Bồ-tát sơ phát tâm theo kinh Pháp hoa

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1269 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1269 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Kinh Pháp hoa, còn gọi là giáo Bồ-tát pháp, tuy nhiên phần nhiều người ta cứ lầm là Bồ-tát ở trong Tam thừa và Tam thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát hoàn toàn độc lập, khác nhau. Nhưng kinh Pháp hoa gọi là Bồ-tát Nhứt thừa, có một thừa thôi, không phải ba thừa.

Đức Phật khai ra Tam thừa là phương tiện để hướng dẫn mọi người ở mọi trình độ khác nhau, cho nên chia làm ba là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Thanh văn thừa dành cho người chỉ thích tu, không thích làm gì, Đức Phật mới nói về cách tu. Duyên giác thừa dành cho người chỉ thích học, thích nghiên cứu, không quan tâm đến vấn đề tu, Đức Phật nói về cách hiểu biết. Hạng thứ ba muốn cứu nhân độ thế, muốn xây dựng một xã hội tốt gọi là Tịnh độ, Đức Phật mới nói Bồ-tát thừa.

Thực sự Đức Phật tùy theo hiểu biết, theo mong muốn, theo khả năng của người mà Ngài dạy pháp tương ưng giúp họ thực tập được và có kết quả tốt. Nhưng các pháp gọi là Tam thừa dành cho ba hạng người này, tới thời Pháp hoa, Phật nói chỉ có một thừa thôi. Đó là con đường đi suốt từ phát tâm Bồ-đề cho đến ngày thành Phật tất cả những người đi trên lộ trình Nhứt thừa này đều gọi là Bồ-tát. Như tất cả Phật tử phát tâm tu theo Phật cũng gọi là Bồ-tát, nhưng kinh Pháp hoa gọi là Bồ-tát mới phát tâm, nghĩa là mình có lòng thương người, thương vật, nhưng mục tiêu cao nhất là tu hành để thành Phật để cứu độ chúng sanh. Đó là một con đường duy nhất mình đi từ đầu tới đích, nhưng Bồ-tát mới phát tâm có việc biết rồi, có việc làm được, cũng có việc chưa biết, chưa làm được, nên có khi họ tốt, có khi không tốt, phạm sai lầm.

Vì chỉ là Bồ-tát mới phát tâm, nên không biết sự thật, mình chỉ thấy bề ngoài khổ sở liền thương, nhưng họ là người giả dối mà mình thương và cưu mang họ, coi chừng chuốc họa vào thân, sau này lại bất mãn, bỏ cuộc.

Có nhiều vị học rất giỏi, nhưng ít tu, nên không đắc đạo. Nhưng có vị học ít, nhưng họ tu, nên đắc đạo, vì có tu mới phát huệ, mà đạo Phật chủ trương giới, định, huệ là việc chính của người tu. Có đạo đức là tu giới rồi, tâm mới định tĩnh và phát huệ mới nhìn thấy sự thật của cuộc đời.

Đức Phật dạy phải thấy biết cho rõ việc nên làm, hay không nên làm. Điển hình như ngài Huyền Trang học rất giỏi và có lòng thương người, giúp người mà ông mắc tới 81 nạn. Ông tu thiệt, nhưng vì học và chuyên nghiên cứu, muốn biết thôi. Vì vậy, ông mới lặn lội từ Trung Hoa sang Ấn Độ cầu pháp, mất 17 năm. Đây là sự thật, trên đường di, ông gặp biết bao tai nạn. Do lòng thương người của ông nhưng thiếu trí tuệ, cho nên ông cứ lầm ma quỷ giả ra những việc đáng thương tâm, mỗi lần ông cưu mang là ông đều dính bẫy của ma.

Và khi lầm người như vậy, mình nghĩ không tu nữa. Nhưng thấy một người giả sư, mình lại nghĩ tất cả sư là giả thì sai rồi.

