Công trình này cũng đã được xuất bản bằng tiếng Việt ở trong nước (Khái niệm về Bồ-tát Quán Thế Âm - Lý thuyết và thực hành, NXB Tôn Giáo, 2002).
Nhân chuyên đề đặc biệt của báo Giác Ngộ, nói về nhân duyên chọn đề tài cho luận án tiến sĩ Phật học của mình, Thượng tọa Thích Viên Trí cho biết:
- Bồ-tát Quán Thế Âm không phải là đề tài khởi sinh khi tôi sang học tại Đại học Delhi - Ấn Độ, mà là sự trăn trở, ấp ủ của tôi trong thời gian dài tu học. Kinh Pháp hoa (được trì tụng tại chùa vào mỗi sáng Chủ nhật tại chùa Linh Sơn - TP.Đà Lạt, nơi tôi xuất gia tu học) dạy rằng “Bồ-tát Quán Thế Âm có năng lực lắng nghe và giúp vượt thoát mọi khổ nạn của tất cả chúng sanh nếu họ một lòng nhớ nghĩ đến Ngài”.
Lúc đó, tôi thường khởi lên thắc mắc: “Đức Quán Thế Âm là ai mà có năng lực lớn như thế; Đức Phật Thích Ca có khả năng cứu độ chúng sanh không; nếu Đức Phật và Bồ-tát có năng lực cứu độ như thế, vậy tại sao chúng sanh vẫn đang khổ? và…”.
Vì những nghi vấn này nên tôi quyết định chọn chủ đề này đề làm luận án tiến sĩ Phật học.
Đây là một đề tài khó nhưng để tự giải quyết thắc mắc của tự thân và những ai cùng suy nghĩ trong cả lãnh vực niềm tin lẫn học thuật nên tôi đã cố gắng nghiên cứu. Với sự hướng dẫn tận tình của Prof. K.T.S Sarao (đặc biệt là trong lãnh vực Anh ngữ) và sự giúp đỡ của Dr. Rana (giảng viên của khoa Phật học), sau hơn 4 năm nghiên cứu, tôi đã hoàn thành luận án và bảo vệ thành công vào năm 2001 tại đại học này.
Xin thưa thêm rằng, sau ngày bảo vệ luận án, được sự cho phép của Hội đồng Khoa học- Đại học Delhi Ấn Độ, tác phẩm này đã được Nhà xuất bản Indo Asian Publishing House của Ấn Độ xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 2001 và được xuất bản lần thứ năm bằng tiếng Việt.
* Có bạn đọc gửi câu hỏi thắc mắc về ý kiến cho rằng Bồ-tát Quán Thế Âm không phải là nhân vật lịch sử mà chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Thượng tọa nhận định gì về ý kiến đó?
- Tín ngưỡng, tôn giáo là một phạm trù rộng lớn, sâu sắc và huyền bí nên thường có nhiều ý kiến hay quan điểm khác nhau. Không có gì ngạc nhiên khi Bồ-tát Quán Thế Âm và chư vị Bồ-tát đều bị một số người thuần lý cho rằng các ngài đều là sản phẩm của trí tưởng tượng, không thật, bởi vì họ không thể kiểm chứng được thế giới tâm linh này bằng tri thức giới hạn của con người.
Theo Phật giáo, bạn có thể nêu ý kiến và bảo vệ sự hiểu biết của mình về bất cứ vấn đề gì, nhưng không được chấp chặt và áp đặt ý kiến của mình là đúng và là duy nhất. Một quan điểm có thể đúng với bạn mà không phải đúng với tất cả mọi người; và nếu làm như thế bạn không phải là người hộ trì chân lý (Kinh Trung bộ II- kinh Canki). Theo thiển ý của tôi, những người thiên kiến, duy lý hoặc không có thời gian để trải nghiệm đời sống tâm linh thì không thể cảm nhận được giá trị không thể nghĩ bàn do sức mạnh tâm linh đem lại, bởi vì chỉ có người tự mình uống nước mới biết nóng lạnh.
