ là ảo giác, chỉ là những phản ứng khi bịt lỗ tai lại. Như thế không phải là pháp Quán Âm, không phải là “phản văn văn tự tánh”, mà là vọng tâm hướng ngoại tìm cầu, phân biệt, mê chấp, điên đảo mộng tưởng.
Về Bát-nhã, không thể hiểu Bát-nhã trên bề mặt nhận thức, mà phải thường quán chiếu, tu tập để thực chứng. Nếu không tu tập, không hành trì, không dùng trí tuệ Bát-nhã để quán chiếu thì không khéo càng lắng nghe, càng quan sát lại càng khởi vọng tình, càng mê chấp, đắm nhiễm, vướng mắc, càng bị phiền não nhiễm ô buộc ràng, chi phối. Nếu không có tuệ giác vô ngã, không có trí Bát-nhã thì khi lắng nghe các âm thanh của thế gian sẽ sinh tâm yêu ghét, buồn vui, tham muốn… phiền não tham ái, chấp thủ, tham, sân, si khởi lên.
Do đó thực hành Bát-nhã thâm sâu để tự tại như Bồ-tát Quán Thế Âm không phải là hiểu Bát-nhã bằng nhận thức mà là tu chứng Bát-nhã, lúc đó mới có thể “quán thế âm” một cách tự tại.