Đức Phật bảo mình nhìn cho kỹ, người nào tu thiệt thì mình hợp tác cùng tu, người nào tu giả, mình loại họ ra khỏi tâm mình, tức không quan tâm đến việc của họ, mình lo việc của mình.

Vì vậy, Bồ-tát của Nhứt thừa là từ địa ngục A-tỳ đến Phật, trải qua mười cấp bậc gọi là tứ Thánh, lục phàm. Bồ-tát trong lục phàm gặp người tốt thì phát tâm, gặp người xấu thì thối tâm, cho nên vẫn ở trong sanh tử của lục phàm. Nhưng qua tới tứ Thánh mới lên được luôn. Tứ Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và Phật ra ngoài sanh tử, không bị dính mắc với sanh tử nữa, vì họ biết rồi, giả cách nào, họ cũng biết. Thí dụ đối với ông Tề Thiên Đại Thánh, ma quỷ giả dạng gì, ông cũng nhận ra.

Riêng tôi luôn cố gắng nhận ra đối tác của mình là thật hay giả. Họ thật tới mức nào và họ giả tới mức nào để mình khỏi mắc lầm. Tôi hành đạo được đến ngày nay là nhờ kỹ, cố nhận ra được cái thực của đối tác. Kinh Pháp hoa dạy mình nhận ra bằng cách nào?

Một người đến, đầu tiên mình nhìn tướng bên ngoài của họ, nhìn cử chỉ của họ, nghe lời nói của họ. Hành động và lời nói rất quan trọng. Lời nói phát xuất từ trong lòng họ khiến mình thấy họ không thật tâm. Đức Phật nói do tâm bên trong mà sanh ra tướng bên ngoài. Ý này được kinh Pháp hoa ghi nhận rằng như thị tướng, như thị tánh, phải nhìn tướng bên ngoài để biết tánh bên trong và biết tánh họ rồi, kinh dạy phải suy xét tiếp theo là như thị thể, như thị lực, như thị tác…, tức là nhận ra cái gốc của họ là gì, dẫn đến việc làm mà họ đề nghị sẽ xảy ra như thế nào. Quán sát như vậy sẽ phát hiện ra người không ngay thật thường thể hiện qua ánh mắt láo liêng, gian xảo. Cho nên Đức Phật dạy mình phải quan sát bề trong để không vướng vào tai họa.

Trở lại vấn đề Bồ-tát nhân gian là Bồ-tát ở trong loài người. Còn Bồ-tát mười phương đã học rồi, là từ sơ phát tâm đến Phật có mười cấp bậc Bồ-tát ở trong những loại hình thế giới khác nhau. Bồ-tát cấp bậc thấp nhất mới phát tâm ở trong nhân gian là loài người, thì bây giờ mình tìm Bồ-tát ở trong cuộc sống này, họ đang sống với mình để kết hợp làm bạn tu hành.

Đức Phật dạy ở trong loài người có đủ thập giới, từ địa ngục A-tỳ cho đến Phật. Cho nên, cũng có Phật sanh vào loài người như Đức Phật Thích Ca đã thành Vô thượng Đẳng giác, vì thương nhân gian mà Ngài sanh lại làm người, tất nhiên trong con người của Ngài đã có Phật, nhưng ít ai thấy được như vậy. Người ta chỉ thấy Đức Phật Thích Ca là thái tử, là Sa-môn Cù Đàm ôm bát đi khất thực, vì nhìn hình dáng bên ngoài, Ngài giống mọi người. Nhưng trong lúc đó, tiên A Tư Đà thấy thái tử mới ba ngày tuổi, mà đã thấy bên trong thái tử có ông Phật.

Tu theo kinh Pháp hoa, mình nhìn tất cả mọi người đều có ông Phật tiềm ẩn bên trong. Ngay như những người muốn lợi dụng Phật giáo, họ cũng có ông Phật bên trong là Phật tâm. Vì họ thấy Phật được nhiều người kính trọng, cho nên họ cũng giả Phật luôn. Thực tế là có những người tu giả. Phật nói nếu mình biết giáo dục những người tu giả, về sau họ ngộ ra thì cũng trở thành người tu thực.