Bên cạnh ấy, theo kinh nghiệm cổ nhân, không có gì có thể tồn tại nếu tự thân nó không có giá trị với cuộc sống; nghĩa là nếu Bồ-tát Quán Thế Âm không có thật và không có ảnh hưởng gì đến cuộc đời thì chắc chắn rằng hình ảnh của Ngài không thể tồn tại đến tận ngày nay.
Cũng cần nói thêm rằng trên phương diện niềm tin, Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát luôn hiện diện khắp nơi, trong nhiều hình dáng khác nhau để cứu khổ chúng sanh nếu họ một lòng cầu nguyện Ngài. Ở cấp độ này, vai trò của tư duy, nghĩ tưởng, đo lường của ngôn ngữ đều không thể đặt chân đến được. Nó được ví như hiện tượng “thần giao cách cảm” giữa mẹ và con!
Trên bình diện triết lý, Quán Thế Âm là nhân cách hóa của đức hạnh từ bi. Do vậy, ai sống với hạnh nguyện “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” chính là đặc sứ của Quán Thế Âm, hay chính là hiện thân của Đức Quán Thế Âm. Nói cho dễ hiểu, Bồ-tát Quán Thế Âm không nhất thiết ở trong rừng trúc, tay cầm cành dương và tịnh bình, mà ngay trong cuộc sống này, bạn gặp ai cho bạn sự lắng nghe, sự không sợ hãi, đó đều là một sự hóa hiện của Ngài.
* Trên phương diện Phật học, Thượng tọa có thể cho biết những điểm tương đồng và khác biệt giữa tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm truyền thống ở Việt Nam và các quốc gia khác, đặc biệt ở Ấn Độ?
- Có nhiều giả thuyết về Quán Thế Âm ở Ấn Độ.
Có ý kiến cho rằng tín ngưỡng Quán Thế Âm có liên quan đến đạo Savism, một tôn giáo bản địa. Về phương diện tín ngưỡng, một số học giả cho rằng từ triều đại Asoka Phật giáo và đạo Savism cùng phát triển ở vùng Kasmir và vua chúa của các triều đại ở đây xây chùa miếu cho cả thần Siva và Đức Phật, đặc biệt là khi Bồ-tát Quán Thế Âm và thần Tārā được tôn trí chung bàn thờ. Từ đó Bồ-tát trở thành đối tượng tín ngưỡng.
Trong Phật giáo, ngoài ý nghĩa thần thánh, Quán Thế Âm còn được biết là sự nhân cách hóa các đức tướng, đức tánh của Đức Phật. Ví dụ, Mañjuśrī (Văn Thù) là biểu thị của trí tuệ, Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) là từ bi,... Do vậy, ai có khuynh hướng nổi bật về trí tuệ được tôn xưng Văn Thù; ai có khuynh hướng nổi bật về từ bi được tôn xưng là Quán Thế Âm.
Truyền thống phụng thờ Quán Thế Âm tại Việt Nam ít nhiều ảnh hưởng tư tưởng này và thiên về khía cạnh tín ngưỡng, niềm tin; đặc biệt với sự thánh hóa quý bà đã từng cứu vớt, giúp đỡ người dân trong trong biển đời sóng gió như Quán Âm Nam Hải, Bà Chúa Liễu Hạnh, Bà Chúa Kho, Phật Bà Thiên Hậu v.v…
* Hiện nay tại Việt Nam, dân gian thường gọi Bồ-tát Quán Thế Âm là “mẹ hiền” của tất cả chúng sinh, tuy nhiên, trong nhiều nền văn hóa, giai đoạn lịch sử, giới tính của vị Bồ-tát này không phải được biểu hiện thống nhất là người nữ. Ở góc độ nghiên cứu, Thượng tọa có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Mục đích xuất hiện giữa đời của Bồ-tát là vì lợi ích và hạnh phúc của số đông. Trước muôn vàn khổ đau cần lắng nghe, thấu hiểu và cứu giúp của chúng sanh, Bồ-tát thường hóa hiện nhiều hình tướng để phù hợp với vô số căn tánh, hạnh nghiệp của chúng sanh qua những vùng miền văn hóa khác nhau: “Nếu có chúng sanh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật đặng độ thoát, thời Quán Thế Âm Bồ-tát liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp… Người đáng dùng thân đồng nam, đồng nữ đặng độ thoát, liền hiện thân đồng nam, đồng nữ mà vì đó nói pháp” (Kinh Pháp hoa).