Trong Phật giáo có các vị cao tăng như Tổ Huệ Đăng của tông Thiên Thai. Ngài hoạt động trong phong trào Cần Vương chống Pháp, khi phong trào này bị tan rã, ngài vào miền Nam, trốn vô chùa. Đi làm cách mạng, thất bại, ngài mới vô chùa ẩn náu, không phải đi tu, nhưng vô chùa, nhìn thấy đạo đức của Hòa thượng Hải Hội, ngài mới phát tâm, đọc kinh, tìm hiểu, từ đó mới hết lòng tu, sau ngài cũng đắc đạo, ngộ đạo. Ban đầu là tu giả, nhưng sau thành tu thiệt.

Vị thứ hai là Tổ Phi Lai cũng là nhà cách mạng ở Quảng Nam trốn vô Gia Định ở chùa Giác Lâm, Giác Viên công quả. Ngày ngày đọc kinh Phật, lần lần ngộ ra, hiểu được mà quyết tâm tu, ngài đắc đạo. Tổ Phi Lai cũng nổi tiếng ở miền Tây.

Tại sao từ nhà cách mạng trở thành nhà tu? Vì Việt Nam bị Pháp đô hộ, đời sống người dân quá khổ, mà các tỉnh miền Trung còn khổ hơn miền Nam. Từ đó mới nổi dậy hoạt động chống Pháp của những người dám hy sinh để cho đất nước này, dân tộc này được độc lập. Đó là những người có lòng tốt, có tâm thương người, tâm vì đại cuộc là tâm hồn lớn. Tâm hồn lớn gọi là Bồ-tát. Tâm hồn nhỏ gọi là tiểu thừa. Người trốn đời để tu vì sợ tội, sợ khổ, ai làm gì mặc họ, chỉ lo tu thôi, như vậy là tu tiểu thừa cũng được.

Người có tâm hồn lớn gặp được Bồ-tát thì hai tâm hồn lớn này có thể dìu dắt nhau tu được. Điển hình như ngài Phi Lai gặp Tổ Minh Khiêm Hoằng Ân ở chùa Giác Lâm. Vị Tổ này học rất giỏi, tu rất cao, nhìn thấu tâm can người. Khi gặp ngài Phi Lai, Tổ nói tất cả suy nghĩ của ông, tất cả việc làm của ông khiến ông rất kính phục Tổ. Nhờ Tổ Minh Khiêm Hoằng Ân dìu dắt, ông mới tiến tu được.

Trên bước đường tu, nhìn vào nhân gian, nhìn vào cuộc sống này, mình mới phát hiện ra Bồ-tát. Đến kinh Pháp hoa, Đức Phật mới nói rằng Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên là Bồ-tát, không phải Thanh văn. Nhưng vì Phật sanh trong thế giới loài người, các Bồ-tát ở trong thế giới của họ, sanh ra cùng thời với Đức Phật để trợ hóa cho Đức Phật. Chúng này quan trọng nhất gọi là chúng trợ hóa. Đức Phật phải có Bồ-tát hợp tác là người giỏi, người tốt để làm được việc lớn.

Đức Phật dạy như vậy, mình nhìn kỹ thấy đúng thiệt. Xá Lợi Phất là nhà hùng biện bậc nhất, bằng độ cảm tâm, tôi làm bài kệ tán thán ngài: “Vị tu hành thời đại luận gia. Danh văn phổ cập Ma Kiệt Đà. Hạnh ngộ Thánh Tăng nhi phát túc. Vị lai tác Phật hiệu Hoa Quang”. Nghĩa là trước khi tu theo Phật, ngài là đại luận sư ở nước Ma Kiệt Đà của vua Tần Bà Sa La. Không có luận sư nào tranh cãi qua được ngài. Ngài thông minh đặc biệt, ngài nổi danh ở nước Ma Kiệt Đà, nhưng gặp Mã Thắng Tỳ-kheo, ngài liền phát tâm. Vì ngài thấy Mã Thắng không nói, ôm bình đi khất thực, trông ung dung tự tại, an nhàn, thanh thoát, mới hỏi thầy tu pháp gì mà sao tôi thấy kính trọng quá, tôi chưa kính trọng ai!