Trước hết, trong nghệ thuật và văn học Ấn Độ, tất cả hình ảnh và tranh tượng về Bồ-tát đều được miêu tả và diễn đạt trong tư thế và hình thái nam giới. Khuynh hướng này được cho là tương hợp với triết học của đạo Bà-la-môn, nơi tất cả mọi thần thánh quan trọng đều thuộc về nam giới, còn phụ nữ luôn đóng vài trò Tàrà hay vợ con của họ. Tuy nhiên, giới tính của Bồ-tát dần bị thay đổi sau khi tín ngưỡng thờ cúng Quán Thế Âm bắt rễ sâu ở Trung Hoa.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, trước khi du nhập vào Trung Hoa, Quán Thế Âm là nam giới và tiến trình nữ tính hóa xảy ra khoảng một thời gian dài sau đó. Yu Chung Fang cho rằng quá trình bắt đầu chuyển đổi giới tính liên quan tới hình tướng Ngài có thể xảy ra vào thế kỷ thứ V Tây lịch, trong thời đại Nam Bắc triều. Đặc biệt, dưới sự ảnh hưởng của Mật tông vào triều đại nhà Đường, việc chuyển giới này trở nên rõ ràng và rõ nét hơn khi nhiều tranh ảnh về một vị thần gọi là Bạch Y Quan Âm được lưu hành. Từ đó về sau, tranh tượng và hình ảnh của Ngài tại Trung Quốc và các nước lân cận đều là nữ.
Với tư duy thực tế của người Trung Hoa, một vị Bồ-tát với hạnh nguyện từ bi thì sẽ hợp lý với hình ảnh nữ giới (mẹ hiền) hơn là nam. Vả lại, tinh thần Trung Quốc hóa mọi nguồn văn hóa du nhập cũng là khuynh hướng chính của tiến trình này. Hơn 1.000 năm dưới ách thống trị của phương Bắc, triết học, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, tôn giáo,… Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều nặng nề. Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ. Có lẽ đây là một trong những lý do Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện trong hình bóng người nữ và được gọi là “mẹ hiền”.
* Thưa Thượng tọa, trong đạo Phật, sự cầu nguyện có ý nghĩa như thế nào?
- Cầu nguyện là một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần hay tâm linh của con người. Có thể nói rằng rất ít người sống trong cuộc đời mà không cầu nguyện, hoặc chưa từng cầu nguyện, vì cầu nguyện cho người ta có sức mạnh tinh thần, có phương hướng xác định (theo ước muốn) tốt đẹp nhất để không chơi vơi trong cuộc sống.
Nói chung, cầu nguyện giúp cho con người nhiều hy vọng về một tương lai tốt đẹp. Hy vọng chính là năng lực tích cực khiến mọi người cảm thấy yêu đời, yêu người; đồng thời hy vọng có thể giúp người ta dũng cảm đối mặt với gian nan, thử thách của cuộc sống. Hai lý do chính khiến con người thường phải cầu nguyện: (a) vì sợ hãi trước những năng lực siêu nhiên nên người ta cầu nguyện và mong được che chở; và (b) cầu nguyện để mong có được bình an, sức khỏe và thành đạt mục đích trong cuộc đời.
Trong thế giới tôn giáo, cầu nguyện lại có vai trò vô cùng quan trọng, vì cầu nguyện chính là động lực đưa đến sự tồn tại của mọi hình thức tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm Phật giáo. Cầu nguyện là sợi dây vô hình kết nối tín đồ với Phật, Thánh. Chính niềm tin được các Ngài gia hộ, cứu độ thông qua việc cầu nguyện giúp hàng tín đồ trở nên năng động, tích cực và luôn hướng đến việc thiện, việc lành để tu thân, tích đức.
Thêm vào đó, về phương diện tâm lý, khi cầu nguyện người ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, lòng tràn đầy hy vọng vì đã bộc lộ được mong ước của mình với Phật, Bồ-tát. Trên phương diện thực tế, khi cầu nguyện người ta sẽ lập tức buông bỏ tâm tư giận hờn, yêu ghét, hơn thua, lỗi lầm đã tạo… Do vậy, việc cầu nguyện luôn là một phần của đời sống con người.
* Trong đời sống tín ngưỡng, có rất nhiều câu chuyện mầu nhiệm và năng lực của sự cầu nguyện liên quan tới tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm, Thượng tọa có thấy gì mâu thuẫn không trên phương diện Phật học?
- Tín ngưỡng là phạm trù tâm linh luôn chứa đựng yếu tố thiêng liêng, vì nếu không có sự huyền bí, mầu nhiệm thì tín ngưỡng, kể cả tôn giáo không có lý do để tồn tại. Trong cộng đồng Phật giáo, những câu chuyện hiển linh cứu khổ của Bồ-tát Quán Thế Âm thường được nói đến và vẫn là chất liệu nuôi dưỡng tín tâm của người Phật tử, khích lệ họ hướng đến việc tu thân hành thiện để được Ngài gia hộ.
Cần lưu ý rằng có nhiều kinh đề cập đến năng lực cứu độ của chư Phật. Kinh Lăng-già dạy rằng một vị Bồ-tát cần sự gia trì hộ niệm của Đức Phật mới đầy đủ sức mạnh để thực hiện sứ mệnh của mình. Mặc dầu sự gia hộ này đối với Bồ-tát chỉ là sự khích lệ, tán thán của Đức Phật đối với công hạnh của các ngài nhưng lại khiến tâm Bồ-tát trở nên tinh tấn, dũng mãnh.
Ý nghĩa này có thể quán chiếu phương pháp chữa trị bệnh dịch Covid-19 hiện nay. Bên cạnh việc điều trị Covid-19 bằng phác đồ y khoa, nhiều bệnh nhân Covid đã vượt qua cửa tử của cơn bệnh quái ác này bằng sức mạnh tinh thần qua sự khích lệ, động viên, chia sẻ của các bác sĩ, người thân, đặc biệt là những người Fo đã lành bệnh. Việc làm này được giới y khoa gọi là vắc-xin tinh thần.
Cũng thế, nếu giải thích sự mầu nhiệm này ở góc độ tâm linh, nơi Bồ-tát Quán Thế Âm được tin là hiển linh cứu độ người có duyên sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn mới qua ví dụ dưới đây. Điện thoại di động là vật bất ly thân của con người thời nay. Điều kiện cần và đủ để điện thoại có thể hoạt động là điện thoại, sim, pin, tín hiệu (signal)… được phát ra từ các vệ tinh nhân tạo (sattelite) trên không. Có đôi khi các điều kiện này đều hội đủ nhưng điện thoại của chúng ta không thể hoạt động và được giải thích là mất tín hiệu mặc dù vệ tinh nhân tạo vẫn đang phát sóng.
Chúng tôi tạm ví vệ tinh nhân tạo như là chư Phật, Bồ-tát; tín hiệu vô tuyến (signal) là tha lực của các ngài, điện thoại là thân, sim là tâm, pin là năng lực, yếu tố nối kết tha lực với tâm là niềm tin. Nghĩa là nếu ai đó không tiếp nhận được tha lực gia hộ của các ngài, nghĩa là người đó đang thiếu một trong những điều kiện cần và đủ để được các ngài gia hộ, và có lẽ đó là niềm tin, bởi lẽ theo lời cổ nhân dạy “linh tại ngã, bất linh tại ngã”.