Trên bước đường tu, nhìn vào nhân gian, nhìn vào cuộc sống này, mình mới phát hiện ra Bồ-tát. Đến kinh Pháp hoa, Đức Phật mới nói rằng Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên là Bồ-tát, không phải Thanh văn. Nhưng vì Phật sanh trong thế giới loài người, các Bồ-tát ở trong thế giới của họ, sanh ra cùng thời với Đức Phật để trợ hóa cho Đức Phật. Chúng này quan trọng nhất gọi là chúng trợ hóa. Đức Phật phải có Bồ-tát hợp tác là người giỏi, người tốt để làm được việc lớn”.

Nhìn thấy Mã Thắng an vui, giải thoát, Xá Lợi Phất cũng an vui, giải thoát theo. Điều này kinh nói là Xá Lợi Phất thấy Mã Thắng liền chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn nghĩa là tâm an vui, giải thoát. Vì vậy, tu pháp nào cũng được, quan trọng là được an vui và giải thoát, tức mình thấy không bị gì ràng buộc và cảm thấy vui lạ. Vui này là vui của tự thọ dụng, vui tự trong lòng không cần có đối tượng, không cần đối cảnh. Lúc trước mình có tha thọ dụng, nghĩa là bên ngoài vui khiến mình thấy vui, bên ngoài khổ làm mình khổ, đó là bị xã hội chi phối. Nhưng bây giờ, ngược lại, mình vui trong lòng mà chẳng biết vui cái gì. Và có được nguồn vui bên trong, không cầu tìm bên ngoài nữa thì Phật nói là chứng được Sơ quả, nhập vào Thánh đạo.

Khi vào Sơ quả, tâm mình thanh tịnh, an vui, kinh Pháp hoa gọi là thấy hoa Mạn-đà-la và hoa Mạn-thù-sa. Vì vậy, tu ở trong nhân gian, khi quý vị thấy người nào mà tâm mình được thanh tinh, an vui thì Phật khuyên mình nên thân cận, học hỏi.

Theo Mã Thắng về tới tịnh xá, Xá Lợi Phất thấy Phật, liền chứng quả Vô sanh. Tại sao tu đắc đạo dễ quá vậy? Vì Xá Lợi Phất ở trong thế giới của A-la-hán là Niết-bàn mà hiện ra thế giới sanh tử. Bởi có Phật ra đời, các vị A-la-hán, Bồ-tát ở thế giới khác, họ cùng sanh theo. Ý này được Phật nói là người tu theo kinh Pháp hoa, thầy trò thường sanh chung một chỗ, thầy sanh đâu trò sanh đó để dìu dắt nhau tu. Không có mối liên hệ thầy trò như vậy thì khó tu. Vì nhờ nhận ra được ông thầy này đã là thầy của mình trong kiếp trước, nên mình kính trọng liền và cảm giác những gì thầy mình nói rất thân quen mà mình đã từng nghe. Chính tình thầy trò gắn bó thiêng liêng mật thiết nên thầy trò dễ gần nhau, hiểu nhau, quý mến nhau, cùng nhau đi suốt đường đạo.

Phật cho biết Xá Lợi Phất đã đắc quả A-la-hán nhiều kiếp về trước, không phải mới đắc La-hán. Nhưng ngài sanh lại, mang thân người thì bị ngũ uẩn ngăn che, mới tưởng mình là con người phàm phu.