Cho nên, để có thể cảm nhận được sự mầu nhiệm trong thế giới tâm linh, chúng ta cần có một niềm tin, vì như Bồ-tát Long Thọ đã nói “niềm tin là lối vào Thánh pháp của Đức Phật, và trí tuệ là con thuyền mà người ta dùng để vượt qua biển ấy”.
* Thượng tọa giải thích như thế nào về các ngày “vía” Bồ-tát Quán Thế Âm phổ biến hiện nay trong đời sống tín ngưỡng của người Việt?
- Theo truyền thống Phật giáo, mỗi năm có ba ngày lễ quan trọng liên quan đến Đức Phật Thích Ca gọi là Lễ Tam hợp (Đản sanh, Thành đạo và Niết-bàn), nay đã được Liên Hiệp Quốc công nhận và tổ chức hàng năm. Các ngày “vía” Bồ-tát Quán Thế Âm (và của các vị Phật, Bồ-tát) có lẽ đã được tín đồ Phật giáo của một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam, dựa trên nền tảng lễ Tam hợp để hình thành. Theo tôi, việc tổ chức các lễ vía của ngài là một việc làm rất có ý nghĩa, cần phải được duy trì và phát triển. Bởi vì “vía Ngài” là dịp để mọi người (Phật tử và không phải Phật tử) tỏ lòng tôn kính và ôn lại công hạnh của quý Ngài.
“Vía Ngài” cũng là lúc người ta nuôi dưỡng lòng từ bi, hướng đến điều thiện bỏ việc ác, tránh sát sanh, rượu chè, cờ bạc, phát tâm ăn chay niệm Phật để tâm thanh tịnh hầu mong được Ngài cứu khổ. Thử nghĩ, chỉ trong ngày vía này mà tất cả mọi người không làm các điều ác, làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch thì có lẽ thế giới sẽ hòa bình, chúng sanh an lạc. Do vậy, cần phải tâm niệm rằng lễ hội Quán Thế Âm không chỉ để thực hành nghi lễ Phật giáo mà còn là phương tiện hoằng pháp truyền tải thông điệp “từ bi hỷ xả” đến với mọi người.
* Thượng tọa có cầu nguyện trước Bồ-tát Quán Thế Âm không? Và nếu có thì nội dung đó là như thế nào, Thượng tọa có thể chia sẻ một trường hợp cụ thể?
- Mỗi buổi sáng, trước khi bắt đầu công việc cho ngày mới tôi có thói quen đến trước tượng Bồ-tát Quán Thế Âm để dâng lời cầu nguyện. Điều tôi thầm nguyện trước Ngài là cầu mong thân thể ít bệnh tật, tâm ít tham sân để có thể tiếp nhận năng lượng từ bi mà Ngài luôn dành tặng đến mọi người. Sau những phút giây như thế, tôi cảm thấy tâm luôn hỷ lạc, thân thì thư thái nhẹ nhàng. Tôi nghĩ rằng đấy là nhờ sự gia hộ của Quán Thế Âm.
Để có thể lan tỏa sự lợi lạc không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ này, tôi cố gắng thực tập lòng từ để chuyển hóa năng lượng yêu thương đến với những người có duyên. Cổ nhân dạy rằng yêu thương được chia sẻ yêu thương sẽ được nhân đôi. Cuộc sống không gì ý nghĩa hơn khi mình có những phút giây an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
Bạn hãy thử dừng lại ít phút giây để ngắm nhìn hơi thở, để nhìn những người mình yêu thương và bảo với họ rằng bạn rất yêu họ. Kết quả tức thời mà bạn nhận được đó là nụ cười hạnh phúc sẽ nở trên môi mọi người! Hãy đặt niềm tin một lần vào Đức Quán Thế Âm, bạn sẽ lập tức cảm nhận được sự an lạc khi tâm thị phi vắng bóng.
Xin cảm ơn Thượng tọa đã dành thời gian chia sẻ những nội dung ý nghĩa cho chuyên đề về Bồ-tát Quán Thế Âm của báo Giác Ngộ!