Phật nói thí dụ đơn giản, có một con hổ sanh ra hổ con rồi nó chết. Hổ con được đàn cừu nuôi, sống theo cừu, uống sữa cừu, nghĩ nó là cừu, nhưng thiệt gốc nó là hổ. Một hôm, nó gặp con hổ thiệt tới, đàn cừu bỏ chạy, nó cũng chạy theo. Con hổ thiệt đuổi theo, bắt nó lại, nó vội van xin đừng giết nó. Con hổ thiệt nói mày là con hổ, không phải con cừu. Vì nó ở trong loài cừu, nên nó cứ kêu be be. Con hổ thiệt nói bây giờ tao gầm một tiếng, mày hãy gầm theo. Hổ con mới gầm lên một tiếng y hệt như con hổ thiệt thì nó mới biết nó là hổ.

Xá Lợi Phất là A-la-hán mang thân người vô, phải chịu sự chi phối của thân là phải ăn uống, ngủ nghỉ, làm mọi việc và sống theo khôn dại của xã hội dạy. Trong khi con người thật bên trong là tánh linh của ngài cao, nên ngài thông minh hơn tất cả mọi người và nhờ ngài gặp Phật nên nhận ra được mình là A-la-hán. Điều này Nhật Liên nói rằng ví như con chim bị nhốt trong lồng để chỉ cho con người thực bị nhốt trong thân ngũ uẩn. Khi nghe được tiếng chim ngoài trời hót thì chim biết được bầu trời bao la bên ngoài mà tự sổ lồng bay ra.

Khi Phật giáo suy đồi, lại có các vị Bồ-tát hiện thân lại để khơi dậy sức sống cho đạo. Tôi cảm được công hạnh của các Ngài, mà làm bài kệ: ‘Ta-bà kham nhẫn độ. Ứng hóa thọ sanh thân. Hộ trì Như Lai tạng. Lợi lạc chư quần sanh’. Bằng độ cảm, tôi tán dương các Ngài rằng ở thế giới Ta-bà khổ sở này, các Ngài mới ứng thân trở lại, hóa thân trở lại, mang sanh thân người, trong khi các vị này thường ở Niết-bàn, ở Cực lạc, ở Tịch quang của Đức Phật.

Cũng vậy, Xá Lợi Phất gặp Phật chứng A-la-hán liền, nghĩa là đạo lực của Đức Phật đã tác động ngài trực nhận được con người thực của mình là A-la-hán. Đức Phật cho biết đến kinh Pháp hoa, Phật mới nói thiệt là ông này sáu mươi tiểu kiếp trước đã đắc quả La-hán, nhưng vì Phật sanh trên cuộc đời, ông sanh theo để cùng hành đạo với Phật, mà học hỏi thêm Bồ-tát đạo để sau này thành Phật. Vì vậy, Đức Phật thọ ký cho Xá Lợi Phất trải qua thời gian hành Bồ-tát đạo, sau này thành Phật hiệu là Hoa Quang, không phải vào Niết-bàn. Đức Phật nói đắc La-hán rồi phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo viên mãn hạnh Bồ-tát, chắc chắn đạt quả vị Phật.

Phật nói trong loài người có các vị La-hán sanh lại. Họ sanh lại thường làm Tổ, như Tổ Khánh Hòa sanh trong thời Pháp thuộc, Phật giáo suy đồi đến mức thấp nhất. Ngài mới khơi dậy phong trào chấn hưng Phật giáo, mở trường Phật học đào tạo Tăng tài. Tôi nhờ từ trường Phật học này ra, mới hiểu đạo và truyền đạo. Còn Phật giáo một trăm năm trước rất là tệ, các thầy chỉ đi cúng, nên người ta nói thấy ông sư ôm chuông mõ đi là biết trong làng có người chết. Vì người ta quan niệm người chết mới rước ông thầy chùa đi tụng kinh. Tôi đi tu bảy mươi năm trước là như vậy đó. Nhưng may mắn, được vào Phật học đường, được đào tạo, bây giờ tôi mới được thế này, nếu không, cũng chỉ đi cúng và chết rồi.

Khi Phật giáo suy đồi, lại có các vị Bồ-tát hiện thân lại để khơi dậy sức sống cho đạo. Tôi cảm được công hạnh của các Ngài, mà làm bài kệ: “Ta-bà kham nhẫn độ. Ứng hóa thọ sanh thân. Hộ trì Như Lai tạng. Lợi lạc chư quần sanh”. Bằng độ cảm, tôi tán dương các Ngài rằng ở thế giới Ta-bà khổ sở này, các Ngài mới ứng thân trở lại, hóa thân trở lại, mang sanh thân người, trong khi các vị này thường ở Niết-bàn, ở Cực lạc, ở Tịch quang của Đức Phật.

Thật vậy, thực tế mình thấy vị nào ở Cực lạc sanh lại, thì họ quen theo cách sống ở Cực lạc của Đức Phật A Di Đà và họ truyền cho mình pháp tu Tịnh độ để mình vãng sanh Cực lạc. Còn người ở thế giới Niết-bàn sanh lại, họ dạy mình pháp tu để đi vào Niết-bàn. Do đó, có vị dạy mình tu thiền, có vị dạy mình niệm Phật, vì cái gốc của họ như vậy.

Tôi đi tu, bắt đầu quan sát các vị giảng sư mới nhận ra được điều này. Tôi nghĩ tại sao vị này dạy mình pháp tu thiền Tứ niệm xứ. Về sau, tụng kinh Pháp hoa, tôi nghĩ ra các vị này là A-la-hán ở Niết-bàn sanh lại. Vì pháp này là pháp hành mà họ đã chứng được, nên họ dạy mình pháp này, mình cũng cảm nhận được. Pháp tu của họ là quán vô thường, quán bất tịnh, quán khổ, quán không. Rõ ràng đây là pháp tu của A-la-hán quán tưởng mà đắc quả. Vì quán vô thường nên họ không chấp bất cứ cái gì trên cuộc đời này, không quan tâm đến cái thân nay còn mai mất. Các vị A-la-hán tu quán như vậy, đắc quả, không bị cuộc đời làm phiền, ngăn che, vì họ biết đúng về vô thường.

Còn các Phật tử nghe nói vô thường liền bỏ hết công ăn việc làm rồi khổ sở, thiệt ra không khổ, nhưng mình hiểu lầm làm cho khổ.

Đức Phật không dạy cư sĩ bán hết gia nghiệp để cúng cho chùa. Phật dạy cư sĩ sống với số tiền tạo ra hàng ngày. Một tháng làm mười triệu, anh sống chừng năm triệu thôi, còn năm triệu để dành tái tạo, để dành phòng hờ khi khó khăn mình có sử dụng, đừng bao giờ xài hết. Còn ở tại gia, mình phải thỏa hiệp với cái nghiệp để mình tu.

Vì vậy, khi con của trưởng giả xin đi tu, Phật cho, nhưng các ông trưởng giả xin đi tu, Phật không cho. Phật dạy rằng con ông đi tu được, làm Sa môn ôm bình đi xin được. Ông còn vợ, còn sự nghiệp, còn những công nhân làm cho ông. Ông đi tu, bỏ họ, cuộc sống họ ra sao. Ông đi tu, ôm bình khất thực, sống khổ quá, rồi ông muốn trở lại đời thường nhưng gia nghiệp mất hết rồi thì giải quyết cách nào đây. Phật dạy rõ ràng, cư sĩ còn tại gia, tập lần lần hạnh xuất gia. Ban đầu mình kiếm mười triệu, để dành một nửa, mình dùng tiền này làm chuyện nghĩa 10% thôi, chứ không làm quá. Thấy người khó khăn, mình giúp đỡ để tạo phước. Còn để dành tái tạo trở lại. Đừng đem bố thí, cúng hết cho chùa rồi oán hận chùa khi nghèo khổ.

Người có gia đình, nhưng không nặng vấn đề gia đình, mà gia đình vẫn an vui, hòa thuận. Có sự nghiệp, nhưng không nặng vấn đề kiếm tiền, sự nghiệp họ vẫn có. Giống như ông Cấp Cô Độc giàu nhất, nhưng không quan tâm đến tiền của. Tiền của ông để bố thí, cúng dường, giúp đỡ người khó khăn, lo cho công nhân thợ thuyền của ông là chính. Trên bước đường tu, hành Bồ-tát đạo là như vậy.

Phải tập lần, Phật dạy nếu là Phật tử phải ráng giữ năm giới cho trọn để bảo đảm không bị đọa. Giữ năm giới xong rồi và tình cảm gia đình dứt khoát thì ở nhà tu cũng có thể chứng quả Tu-đà-hoàn được, tức lòng tham đã hết. Còn tại gia nhưng lòng tham mình hết, mà phước mình còn, nên sự nghiệp của mình còn nguyên, sợ nhất phước hết thì sự nghiệp mình mất.

Như Ma-ha Ca Diếp có gia đình, nhưng vợ chồng đều muốn tu, ái dục không có, chỉ có tình bạn. Các đạo hữu cư sĩ nên làm điều này trước thì sau này đi xuất gia dễ. Có vợ chồng nhưng coi vợ chồng là bạn đạo, từ bạn đời đổi thành bạn đạo. Hai vợ chồng cùng tu, cùng nghe pháp, cùng tụng kinh, cùng ngồi thiền như vợ chồng Ma-ha Ca Diếp có phước, nên họ tu, sự nghiệp còn nguyên để lo cho những người làm việc cho ngài. Không phải mình bỏ hết thì những người theo mình, họ sống bằng cách nào. Vì vậy, phát Bồ-đề tâm là phải thương những người đã hợp tác với mình, phải lo cho họ để sau này mình tu đắc đạo, những người này trở thành quyến thuộc Bồ-đề của mình.

Người có gia đình, nhưng không nặng vấn đề gia đình, mà gia đình vẫn an vui, hòa thuận. Có sự nghiệp, nhưng không nặng vấn đề kiếm tiền, sự nghiệp họ vẫn có. Giống như ông Cấp Cô Độc giàu nhất, nhưng không quan tâm đến tiền của. Tiền của ông để bố thí, cúng dường, giúp đỡ người khó khăn, lo cho công nhân thợ thuyền của ông là chính. Trên bước đường tu, hành Bồ-tát đạo là như vậy.

Nhìn vào cuộc đời, thấy rõ Xá Lợi Phất là vị La-hán tái sanh trở lại trợ hóa Phật, nên gặp Phật, liền nhớ lại tiền kiếp là La-hán. Cấp Cô Độc cũng vậy, ông là Bồ-tát Thiện Đức cũng sanh lại cùng thời với Đức Phật, hết lòng với Phật. Đó là tình thầy trò nhiều kiếp trước, nên thầy sanh lại, trò cũng sanh lại để hộ pháp. Không có Cấp Cô Độc, ai xây Kỳ Hoàn tịnh xá, ai giúp đỡ chư Tăng tu ở đây. Vì vậy, Đức Phật ra đời có tất cả các vị Bồ-tát, A-la-hán sanh theo.

Tóm lại, trong xã hội có Phật, Bồ-tát, La-hán sanh lại, mà người có phước lớn được gặp các Ngài để theo tu học thì còn diễm phúc nào hơn. Với những người đắc Sơ quả trở lên, tâm họ thanh tịnh, sáng suốt, mình kết hợp làm bạn tâm giao, bạn tu hành thì việc tu của mình được an lành. Còn những người chưa chứng Sơ quả thì mình sống xa xa một chút, giúp đỡ họ được gì thì giúp để mình kéo họ về Chánh pháp. Vì Phật nói tất cả mọi người sẽ thành Phật, nhưng bây giờ họ chưa là Phật, họ là ma giả Phật mà mình kéo họ vô rất nguy hiểm, hại cho mình và hại nhiều người.

Nhìn kỹ trong cuộc sống mình, ai tốt thực, tu thực thì mình kính trọng, làm bạn cùng tu. Ai không phải như vậy thì thôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.